Chưa lường được những điều phản tác dụng
Ở Pháp (và có lẽ là ở các nước châu Âu khác), ngay từ nhỏ chúng tôi đã được dạy về sự độc lập của mỗi cá nhân, về việc tôn trọng quyền riêng tư của người khác bên cạnh rất nhiều bài học đạo đức quen thuộc. Thế nên, mỗi người chúng tôi luôn mang trong lòng niềm tự hào được là chính mình. Tôi chưa bao giờ chứng kiến chuyện phụ nữ hay đàn ông Pháp nhìn vào nhà người khác mà chạnh lòng hay so sánh.
|
Vagne Christian, người Pháp, họa sĩ thiết kế |
Tất nhiên, khi còn là trẻ con, như mọi đứa trẻ khác, cũng có lúc chúng tôi nghịch ngợm hay bướng bỉnh. Tôi còn nhớ những khi ấy, mẹ chỉ nhẹ nhàng hay nghiêm khắc nhắc nhở, rằng: “Christian, nếu không dừng ngay trò đó lại, con sẽ không được ăn bữa tối”. Hoàn toàn không giờ có những lời so sánh kiểu như: “Christian, sao con chẳng bao giờ chăm học như Pierre” hay “Nhìn Vincent kìa, mẹ chỉ mong con ngoan ngoãn như nó”…
Sống ở Việt Nam khá lâu nên tôi hiểu người Việt có thói quen so sánh như vậy vì muốn người thân của mình phấn đấu để tiến bộ hơn. Tuy nhiên, có lẽ đó là do người ta chưa lường được những điều phản tác dụng khi thường xuyên so sánh nhà mình với nhà người khác.
Tôi lớn lên trong sự so sánh với... con nhà người
Vốn là đứa trẻ ngoan nên tôi lớn lên trong niềm tự hào của ba. Là con một, tôi chưa khi nào bị ba đem ra so sánh với con nhà người ta. Mãi đến khi tôi xa nhà lên Sài Gòn học. Khi ấy, cả xóm có phong trào rủ nhau lên thành phố đi làm, chủ yếu là… phục vụ trong các quán cà phê.
Khi về quê họ mang theo nhiều tiền, xinh đẹp, sành điệu hơn con bé sinh viên như tôi. Từ lúc ấy, tôi bắt đầu nghe mẹ lằng nhằng: “Sao con người ta kiếm được nhiều tiền… sao con người ta biết mang tiền về cho gia đình...”. Có lần quá ấm ức, tôi đã phản ứng: “Sao mẹ mang con so sánh với cave, bộ mong con như họ sao?”.
Mẹ tôi hát mãi ca khúc “chồng người ta thấy ham”, “con người ta thấy ham”. Gia đình tôi vì những điều ấy mà đôi khi nặng nề. Có lẽ nhờ rút kinh nghiệm từ chuyện không vui của mình nên khi làm vợ, làm mẹ, tôi tự cân bằng những gì mình đang có, hài lòng với những gì thuộc về mình.
Hiện tại, dẫu cho cuộc sống của tôi ngước lên chắc chẳng bằng ai, cúi xuống cũng có người chưa bằng mình, nhưng tôi nghĩ thế cũng là vui, là ổn. Dù đã rất thận trọng với điều này, đôi khi vô tình nói mãi con không nghe, tôi cũng buột miệng bảo: "Giờ này con người ta ngồi vào bàn học hết rồi", vậy thôi mà con đã hờn dỗi, sao mẹ cứ “con người ta…”.
Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, quan điểm khác nhau, chẳng ai cần là bản sao của ai. Tôi nghĩ so sánh luôn hiện diện trong mỗi người, quan trọng là mục đích so sánh. Tôi so sánh nhưng chọn xu hướng tích cực, phân tích, học hỏi, buông bỏ... nên việc ấy giúp tôi rất nhiều.
|
Bùi Hoàng Uyên (Công ty Manulife) |
Chớ dại làm “người thích đùa”
Tôi cho rằng những phụ nữ hay so sánh chồng mình với “chồng người ta” là những người… thích đùa.
Bởi có thể sáng sáng bạn thấy ông hàng xóm áo quần phẳng phiu, tóc tai bóng mượt, nước hoa thơm phức xách cặp da ra đường kèm cái gật đầu mỉm cười chào hàng xóm là quá dễ mến. Nhưng ai biết được trong gia đình, ông là chúa… ở dơ và “lười chảy thây”, mớ phục trang tươm tất trên người ông là do vợ chăm lo đấy.
Còn nụ cười dễ mến kia chẳng qua chỉ là thứ rẻ nhất để lấy lòng hàng xóm mà thôi. Ai biết được trong nhà thì ông mắng vợ như mắng người giúp việc, mắng con như mắng… chó. Hở tí là ông quát mắng, thậm chí vợ ông đã phải thay bình hoa đến lần thứ mười mấy rồi vì “sở thích” giận lên là quăng ném của ông.
Chị hàng xóm vừa khoe chiếc nhẫn vàng trắng giá hàng chục triệu đồng, nói là do chồng tặng, bạn sẽ xuýt xoa ước ao. Nhưng làm sao bạn biết đấy là do chồng chị ấy, tối hôm qua trong cơn say xỉn kèm bực tức bà vợ lắm lời, vừa “nựng mạnh tay” khiến mặt chị sưng vù nên nay mua quà để “khắc phục hậu quả”.
Tôi không bao giờ so sánh con mình với con người khác kiểu “nhìn thằng A. con nhà cô B. đi, nó cái gì cũng giỏi khiến mẹ nó nở mày nở mặt, còn con thì…”. Vì tôi biết mỗi đứa trẻ đều có điểm ưu và khuyết riêng. Ví dụ con trai lớn của tôi không làm việc nhà giỏi, nhưng bù lại cháu sử dụng vi tính rất rành, tất cả công việc liên quan đến vi tính gia đình đều do cháu đảm nhận.
Còn con trai nhỏ của tôi lại không ưa máy vi tính. Cháu chỉ thích nấu ăn và nấu vừa ngon miệng vừa đẹp mắt. Hôm nào tôi muốn “huấn luyện” lại, bắt thằng anh đi nấu ăn, thằng em đi đánh máy là y như rằng cơm dở, máy hư.
Vậy đó, những người vợ thông minh, những người mẹ yêu thương con thật sự sẽ không bao giờ so sánh chồng con mình với người khác. Vì khi so sánh là tình cảm đã bắt đầu “có vấn đề”, khiến “bị hại” vô cùng khó chịu vì bị tổn thương.
|
Đào Phạm Thùy Trang (nhà văn, Hội VHNT Tây Ninh) |
Tôi cũng từng là nạn nhân
Tôi có một người quen, chẳng hiểu từ khi nào họ có “thói quen” nhìn vào gia đình tôi và tự so sánh với gia đình họ, chẳng vì một lý do gì cả. Là bạn bè lâu năm nên mỗi khi gặp nhau, chúng tôi cũng hay kể chuyện về nhà mình, chuyện mình mua nhà, mua xe, chuyện gia đình, công việc...
Và người quen ấy, hình như mỗi khi nghe tôi kể chuyện nhà mình lại không vui, về nhà nói với chồng cô ấy rằng nhà tôi có cái này cái kia, tại sao cô ấy lại không... Từ đó, gia đình tôi trở thành tâm điểm của mọi sự
so sánh.
Tôi không có tính hay so sánh nhà mình, chồng mình với nhà người ta, chồng người ta. Nhưng thật oái oăm khi mình “bị” trở thành tâm điểm để người ta so sánh, thậm chí bị mang ra hạch sách, nặng nhẹ. Theo tôi, trong những trường hợp như thế, việc trở thành người bị so sánh chẳng những không có gì đáng để tự hào mà ngược lại, khiến tâm trạng chúng ta nặng nề hơn.
|
Trương Linh (Q.9, TP.HCM) |