Nợ xấu là thử thách lớn của ngành ngân hàng trong năm 2020

26/01/2020 - 07:15

PNO - Theo các chuyên gia, thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2020 rất lớn do ảnh hưởng khó khăn từ bối cảnh kinh tế, trong đó vấn đề dai dẳng nhất chính là nợ xấu.

PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã đạt được “tình trạng mới”. Hơn mười năm trước đây, khi dòng vốn quốc tế chảy vào lớn đột biến sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động mua vào ngoại tệ để trung hòa tỷ giá đã phần nào tạo ra áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, NHNN vẫn thực hiện mua vào ngoại tệ để trung hòa, nhằm ổn định tỷ giá. Từ năm 2016 đến nay, dòng vốn quốc tế chảy vào rất mạnh, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ (riêng năm 2019 mua được mức kỷ lục 20 tỉ USD), tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay (gần 80 tỉ USD và gấp 6 lần năm 2011) nhưng lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp ổn định. Đây thực sự là một thành công cần ghi nhận và dường như đang được coi là một “trạng thái mới” trong điều hành của NHNN. Đơn giản vì những thành công này liên tục được lặp lại trong 3 năm qua.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung
PGS.TS Nguyễn Đức Trung

Hơn thế, đối chiếu với các khuyến nghị của khuôn khổ “Quản lý dòng vốn nước ngoài” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc NHNN thực hiện mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn phù hợp.

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng khoảng 12,5 triệu tỉ đồng, tương đương với 478 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản bình quân (CARG) giai đoạn 2016-2019 khoảng 12,4%, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015. So sánh với các quốc gia trong khu vực, quy mô hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5/10 quốc gia Đông Nam Á, hiệu suất sinh lời cải thiện mạnh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều ngân hàng đã hoàn tất quy trình để áp dụng trụ cột một của Basell II, nhưng việc chưa tăng được đủ vốn khiến NHNN chưa thể cấp chứng nhận cho các ngân hàng này. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng chưa đáp ứng Basel II nằm dưới đường xu hướng, biểu hiện dấu hiệu suy thoái và tiếp tục giảm. Mặc dù NHNN đã lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN thêm ba năm nữa, tuy nhiên việc chậm đáp ứng Basel II sẽ làm các ngân hàng không được các ưu đãi như tăng trưởng tín dụng, mở rộng chi nhánh… trong những năm tới. Các ngân hàng yếu kém gặp khó khăn hơn cả nếu không tiếp tục mở rộng tín dụng, nâng cao năng lực tài chính thì chất lượng tài sản khó có thể cải thiện, nợ xấu có nguy cơ quay trở lại, đe dọa thành quả tái cơ cấu những năm vừa qua.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng

Năm 2019 ngành ngân hàng đạt được nhiều điểm sáng trong việc điều hành chính sách tiền tệ ổn định, lãi suất có nhiều cơ hội giảm, hoạt động ngân hàng ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm, quyết tâm đưa ra nhiều biện pháp xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là một thách thức lớn trong năm 2020. Thời gian qua, mặc dù có nhiều quy định liên quan đến chuyển nhượng, buôn bán, thanh lý bất động sản… nhưng quy định còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, chưa tạo sự thuận lợi để các ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo khiến nợ xấu còn tồn đọng. Thời gian qua, thị trường bất động sản trầm lắng và tiếp tục kéo dài đến năm 2020, điều này càng khiến cho việc thanh lý tài sản là bất động sản trở nên khó khăn hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Ngoài ra, việc phát triển nhanh mạnh của tín dụng cá nhân, hộ gia đình thời gian qua kéo theo gia tăng bất ổn về chất lượng nợ. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Úc, Thái Lan… đã trải qua giai đoạn tín dụng hộ gia đình tăng mạnh, kéo theo đó là sự gia tăng rủi ro về gánh nặng nợ cao hơn nhiều so với thu nhập khả dụng hộ gia đình. Dẫn đến khả năng nợ xấu gia tăng trong điều kiện nền kinh tế suy thoái, thị trường tài sản sụt giảm, thu nhập và việc làm trở nên khó khăn hơn… Gánh nặng nợ hộ gia đình các quốc gia mới nổi thời gian qua là bài học lớn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam thời gian tới.

Trong nước, rủi ro cho vay tiêu dùng hiện hữu khi cho vay tiêu dùng phần lớn là tín chấp, khách hàng dưới chuẩn tăng nhanh, thủ tục cho vay đơn giản, quy trình kiểm soát cho vay chưa chặt chẽ, khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, một số khách hàng lợi dụng vay để đầu cơ bất động sản, đặc biệt là phân khúc condotel, biệt thự nghỉ dưỡng… tiềm ẩn rủi ro lớn. Nợ xấu và chi phí thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng tăng mạnh, số lượng đơn thư, khiến kiện về dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cao nhất (chủ yếu về cho vay tiêu dùng) trong số các nhóm ngành theo báo cáo của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Thách thức thứ hai là các ngân hàng không đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn Basel II có thể bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, buộc các ngân hàng phải tính toán lại cơ cấu nguồn vốn. Trong khi đó hiện nay việc gọi vốn trong nước giờ gặp khó hơn bởi cổ phiếu ngành ngân hàng không còn hấp dẫn như trước. Vì các nhà đầu tư nước ngoài lại thường quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, khiến các ngân hàng nhỏ và tầm trung thiếu vốn trầm trọng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn gặp thách thức liên quan đến bảo mật. Thời gian qua, không ít thông tin khách hàng bị đánh cắp. Trong năm 2020, tình trạng này có thể hoành hành hơn, cùng với đó là sai phạm về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên ngân hàng cũng là điểm nóng cần phải xử lý.


Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI