Ba năm hạnh phúc
“Tôi có 10 năm sống với chồng nhưng chỉ có 3 năm đầu là hạnh phúc, còn lại là đòn roi, chửi bới và thù hận”, Hoàng Thị Hạnh, sinh năm 1974, ở thôn Mai Sơn, Chiểu Sơn, Yên Sơn (Tuyên Quang) bắt đầu tâm sự về cuộc đời của mình. Hạnh đang là phạm nhân trại giam Quyết Tiến với bản án 14 năm về tội giết người. Nạn nhân bị Hạnh sát hại không ai khác chính là chồng của chị ta.
|
Phạm nhân Hoàng Thị Hạnh. |
Hạnh kể, đến tuổi cập kê, chọn lựa mãi, chị quyết định lấy anh Lập, một thanh niên cùng xã, hơn chị mười mấy tuổi, kinh tế gia đình khá giả.
Có được cô vợ đẹp lại ngoan nên thời gian đầu, Lập tỏ ra là người đàn ông chí thú, chỉ biết chăm lo cho gia đình nhưng không lâu sau đó, Lập dính vào cờ bạc.
Tính tình Lập dần thay đổi. Anh ta thường xuyên nổi nóng. Gia đình đang yên ấm, chỉ vì cờ bạc mà thành địa ngục với những lời chì chiết, đập phá và kêu khóc.
Khuyên nhủ chồng không được, nhờ người thân vận động cũng không xong, Hạnh quyết định ly hôn. Đơn gửi đi rồi, Hạnh quyết định ly thân nhưng đâu dễ được anh chồng cờ bạc buông tha. 5 lần dựng lán thì cả 5 lần bị chồng đốt sạch, Hạnh ôm con về nhà ngoại, chỉ đi được nửa đường đã bị chồng bắt về.
Và nỗi lo ngày trở về
Khoảng 11h ngày 24/7/2004, một mình cày thửa ruộng sau nhà thấy sắp đến giờ nấu cơm nên Hạnh đi về nhà.
Lúc này, anh Lập đang nằm ngủ trên giường. Giận chồng đi chơi cả đêm, giờ lại lăn ra ngủ, Hạnh liền gọi 2 con lại, cho tiền bảo mua mì tôm về ăn. Thấy vợ không đả động gì tới chuyện nấu cơm, anh chồng chồm dậy chửi bới, cho rằng Hạnh là người lười nhác, trưa rồi mà không cơm nước gì để chồng nhịn đói.
Một mình cày ruộng từ sáng đến trưa, nắng mệt mới phải nghỉ, chồng còn không biết điều lại còn hạnh họe khiến Hạnh không nhịn được. Chị bảo anh Lập muốn ăn thì tự đi nấu, chị không đói. Lập nhảy tới, cầm điếu cày phang vợ nhưng Hạnh tránh kịp. Chị chạy ra ngoài ngõ, phía sau anh chồng đuổi theo, nét mặt đằng đằng sát khí.
Bị Lập đập cho mấy cái vào lưng, đau quá, Hạnh liền quay lại giằng co chiếc điếu cày với chồng. Sức người đàn bà quen làm việc nặng nhọc, lại thêm sự giận dữ sau bao năm tích tụ khiến Hạnh khỏe hơn bao giờ hết. Chị đu chồng ngã xuống bờ ao rồi vớ gốc cây gần đó đập liên tiếp lên người chồng. Mãi tới khi thấy anh Lập không cử động, Hạnh mới bừng tỉnh. Chị thay quần áo, gọi hai con trông nhà rồi đạp xe ra UBND xã, tự thú. Cho rằng Hạnh quyết tâm giết người đến cùng, TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt chị 14 năm tù giam.
Về trại giam Quyết Tiến cải tạo trong trạng thái dằn vặt, day dứt, Hạnh không ăn, không ngủ được mỗi khi nghĩ tới chồng con. Rồi chị đổ bệnh. Thấy tay chân mình cứ run bắn lên từng chập, Hạnh nghĩ mình thiếu ngủ thành ra mới vậy nên không đi khám. Nhưng càng về sau, tay chân Hạnh không tuân theo sự điều khiển của chị, nhất là những lúc ăn cơm, làm cơm canh văng tung tóe thì Hạnh mới tin đó là sự thật.
Qua khám bệnh, bác sỹ kết luận Hạnh mắc chứng Parkinson nhưng chị một mực cho rằng mình chẳng có bệnh tật gì hết, chẳng qua là do mắc tội giết chồng nên bị quả báo. Chị tin rằng nếu được ra trại, về thắp hương chồng kêu cầu xin lỗi thế nào cũng khỏi bệnh.
“Từ ngày còn con gái, em có mắc bệnh gì bao giờ đâu nên em không tin mình mắc bệnh run tay, chân. Chẳng qua là vì em giết chồng, anh ấy không siêu thoát được nên về trừng phạt em. Nay mai ra trại, em sẽ cúng cho anh ấy, kêu cầu cho anh ấy siêu thoát là em khỏi bệnh”, Hạnh tâm sự. Đôi môi tím tái, Hạnh lập cập cho biết 10 năm ở trại giam thì gần như chừng ấy thời gian cô ở bệnh xá.
“Em vào đây đã 10 năm, qua 5 lần giảm án nên thời gian ở lại trại không còn bao lâu nữa. Nghĩ đến con thì mong về chứ bố mẹ mất cả, anh chị đều nghèo, mình lại bệnh tật thì bấu víu vào đâu. Ở trong này tuy là thân tù nhưng còn được khám bệnh, có người nọ, người kia giúp đỡ”, Hạnh run run kể.
Từ một phụ nữ khỏe mạnh, tóc dài, da trắng, kể từ ngày phát bệnh, Hạnh chẳng khác nào một cái xác biết cử động. Nước da đã trắng giờ càng thêm xanh xao, đôi mắt vô hồn, còn mái tóc dài ngày nào giờ cụt ngủn như con trai mà theo lời Hạnh là để cho dễ tắm gội chứ tóc dài mà chân tay thì run rẩy, làm sao tắm gội được.
Nhớ về chồng, Hạnh nói: “Mấy năm đầu, đêm nào em cũng mơ gặp anh ấy, bị anh ấy đuổi đánh nhưng giờ thì ít gặp lắm. Có lẽ anh ấy cũng biết em sắp được về, chờ em đến mộ tạ lỗi thì tha thứ cũng nên”.
Lam Trinh