PNO - Vừa qua, khi viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển xướng tên chủ nhân của giải Nobel văn học 2020, tâm lý chung của độc giả và người cầm bút tại Việt Nam như mọi lần đều bất ngờ.
Không bất ngờ sao được khi sau 11 năm, giải thưởng này mới lại vinh danh một nhà thơ. Càng bất ngờ hơn khi cái tên được tôn vinh lại khá lạ tai với hầu hết những người đọc tiếng Việt: Louise Gluck.
Là cây bút nổi tiếng tại Mỹ với các giải thưởng danh giá trước đây như Pulitzer cho thơ (1993), Giải sách quốc gia Mỹ cho thơ (2014), Huân chương nhân văn quốc gia (2015)… nhưng ở Việt Nam, trước đó, thơ bà chỉ được giới thiệu vài bài trong tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2004), thậm chí không thấy tên bà hiển thị trên các trang báo tiếng Việt cho tới trước thời điểm trang Nobelprizer.org gọi tên; ngoại trừ blog của một nhà nghiên cứu văn học có nhắc sơ qua.
Nobel văn học 2020 được trao cho Louise Gluck cũng đồng nghĩa với việc trả thơ về vị trí vốn có của nó
Điều này cho thấy, khả năng cập nhật tình hình văn chương thế giới hiện nay của người Việt trong nước, kể cả giới viết lách, dù có rất nhiều cố gắng, thật sự vẫn rất hời hợt và manh mún. Người Việt dõi theo giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh này chủ yếu vẫn qua các dịch phẩm trong nước, các kênh “cá độ”, dự đoán nước ngoài hơn là nhu cầu tự thân muốn/được hiểu các nền văn chương khác. Vì vậy, không ngạc nhiên khi trên mạng xã hội, trước mùa giải, người ta lại réo gọi Haruki Murakami, Milan Kundera, Salman Rushdie… để rồi sau đó, họ lại thất vọng.
Một điều khá thú vị, cách đây ít năm, có một vài tờ báo văn chương trong nước từng đăng bài phê bình dịch thuật, gọi tên một “thực trạng”: “cái chết” của thơ ca Mỹ. Thậm chí, ngay tại Mỹ, giáo sư Karen L. Kilcup từng xuất bản một cuốn sách tên là Who Killed American Poetry? (nhà xuất bản Đại học Michigan, 2019). Bằng việc trao giải cho một nhà thơ người Mỹ, Nobel văn học 2020 như “đập tan” luận điểm đó. Và một lần nữa, những giá trị bất biến của thơ ca nói riêng và văn chương nói chung có cơ hội được cất tiếng.
Theo viện hàn lâm, âm điệu trong thơ Louise Gluck “đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên phổ quát”. Trong khi đó, nhà văn, nhà phê bình Daniel Mendelsohn, biên tập viên của tờ The New York Review of Books nhận định, “đó là một loại thơ tuyệt đối, thơ không có mánh khóe quảng cáo, không chạy theo mốt hay xu hướng. Nó có phẩm chất của một thứ gì đó gần như đứng ngoài thời gian”.
Ngày thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu, Hà Nội.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói với nhau, Việt Nam là nước có truyền thống thi ca. Thậm chí, sau Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương tổ chức lần thứ nhất tại Hạ Long năm 2012, một vị phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, còn cao hứng nhận định: “Việt Nam là một cường quốc về thơ”. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa hề có một tác giả nào đáng để thế giới quan tâm; dù nhiều năm qua, đã có không ít nỗ lực dịch và quảng bá thơ Việt ra nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp…
Nước ta có hẳn một ngày hội thơ quốc gia hằng năm vào rằm Nguyên tiêu. Ta cũng không thiếu những câu lạc bộ thơ ca từ cấp độ xóm, phường cho đến tỉnh, trung ương. Số lượng nhà thơ… đếm không xuể. Nhưng có một nghịch lý: ra nhà sách, dễ thấy theo nhu cầu, các loại sách self - help, sách dạy kỹ năng chiếm đại đa số, thứ đến là các loại sách phi hư cấu.
Trong khi đó, trên thị trường xuất bản, gần như tràn ngập tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn/tạp bút. Hiếm hoi lắm, mới có một vài tập thơ (chưa vội bàn tới chất lượng, cũng như tranh cãi thơ hay hay dở, chỉ xét tính thể loại). Thơ của các tác giả thơ đương đại càng hiếm.
Các nhà xuất bản, các công ty sách không mặn mà thơ, ai muốn in thì chỉ còn cách bỏ tiền túi. Ngay cả các trang sáng tác của các báo lớn, các báo địa phương, vị trí dành cho thơ khá khiêm tốn. Có tờ, thể loại này biến mất hoàn toàn. Những điều này cho thấy thực tế khá bẽ bàng: thơ không còn là một khẩu vị sang trọng của người đọc Việt Nam hiện nay, thậm chí càng ngày càng bị rẻ rúng.
Tất nhiên, bài viết không có ý đặt ra câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có giải Nobel cho thơ; vì điều đó thật “xa xỉ” trong thời điểm này. Cũng không đặt vấn đề xuất khẩu thơ ra thế giới. Ở đây, câu chuyện một giải thưởng văn chương danh giá hàng đầu thế giới tôn vinh một nhà thơ, với những tiếng nói “không trộn lẫn”, một lần nữa khẳng định lại giá trị bất biến của thơ ca, bất kể ranh giới thời gian, không gian, màu da, sắc tộc, tôn giáo… Thơ ca nên được trả về vị trí vốn có của nó. Nên là một hiện hữu văn chương không thể nào khác. Bình đẳng, sòng phẳng. Không cần phải ban ơn, mà xứng đáng.
Rất tiếc, ở ta, thơ ca đang ngày càng lép vế, ngày càng mờ nhạt và đang chìm nghỉm giữa muôn vàn cuộc tiếp nhận của độc giả.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.