Nỗi ám ảnh từ sà lan: Sập cầu Ghềnh, thiệt hại chồng chất

21/03/2016 - 07:47

PNO - Cây cầu bốn nhịp xây xong từ năm 1903 đã đổ sập khi sà lan đâm vào đúng lúc thủy triều dâng khiến đường sắt Bắc-Nam tê liệt hoàn toàn...

Noi am anh tu sa lan: Sap cau Ghenh, thiet hai chong chat
Tuyến xe lửa Bắc-Nam tê liệt hoàn toàn sau sự cố cầu Ghềnh - Ảnh: P. Huy

Hiện các phương án khắc phục sự cố vẫn đang "nóng bỏng" bởi đường sắt Bắc-Nam tê liệt hoàn toàn. Nhiều người thoát chết trong gang tấc.

Tai nạn không tưởng

Khoảng 11g30 ngày 20/3, sà lan số hiệu SG 3745 chở cát được một tàu kéo từ Long An lên thượng nguồn sông Đồng Nai. Khi đi qua cầu Ghềnh, sà lan đã tông vào mố cầu số 2, kéo hai nhịp bị gãy rời, nhịp số 2 rơi hẳn xuống sông, nhịp số 3 vẫn còn dính ở mố. Tại hiện trường tai nạn phía phường Quyết Thắng, một thanh sắt dài 8m cắm xuống sông, trên phần cầu còn lại vẫn “lủng lẳng” hai chiếc xe máy của các nạn nhân. Ở phía cầu thuộc phường Bửu Hòa, nhiều thanh tà ray dài 15m cắm xuống sông. Hàng chục người dân vẫn chưa hết hoảng sợ khi chứng kiến sự cố hy hữu này.

Ông Hoàng Minh Lộc (48 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa) cho biết: “Tôi đang dự định khoảng nửa tiếng nữa xuống Thủ Đức thăm đứa em. Đang ngồi uống nước thì mấy ông bạn xe ôm báo tin cầu sập. Nghe mà nổi hết da gà”. Khi ông Lộc đứng quan sát hiện trường cùng chúng tôi, cây cầu vẫn phát ra những tiếng rung lắc ken két mỗi khi có luồng gió tạt vào.

Chị Yến (27 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa), một trong ba người có mặt trên cầu đúng lúc tai nạn xảy ra kể lại: “Tôi nghe ầm một cái rồi cầu sập, tôi té xuống va vào thành cầu, nhờ vậy mà mắc lại chứ không rơi luôn xuống sông. Đang định thần lại cho bớt sợ thì một người đàn ông chạy ngang qua bảo tôi “chạy đi” tôi mới vùng dậy chạy theo”.

Một người dân chứng kiến vụ việc cho biết thấy hai người trên sà lan nhảy xuống sông và vùng vẫy kêu cứu, có vẻ không biết bơi. Khoảng hai phút sau cả hai được một thuyền đánh cá đi ngang vớt lên nhưng không quay lại hiện trường. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC Đồng Nai đã phối hợp với cứu hộ cứu nạn TP.HCM huy động hàng chục ca nô quần thảo quanh hiện trường để đề phòng có trường hợp nạn nhân mất tích. Đến tối cùng ngày, Đại tá Bùi Hữu Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiếp cận vào khoang buồng lái tàu và chưa phát hiện thêm nạn nhân nào khác.

Khoảng 17g cùng ngày, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì họp báo thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan, theo đối chiếu hệ thống đăng kiểm, chiếc tàu SG - 3745 đã hết hạn kiểm định gần ba tháng. Còn sà lan mang số hiệu SG - 5984 có hạn đăng kiểm đến 4/7/2016, người đứng tên đăng ký là Nguyễn Thu Hồng ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Theo tin báo của chủ tàu đến cơ quan chức năng, do tránh phương tiện đi ngược chiều nên sà lan đâm làm sập cầu Ghềnh. Hai tài công được xác định là hai chú cháu Trần Văn Giang (SN 1980) và Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988), cùng quê Bạc Liêu. Hiện lực lượng trinh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP. Biên Hòa đã được lệnh phối hợp với Cục Cảnh sát ngoại tuyến kỹ thuật (C51) Bộ Công an lên đường xác minh truy tìm đối tượng để phục vụ điều tra.

Noi am anh tu sa lan: Sap cau Ghenh, thiet hai chong chat
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn TP. HCM ra sức tìm kiếm nạn nhân bị nghi bị mất tích

Chồng chất sự cố và thiệt hại

Theo phân tích của Ban An toàn giao thông quốc gia, sau sự cố sập cầu Ghềnh, việc trung chuyển hành khách đi tàu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bắt buộc phải tính đến phương án “chia tải” với các đơn vị xe khách lẫn hàng không. Ước tính ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người cho đến khi có thể khắc phục sự cố xong. Hiện nay ga Biên Hòa chỉ có thể tạm thời được sử dụng trung chuyển hành khách còn hàng hóa phải chuyển sang ga Hố Nai.

Trong khi đó, ghi nhận của PV báo Phụ Nữ tại ga Biên Hòa vào chiều cùng ngày sau khi xảy ra vụ sập cầu, chỉ có hàng trăm hành khách đã khiến nhà ga này muốn “bốc cháy” vì quá nóng nực, chưa kể các hệ lụy về an ninh trật tự nếu tình trạng kéo dài. Chưa dừng lại đó, hiện nay việc trục vớt tàu lai dắt sà lan gần như vô phương vì tàu lớn không vào luồng buộc cơ quan chức năng phải tính đến phương án thử kết hợp sà lan 3.000 tấn với cẩu 200 tấn. Tuy nhiên, chưa đơn vị nào dám khẳng định sẽ khả thi vì chưa có thiết bị khám nghiệm toàn diện hiện trường.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI