Nỗi ám ảnh điểm số 'con người ta'

26/05/2017 - 13:18

PNO - Chúng ta đưa con đến trường để thu nạp kiến thức, nhưng lại vô tình đẩy con vào lỗ hổng khác về cách sống, cách cư xử, cách làm người. Rõ ràng đây là điều chẳng bậc cha mẹ nào muốn.

Những ngày này, hàng loạt trường học đang hân hoan làm lễ tổng kết, khép lại một năm học mệt nhoài của học sinh. Như thường lệ, trên facebook cũng rầm rộ hình bảng điểm, sổ liên lạc, những lời nhận xét của giáo viên về học lực và đạo đức của con - được đăng tải bởi các ông bố bà mẹ sau cuộc họp phụ huynh. 

Noi am anh diem so  'con nguoi ta'
Những con số đẹp

Hầu hết những con số đều lung linh, đẹp đẽ với điểm 9, 10 tròn trĩnh. Những dòng trạng thái đầy tự hào: “Tôi chỉ để đây và không nói gì”. Những bình luận khen ngợi, ngưỡng mộ của cộng đồng mạng không ngừng xuất hiện. Niềm tự hào của người làm cha mẹ không ngừng tăng lên theo những lượt like và thả tim.

Họ có quyền tự hào chứ, thành quả của cả năm miệt mài học tập của con mà. Những con số nhỏ bé ấy có vẻ như nói lên tất cả năng lực của một đứa trẻ, một điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng mong mỏi. Điều đáng nói, những con số này lại quyết định tâm trạng của chính cha mẹ. Điểm trung bình cao: hãnh diện và hài lòng. Và mọi thứ sẽ rất tệ ở trường hợp ngược lại, tức điểm trung bình thấp hoặc kết quả học tập không như mong muốn.

Chỉ qua một cuốn sổ liên lạc, cũng có thể thấy rất rõ một điều: phụ huynh chúng ta có nhiều nỗi lo quá. Lo con thất bại, lo con thua kém bạn bè, lo con không học đủ giỏi để lớn lên thành “ông này bà kia”. Những nỗi lo xuất phát từ chính tuổi thơ còn nhiều khiếm khuyết của cha mẹ và khát khao mọi thứ sẽ được hoàn thiện hơn ở cuộc đời con cái. Hoặc đơn giản hơn, lo chỉ là vì mọi người xung quanh mình đều lo, nếu mình không lo thì hóa ra mình... không thương con, không có trách nhiệm gì với cuộc đời nó hay sao?

Noi am anh diem so  'con nguoi ta'
Ảnh minh họa.

Ở một diễn biến khác, trên những diễn đàn của học sinh cũng vô vàn những nỗi lo của chính những cô cậu học trò trót có kết quả học tập ngoài kỳ vọng của cha mẹ. Các em chia sẻ rằng, cuộc họp phụ huynh cuối năm thực sự là một “cơn ác mộng mùa hè”. Nỗi lo lắng ở một cấp độ nào đó sẽ chuyển biến thành sự sợ hãi.

Và để đối phó với sự sợ hãi, những cô cậu học trò dễ có những hành động và suy nghĩ tiêu cực. Như một vài trường hợp tôi từng biết, có những học sinh cấp III thuê người giả làm phụ huynh để qua mặt thầy cô, sửa điểm trung bình trong sổ liên lạc để qua mặt bố mẹ.

Chúng ta đưa con đến trường để thu nạp kiến thức, nhưng lại vô tình đẩy con vào lỗ hổng khác về cách sống, cách cư xử, cách làm người. Rõ ràng đây là điều chẳng bậc cha mẹ nào muốn.

Minh Khuê - con gái chị tôi từng kể: “Bạn con ai cũng thần tượng mẹ Khuê hết, nói ước gì mẹ mình giống mẹ Khuê. Vì con nói là mẹ cho phép con làm bài mấy điểm cũng được, miễn trên trung bình”. Chỉ vậy thôi mà mẹ Minh Khuê trở thành “idol” trong lòng các bạn nhỏ.

Một người bạn khác của tôi kể, con gái chị điểm trung bình cuối năm là 8,6, xếp hạng 39 trong lớp, một thứ hạng mà nếu ở thời trước, bạn sẽ bị mẹ đánh cho tét mông vì học hành không ra gì. Nhưng bạn thì tỉnh bơ bảo, thời mình đã bị những nỗi sợ điểm số, thứ hạng làm cho ám ảnh, sao lại có thể mang chính áp lực đó dồn lên con?

Noi am anh diem so  'con nguoi ta'
Ảnh minh họa

Hãy tỉnh táo tự hỏi: Con học để làm gì? Có phải học để thi? Có phải học để được học sinh giỏi? Nếu không phải, tại sao chúng ta phải khó chịu vì những điểm số của con mình không giống “con nhà người ta”?

Trong một cuộc họp phụ huynh tôi tham dự, giáo viên chủ nhiệm đã phải xoa dịu trước kết quả học tập của các con: “Mong bố mẹ đừng quá nặng nề, vì điểm số chỉ phản ánh một phần ý thức học tập. Cái quan trọng là con đã dung nạp được những kiến thức gì, phát triển tư duy ra sao, có thể ứng dụng như thế nào vào đời sống.

Ngoài ra, học để hiểu biết cách cư xử, cách phát triển tâm hồn, rèn luyện ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, cũng cần thiết như kiến thức thường thức vậy”. Ai ai cũng gật gù, nhưng chẳng hiểu những nỗi lo lắng của cha mẹ có vơi bớt không.

Xét cho cùng, mục đích của việc lao vào học hành điên cuồng của những năm tháng tuổi trẻ cũng chỉ là để có một cuộc sống tốt đẹp hơn về sau này. Công thành danh toại mà lúc nào cũng sống trong căng thẳng, áp lực, lo lắng, sức khỏe sa sút, thì chắc chắn chẳng bao giờ hạnh phúc được. Là bạn, thì bạn sẽ chọn cuộc sống như thế nào? 

Hạnh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI