Nỗi “ám ảnh” mì ăn liền của người dân Hồng Kông

17/02/2024 - 07:31

PNO - Bất chấp cảnh báo về sức khỏe, người dân Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn bảo vệ mì ăn liền vì sự tiện lợị, gọi nó là món ăn không thể thay thế.

Mới đây, mì ăn liền trở thành tiêu điểm tranh luận tại Hồng Kông, sau khi Cơ quan giám sát người tiêu dùng công bố báo cáo cho biết các chất có khả năng gây ung thư được tìm thấy trong gần 90% mẫu mì. Họ cũng cảnh báo người dân cần lưu ý về hàm lượng natri và chất béo cao có trong mì.

Sau khi báo cáo được công bố, nhân viên văn phòng, sinh viên và nhiều người khác đã lên mạng xã hội để bảo vệ món ăn nhanh này vì sự tiện lợi, gọi nó là món ăn không thể thay thế.

Kenneth Chan Kin-nin và Gilly Wong Fung-han của Hội đồng người tiêu dùng đã cảnh báo rằng gần 90% mì ăn liền được kiểm tra đã phát hiện có chứa chất gây ô nhiễm tiềm ẩn gây ung thư.
Gần 90% mì ăn liền được kiểm tra đã phát hiện có chứa chất tiềm ẩn gây ung thư

Niềm đam mê và nỗi "ám ảnh" của người Hồng Kông đối với thực phẩm đóng gói này có thể được thấy rõ thông qua số lượng mì tiêu thụ.

Theo số liệu mới nhất, người Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã tiêu thụ 45 tỉ khẩu phần mì ăn liền vào năm 2022, gấp 7 lần lượng tiêu thụ ở Nhật Bản - nơi phát minh ra mì ăn liền.

Dữ liệu của Cục Thống kê và điều tra dân số còn cho thấy, mức độ phổ biến của thực phẩm đóng gói sẵn đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020, với lượng hàng nhập khẩu tăng lên hơn 59.000 tấn, trị giá 1,22 tỉ đô la Hồng Kông (156 triệu USD).

Nói dễ hiểu, mỗi người trong số 7,47 triệu cư dân của Hồng Kông trung bình ăn 76 gói mì ăn liền mỗi năm, nếu mỗi gói nặng khoảng 100 gram.

Với giá cả phải chăng và sự lựa chọn đa dạng về các loại đồ ăn kèm, mì ăn liền đã trở thành món ăn phổ biến được phục vụ tại các hàng quán trên khắp thành phố.

Kathy Ng Yiu-fan, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của Trung tâm Dinh dưỡng Kat-Spirit, nói với tờ Post rằng một trong những thủ phạm chính của thực phẩm ăn liền là bột nêm, vốn chứa nhiều natri. Do đó, bà khuyến cáo để ăn uống lành mạnh hơn, mọi người nên giảm lượng natri nạp vào và tránh ăn mì gói quá thường xuyên.

Bà đề nghị mọi người có thể ăn kèm mì ăn liền với rau, trứng, thịt gà, thịt thái lát và hải sản như tôm, sò điệp hoặc mực.

“Mặc dù chất lượng dầu dùng trong mì có thể không lý tưởng nhưng khi các thành phần khác được cân bằng tốt, nó có thể làm cho toàn bộ bữa ăn tương đối ít có hại cho sức khỏe hơn”, bà cho biết.

Minh Hương (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi