Nobel văn chương 2023: Dấu ấn riêng biệt của Jon Fosse

09/10/2023 - 07:56

PNO - Giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh đã tìm ra chủ nhân mới: nhà văn Na Uy - Jon Fosse. Tác giả 64 tuổi được vinh danh vì “những vở kịch và áng văn xuôi sáng tạo, giúp lên tiếng cho những điều không thể nói ra”.

Một phong cách riêng biệt

Chưa có tác phẩm được chuyển ngữ tại Việt Nam nhưng Jon Fosse là tên tuổi lớn ở khu vực Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung. Lĩnh vực sáng tác của ông trải dài với nhiều thể loại: hơn 40 vở kịch, tiểu thuyết, các tuyển tập thơ, tiểu luận, sách dành cho thiếu nhi và các bản dịch. Ông nổi tiếng nhất trong mảng kịch nghệ với những tác phẩm có hàng ngàn suất diễn trên khắp châu Âu.

Nhà văn Na Uy, Jon Fosse - chủ nhân mới nhất của giải Nobel văn chương 2023 - Nguồn ảnh: The Booker Prizes
Nhà văn Na Uy, Jon Fosse - chủ nhân mới nhất của giải Nobel văn chương 2023 - Nguồn ảnh: The Booker Prizes

Ở mảng tiểu thuyết, tên tuổi của ông cũng lẫy lừng. Nổi bật là những tác phẩm theo bộ như Melancholia I, II (tạm dịch: Nỗi sầu I, II), Trilogien (tạm dịch: Bộ ba) và Septologien (tạm dịch: Bộ bảy). Được viết từ năm 2019-2022, Septologien gồm 7 phần chia làm 3 cuốn được coi là kiệt tác của Jon Fosse, đưa ông đến gần với thế giới nói tiếng Anh qua các bản dịch. Cuốn cuối của bộ sách này cũng lọt vào vòng chung khảo giải Booker Quốc tế, nơi Annie Ernaux - chủ nhân của giải Nobel văn chương 2022 - từng được đề cử trước đó.

Về nghệ thuật viết, Jon Fosse tự tạo cho mình một dấu ấn riêng, không trùng lặp. Điều dễ nhận biết trong tác phẩm của ông là lối viết dòng suy tưởng, thường không có dấu chấm câu và không xuống dòng. Chẳng hạn Septologien chỉ được tạo nên bằng một câu văn duy nhất, kéo dài suốt hơn 1.000 trang sách. Ông tự gọi đây là “văn xuôi chậm”, đòi hỏi độc giả phải thật tập trung và theo dõi diễn biến câu chuyện.

Được nhà văn Áo - Thomas Bernhard, tác giả của những tiểu thuyết Diệt vong, Đốn hạ - truyền cảm hứng, văn chương của Jon Fosse dàn trải đến vô tận nhưng được phân tách bằng những liên từ và các hình tượng, chi tiết, cảnh trí… lặp đi lặp lại. Đa phần tác phẩm của ông đều diễn ra trong không gian kín nhưng phi thời gian, với những hình bóng, các tuyến nhân vật gần như phân thân ở nhiều thời kỳ và tự mình kể những câu chuyện riêng.

Chẳng hạn trong Septologien, ông đã viết câu chuyện về 2 người cùng tên Asle là song trùng của nhau. Họ đều trải qua những bi kịch riêng, từ đó tiếng nói của họ từng bước hòa làm một. Hay trong Det er Ales (tạm dịch: Aliss bên ánh lửa), ông cũng “phân thân” nhân vật chính yếu thành nhiều người khác có chung cái tên, từ đó nói về tình yêu, mất mát, nguồn cội và danh tính. Như ông chia sẻ, trạng thái xuất hồn và tự đối thoại thật sự xảy đến khi ông còn nhỏ, qua một trải nghiệm cận tử đáng nhớ. Fosse đã kết hợp được những yếu tố truyền thống bản địa của nền tảng Na Uy, với các cách tân nghệ thuật mới lạ, từ đó ghi dấu riêng ông như một tác giả cá tính.

Vẫn có những tranh cãi

Năm nay, chiến thắng của Jon Fosse được đánh giá là tương đối xứng đáng, với danh tiếng và địa vị hơn 40 năm của ông ở Na Uy nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng cho thấy cách chọn ứng viên có sự cộng hưởng cùng tính đại chúng, khi Fosse cũng là tác giả có tỉ lệ đặt cược đoạt giải cao thứ hai theo Nicer Odds, chỉ sau Tàn Tuyết (Trung Quốc). Kết hợp cùng việc Annie Ernaux 1 năm trước đó có tỉ lệ đặt cược cao nhất cũng đã chiến thắng, điều này cho thấy lối tiếp cận mới, không còn theo kiểu “đãi cát” tìm những cái tên có phần xa lạ ở thập niên trước.

4 trong số nhiều nhà văn  được xem là đang bị giải Nobel “bỏ quên”. Từ trái sang: Tàn Tuyết (Trung Quốc),  Gerald Murnane (Úc),  Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya) và  Maryse Condé (Guadeloupe)
4 trong số nhiều nhà văn được xem là đang bị giải Nobel “bỏ quên”. Từ trái sang: Tàn Tuyết (Trung Quốc), Gerald Murnane (Úc), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya) và Maryse Condé (Guadeloupe)

Việc chọn Jon Fosse cũng phần nào đảm bảo được tính đa dạng và toàn cầu hóa của Viện Hàn lâm. Fosse vốn sáng tác bằng phương ngữ Nynorsk - 1 trong 2 thứ tiếng chính thức ở Na Uy, nhưng không phổ biến bằng Bokmål - nên thông qua sự kiện này, việc chú ý đến văn học dịch cũng được củng cố. Với xu hướng văn học bản địa không được chú trọng ở châu Âu, đây có thể là một “cú hích” giúp việc chuyển ngữ thêm phần đa dạng và phong phú hơn.

Thêm nữa, sau 2 năm trao giải có tính thời sự (năm 2021 cho Abdulrazak Gurnah khi ông viết về trải nghiệm của người di cư, 2022 cho Annie Ernaux sau vụ lật ngược phán quyết về quyền tự do phá thai của Mỹ) thì năm nay, Nobel trở lại với tiêu chí cũ trong việc tìm ra phong cách văn chương độc đáo và chú trọng hơn vào tính văn học. Điều này từng được quán triệt ở giai đoạn đầu khi giải được trao nhưng sau đó đã được mở rộng sang cả tác phẩm phản ánh hiện thực.

Tuy vậy chiến thắng này cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Một trong số đó là các vấn đề về định kiến giới. Trong hơn 100 năm lịch sử, tính đến nay, chỉ mới có 17 tác giả nữ được vinh danh. Tuy nhiên, những năm gần đây, Viện Hàn lâm đã rất cố gắng trao giải xen kẽ. Với các năm 2017, 2019, 2021 giải thưởng lần lượt thuộc về 3 nhà văn nam là Kazuo Ishiguro (Anh), Peter Handke (Áo) và Abdulrazak Gurnah (Anh). Ở các năm 2018, 2020, 2022 là các tác giả nữ, lần lượt là Olga Tokarczuk (Ba Lan), Louise Glück (Mỹ) và Annie Ernaux (Pháp). Vì vậy việc vinh danh Fosse - một tác giả nam - là phù hợp với quy luật trên. Muốn khẳng định liệu có sự phân biệt giới tính nào ở Nobel văn chương không, có lẽ cần phải đợi thêm 1 mùa giải nữa.

Nhưng việc tiếp tục tôn vinh một nhà văn da trắng cũng khiến nhiều người đặt ra vấn đề về sự thiên vị sắc tộc. Kể từ Mạc Ngôn (Trung Quốc) vào năm 2012, những người chiến thắng Nobel đều ở Mỹ, Anh hoặc châu Âu. Điều này cho thấy sự thiếu sát sao với tính đa dạng trên hành tinh, khi châu Á, châu Đại Dương, vùng Carribe và châu Mỹ Latin vẫn có rất nhiều tác giả chưa được gọi tên. 

Sách đoạt giải thưởng vẫn kén người đọc tại Việt Nam

Cho đến nay, nhà văn mới nhất được các công ty và nhà xuất bản quan tâm khai thác sau khi trao giải Nobel là Olga Tokarczuk, đoạt giải từ năm 2018 (không tính Annie Ernaux đã được chuyển ngữ trước khi trao giải). Điều này cũng đã xảy ra với các giải tương tự, như Booker, Pulitzer hay Giải sách quốc gia Mỹ…

Từ năm 2018 đến nay, tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel như Abdulrazak Gurnah (2021), Louise Glück (2020), Peter Handke (2019) đều chưa được chuyển ngữ thêm. Giới xuất bản trong nước không mấy mặn mà với các giải thưởng khi chi phí bản quyền thường sẽ tăng mạnh sau danh hiệu, còn độc giả lại tương đối “kén” những tác phẩm này. Văn chương của các giải thưởng danh tiếng thường được đánh giá tương đối “khó đọc”.

Ông Lê Thanh Sơn - đại diện Công ty sách Bách Việt, nơi cho ra mắt nhiều tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel như J.M.Coetzee, José Saramago… - chia sẻ: “Hiện nay các đơn vị xuất bản phải rất vất vả để cân đối giữa bài toán kinh doanh và hàm lượng tri thức”. Ông cũng gợi ý Nhà nước nên có chính sách đặt hàng các dự án sách này, phân phối vào các thư viện, trường học trên toàn quốc… từ đó cả giới xuất bản lẫn độc giả đều có cơ hội tiếp cận nhanh nhất với những tác phẩm giá trị.

Các tác phẩm đặc biệt của Hộp  - Nguồn ảnh: Hộp
Các tác phẩm đặc biệt của Hộp - Nguồn ảnh: Hộp

Tại Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một thương hiệu mới là Hộp, có cách tiếp cận khá đặc biệt. Đầu sách của họ đa phần từ những tác giả đã được khẳng định danh tiếng, trong đó có không ít người đã nhận những giải thưởng lớn như Romain Gary, Bruno Schulz… hay sắp tới là Peter Handke, Linda Lê, Claudio Magris… Chọn dòng sách rất “kén” độc giả, Hộp vẫn trung thành với định hướng trên. Hiểu được sự cân đối giữa bài toán kinh doanh và cách tiếp cận của độc giả nên các sản phẩm thường được thiết kế đơn giản với phương châm “sách là để đọc”, từ đó có thể hạ giá thành, tăng thêm khả năng tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn.

Đại diện của Hộp chia sẻ: “Sự nhìn nhận của chúng tôi không dựa vào các yếu tố như giải thưởng hay “kinh điển”, “hàn lâm”, “danh tác”... mà hướng tới những cuốn sách có giá trị. Chúng tôi cũng không nghĩ có “sách khó đọc”. Bất kỳ cuốn sách nào có giá trị đích thực đều đủ sức kéo người đọc đi theo lâu dài. Mọi nhà xuất bản đều hướng đến độc giả. Tuy nhiên, cũng cần làm được một việc: không hoàn toàn chỉ hướng đến độc giả, theo nghĩa cố tìm các sở thích của họ rồi đáp ứng, bởi độc giả luôn luôn tìm được nhà xuất bản đúng cho họ”

Thuận  Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI