Nợ xấu tại các ngân hàng tăng

29/07/2024 - 11:50

PNO - Tính đến ngày 28/7, đã có 8 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Nhiều ngân hàng có mức lợi nhuận tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nợ xấu cũng có chiều hướng tăng so với đầu năm.

So với đầu năm nay, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB) có tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,22% lên 1,5% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng 42%, lên hơn 5.525 tỉ đồng; nợ nhóm 4 tăng 25%, lên 1.309 tỉ đồng; nợ nhóm 3 tăng 37%, lên hơn 1.287 tỉ đồng. Nợ xấu cho vay bất động sản hiện là 1,79%; nợ xấu cho vay doanh nghiệp là 1,47%; nợ xấu mảng bán lẻ là 1,31%. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), so với đầu năm, tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,17% lên 1,28% (7.287 tỉ đồng), trong đó nợ xấu từ dư nợ cho khách vay từ 1,16% tăng lên 1,23%. Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) từ 4.267 tỉ đồng trong quý I/2024 tăng lên 5.482 tỉ đồng, trong đó nợ xấu từ dư nợ cho vay tăng từ 1,34% lên 1,73%. Nợ xấu từ dư nợ cho vay tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietbank) tăng từ 4% lên 4,79%. Tại Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), nợ xấu giảm nhẹ 5% so với đầu năm.

Nợ xấu cao khiến chi phí của ngân hàng tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng.  Trong ảnh: Người dân đang tham khảo bảng lãi suất tại VPBank An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM
Nợ xấu cao khiến chi phí của ngân hàng tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng. Trong ảnh: Người dân đang tham khảo bảng lãi suất tại VPBank An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - đánh giá, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá cao là một thách thức rất lớn của ngành ngân hàng và của cả nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 6/2024, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5% trong khi hồi cuối năm 2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, như vậy con số nợ xấu nội bảng đã tăng thêm hơn 75.000 tỉ đồng. Nếu tính cả tỉ lệ nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thì tỉ lệ nợ xấu lên tới 6,9%.

Đáng chú ý, do kinh tế khó khăn nên phần nợ được các ngân hàng gia hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cũng đang tăng. Tổng giá trị nợ gốc và lãi được gia hạn tăng hơn 25% so với cuối năm 2023, lên 230.000 tỉ đồng; số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tăng mạnh từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt.

Theo ông Đào Minh Tú, tỉ lệ nợ xấu này là hệ quả của cả một quá trình, không phải hoàn toàn do ngành ngân hàng yếu kém mà một phần còn do sau 2 năm dịch bệnh, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề khiến khả năng trả nợ sụt giảm. Một phần khác do một bộ phận cán bộ thẩm định của ngân hàng không đánh giá chính xác khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng. NHNN công khai con số nợ xấu với mong muốn khách hàng phải tăng cường ý thức trả nợ vì toàn bộ số tiền cho vay này đều là tiền gửi của người dân.

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến cuối năm 2025, tỉ lệ nợ xấu (nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ tái cơ cấu) dưới 3%. NHNN cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các phương án xử lý nợ xấu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM) dự báo đỉnh nợ xấu có thể rơi vào quý III/2024. Những tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh hơn so với đầu năm nên sau đó, nợ xấu sẽ đi ngang.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu không giảm là do Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Một bộ phận khách hàng cố tình tạo ra các tranh chấp giả, trì hoãn quá trình xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ, nhiều vụ việc kéo dài hàng năm vẫn chưa xử lý xong, làm gia tăng chi phí của ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, kinh tế còn khó khăn nên ngân hàng gặp khó khi rao bán tài sản bất động sản, nhà xưởng để thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng cần phải sửa luật, trong đó quy rõ trách nhiệm cho những người cố ý chây ì không trả nợ. Chỉ khi nợ xấu được giải quyết, các ngân hàng tiết giảm chi phí thì sẽ có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng cũng cần nâng cao chất lượng công tác định giá tài sản, kiểm tra mục đích sử dụng vốn, hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực rủi ro như đầu tư bất động sản, chứng khoán. “Chỉ khi kinh tế phục hồi tốt, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì mới giảm được nợ xấu, quá trình xử lý nợ của ngân hàng mới hiệu quả. Điều cần làm lúc này là đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu” - ông Nguyễn Hữu Huân nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI