“Nóc nhà” và chứng mặc cảm ngoại hình

27/08/2024 - 18:54

PNO - Thiệt tình BDD (chứng lo âu hình ảnh cơ thể) chính hiệu là một rối loạn tâm thần, với cả núi thần hồn nát thần tính đằng sau.

Tôi ngờ ngợ vợ mình tránh né chuyện vợ chồng. Nghi ngờ cô ấy mắc chứng “sợ tình dục”, tôi tìm hiểu, nhờ thế phát giác nhiều khả năng bệnh gốc của cô ấy là chứng “lo âu hình ảnh cơ thể”…

B.Thường (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Không đủ thời gian phân tích ngọn ngành về chứng lo âu hình ảnh cơ thể/body dysmorphic disorder (BDD) và sợ tình dục/genophobia/coitophobia, đành thống nhất vợ bạn mắc BDD thật và đích thị chính nó là nguồn cơn sinh ra genophobia.

BDD, còn có tên “rối loạn dị dạng cơ thể”, có 2 thể: tích cực và tiêu cực, trong đó thể thứ hai sinh sự hơn cả. Bởi vậy, nhắc đến BDD, đa phần người ta muốn ám chỉ tới chứng “xấu hổ về ngoại hình”.

Đã rõ thì không mấy khó giải nghĩa vì sao BDD lại là một trong những nguyên do của nạn e ngại mây mưa.

Cần nán lại đôi chút: genophobia không chỉ có BDD là đầu dây mối nhợ mà còn hàng tá cơn cớ khác. Chẳng hạn chứng sợ khỏa thân là một trong số đó.

Tóm lại, muốn hết sợ lên giường thì phải chữa bệnh tự chê ngoại hình trước.

Vậy chữa BDD thế nào và có khó không? Đến đây hẳn nhiều người nghĩ ngay: trị BDD dễ như ăn kẹo: xấu chỗ nào thì dao kéo chỗ đó! Thiệt tình BDD chính hiệu là một rối loạn tâm thần, với cả núi thần hồn nát thần tính đằng sau. Bởi thế, cả khi cơ thể không tệ chút nào, người mắc vẫn một bụng một dạ “ngửi không nổi” thân hình mình.

Như một rối loạn tâm thần, chữa chạy BDD thường nhờ đến các “liệu trình”: nhận thức hành vi trị liệu/CBT, tiếp xúc và ngăn ngừa phản ứng/ERP, kết hợp thuốc men (trầm cảm, ức chế tái hấp thu serotonin/SSRIs…), thay đổi lối sống, sự chung tay khuyên bảo từ người thân (ở đây chủ chốt là đức lang quân).

Nếu không xoay xở ở nhà được mà phải tới tay chuyên gia, tiên lượng khá khó nói.

Bởi thế, chỉ hy vọng chẩn đoán của bạn là võ đoán. Xin nhắc, như các kiểu thức rối loạn khác, chứng “sợ tình dục” và “lo âu ngoại hình” có hàng tá phiên bản na ná, bé xé ra to, gây nhầm lẫn.

Đơn cử, không ít phụ nữ dính phải “bả” thao túng tâm lý của truyền thông, trang mạng về vẻ hoàn hảo của thân thể phái đẹp, rồi trông người ngẫm tới ta, sinh “tâm bệnh” giông giống BDD.

Lần nữa mong bệnh tình của bà xã bạn rơi trúng các kiểu BDD, coitophobia dỏm và nếu đúng thì việc cứu chữa không còn quá nặng nề.

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI