Nohochi, người “đưa” Buôn Ma Thuột xưa lên những thớ gỗ cà phê

23/02/2024 - 07:53

PNO - Không chỉ dày công sưu tầm, họa sĩ Nông Hoàng Chiến còn phóng tác những bức ảnh về con người, vùng đất Buôn Ma Thuột xưa lên gỗ cà phê. Đây là cách anh thể hiện tình yêu và đưa vẻ đẹp của đại ngàn đi xa hơn.

Phải lòng văn hóa Tây Nguyên

Những ngày đầu xuân năm 2024, tôi có dịp trò chuyện với người họa sĩ có nghệ danh rất đặc biệt - Nohochi, ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Họa sĩ Nohochi tên thật là Nông Hoàng Chiến (sinh năm 1977), sinh ở tỉnh Cao Bằng. Năm lên 8 tuổi, anh theo cha mẹ vào Buôn Ma Thuột sinh sống và lập nghiệp.

Họa sĩ Hoàng Chiến hy vọng góp phần nhỏ lan tỏa hình ảnh về con người Buôn Ma Thuột gần gũi, mến khách đến với mọi người
Họa sĩ Hoàng Chiến hy vọng góp phần nhỏ lan tỏa hình ảnh về con người Buôn Ma Thuột gần gũi, mến khách đến với mọi người

Lớn lên trên vùng đất đầy nắng gió, tâm hồn anh được nuôi dưỡng bởi hình ảnh đặc trưng của Tây Nguyên với những ngôi nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ… và các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cứ thế, tình yêu và niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên ăn sâu vào tâm thức anh từ lúc nào không hay. 

Khi trưởng thành, anh Chiến không ngừng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đặc biệt, anh tự mày mò tìm kiếm trên mạng những hình ảnh về Buôn Ma Thuột xưa để hiểu hơn về con người, văn hóa và vùng đất này.

Để kiểm chứng tư liệu, địa danh… trước đây của Buôn Ma Thuột, anh không ngại xa xôi, khó khăn, tìm đến từng địa điểm để xác thực hoặc trò chuyện với những người lớn tuổi để có thêm thông tin. Đến nay, anh có bộ sưu tập hàng trăm tấm ảnh về Buôn Ma Thuột ở thập niên 1950-1970. Trong đó, có những hình ảnh quý giá về cuộc sống người dân tộc Ê Đê xưa và những di tích cổ của địa phương. 

Mỗi tấm ảnh xưa do anh sưu tầm đều chứa đựng những thông tin về cuộc sống, văn hóa, cảnh sắc của người dân ở Buôn Ma Thuột. Đơn cử, bức ảnh bến nước phác họa rõ nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê. Đây là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống, văn hóa, lễ nghi của người Ê Đê. “Với người đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng, bến nước có vai trò vô cùng quan trọng. Bến nước là điều kiện sống còn, nuôi sống người dân trong các buôn làng. Cứ chiều chiều, người dân ở các buôn làng lại tập trung về bến nước để sinh hoạt, tắm rửa. Không chỉ vậy, nhiều lễ nghi đều được thực hiện tại bến nước như lễ cúng bến nước, cúng cầu mưa...” - họa sĩ Chiến lý giải. Tấm ảnh đàn voi đến hội chợ thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa voi với cuộc sống, văn hóa, con người xưa ở Buôn Ma Thuột.

Bộ sưu tập của anh còn có nhiều hình ảnh về nhà dài, lễ hội, trang phục truyền thống... của người Ê Đê tại Buôn Ma Thuột xưa. 

Các tác phẩm ảnh về Buôn Ma Thuột xưa được họa sĩ Chiến phóng tác lên gỗ cà phê
Các tác phẩm ảnh về Buôn Ma Thuột xưa được họa sĩ Chiến phóng tác lên gỗ cà phê

“Thổi” sự mới lạ vào cái cũ

Để những hình ảnh tư liệu về Buôn Ma Thuột xưa đến gần hơn với công chúng, họa sĩ Nông Hoàng Chiến đã tìm hiểu, phóng tác 15 bức ảnh về Buôn Ma Thuột thập niên 1950-1970 lên gỗ cà phê và trưng bày tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Anh Chiến lý giải việc lựa chọn cách in ảnh lên gỗ cà phê: “Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê. Hình cảnh cây cà phê cũng gắn liền với đời sống của người dân Tây Nguyên. Tôi chọn in ảnh về Buôn Ma Thuột xưa lên gỗ cà phê để bức ảnh gần gũi hơn với mọi người. Qua đó, nhằm góp phần lan tỏa, quảng bá vẻ đẹp về vùng đất, văn hóa ở Buôn Ma Thuột đến người dân và du khách”. 

Hành trình đi tìm những gốc gỗ cà phê để in các bức ảnh về Buôn Ma Thuột xưa như một mối nhân duyên bất ngờ đối với anh Chiến: “Khi đi vào những vườn cà phê già cỗi, tôi bắt gặp rất nhiều nu, thân gỗ cà phê rất lớn. Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng phóng tác những tác phẩm ảnh về Buôn Ma Thuột xưa lên thân gỗ cà phê. Để tìm được những thân cà phê ưng ý, tôi đã tìm đến những vườn cà phê già cỗi để lựa chọn, hỏi mua những cây cà phê Robusta hơn 30 tuổi, rồi mang về xử lý, cưa thành từng thớ để in tác phẩm ảnh” - anh Chiến chia sẻ.  

Do được làm hoàn toàn thủ công nên việc in ảnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, anh đã in ảnh ra giấy, sau đó dùng keo chuyên dụng giúp giấy bám chặt vào gỗ. Sau 6-12 tiếng, keo đã khô, sẽ dùng nước đẩy giấy ra khỏi bề mặt gỗ. Kết quả sẽ thu lại bức ảnh được in lên gỗ. Quá trình thực hiện từng công đoạn phải cẩn thận, vì có thể khiến sản phẩm không đạt chất lượng như kỳ vọng.

“Dẫu khó khăn, tôi vẫn cố gắng thực hiện, bởi nếu không lưu giữ, lan tỏa sâu rộng thì những vẻ đẹp về Buôn Ma Thuột xưa sẽ bị phai mờ theo thời gian. Phóng tác Buôn Ma Thuột xưa lên thớ gỗ cà phê, tôi hy vọng góp phần nhỏ lan tỏa hình ảnh về con người Buôn Ma Thuột gần gũi, mến khách đến với mọi người” - anh Chiến nói.

Nhìn du khách say sưa chiêm ngưỡng các tác phẩm ảnh trên gỗ cà phê trưng bày tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, anh Chiến thầm vui bởi những sự cố gắng, nỗ lực của mình đã được mọi người đón nhận. 


Nguyên Bảo
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI