Nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh

29/10/2020 - 14:08

PNO - Báo cáo tài chính quý III/2020 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy nợ xấu tiếp tục tăng mạnh.

 

Theo các báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, nhưng đến quý III nợ xấu của ngân hàng này tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36%, lên 7.885 tỷ đồng.

Nhóm nợ xấu  nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, lên 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng từ mức 0,79% cuối năm 2019 hiện tăng lên 1,01%.

Tại ngân hàng ACB, báo cáo tài chính quý II/2020 vừa qua, tổng nợ xấu tăng 32% so với đầu năm. Nhưng đến quý III nợ xấu đã tăng tới 71%, lên 2.480 tỷ đồng. Nợ xấu nhóm 3 tăng gấp 3,5 lần, lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng từ 0,54% hồi đầu năm, nay cũng tăng lên 0,84%.

Hay như tại Sacombank, tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2020 tăng 17% so với đầu năm, đến quý III tiếp tục tăng lên 19%, tương đương 6.837 tỷ đồng. Như tại TPBank, nợ xấu quý II/2020 tăng 20% so với đầu năm, đến quý III tăng lên 59%, lên 1.971 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng lại tiếp tục trong quý III/2020
Nợ xấu của ngân hàng lại tiếp tục trong quý III/2020


Mặc dù nợ xấu tăng, song lợi nhuận quý III/2020 của một số ngân hàng cũng tăng mạnh do kinh doanh hiệu quả, cắt giảm chi phí. Chẳng hạn như VPBank có lợi nhuận tăng 30,5%, TPBank tăng 25,7%, ABBank tăng 6,4%, ACB tăng 15,3%...

Tại các ngân hàng khác, nợ xấu cũng tiếp tục tăng. Như VPBank tăng 15,3% so với đầu năm, VietBank tăng 61%, Kienlongbank tăng gấp 6,5 lần… Cũng có một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng con số giảm khá thấp.

Được biết, đến cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ bảng toàn hệ thống ngân hàng ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2% so với đầu năm. Tổng tỷ lệ nợ xấu đã được xử lý tính đến tháng 12/2019 là khoảng 1.064 tỷ đồng.

Định hướng nhiệm vụ trong năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng  duy trì dưới mức 2%. Đến thời điểm tháng 9/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn duy trì dưới mức 2% theo quy định.

Theo nhận định của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua, nhằm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, các ngân hàng đều thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phí nhằm hỗ để hỗ trợ khách hàng. Nhưng thời hạn hoãn nợ chỉ đến 31/12/2020. Do đó khi hết thời gian này, nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng có thể tăng cao, đột biến trong cuối năm hoặc một vài năm tới. Theo dự báo thì cuối năm 2020 có thể tăng từ 2% lên 3%. Đến năm 2021 có thể lên 4%.

Để giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, thời gian qua, các ngân hàng đang đẩy mạnh thanh lý tài sản đảm bảo. Song tình hình cũng không khá khẩm vì có nhiều tài sản, nhất là bất động sản rao bán nhiều lần vẫn không ai mua.

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về tình hình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Báo cáo nêu rõ, hiện còn nhiều tổ chức tín dụng phản ánh khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 như việc thu giữ tài sản đảm bảo, mua bán nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong các vụ án hình sự… Đặc biệt khi dịch COVID-19 xuất hiện thì tình hình càng khó khăn hơn.

Nếu như không gia hạn thêm thời gian cơ cấu nợ cho khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì thời gian tới nợ xấu sẽ tăng. Gia hạn thời gian cơ cấu nợ vừa giúp khách hàng, doanh nghiệp có thời gian khôi phục, các ngân hàng đỡ áp lực.

“Một khi nợ xấu tăng thì đòi hỏi khoản chi phí trích lập dự phòng phải tăng lên, lợi nhuận các quý tới của ngân hàng giảm do phải bỏ thêm nhiều khoản chi phí giải quyết các khoản nợ này, khiến hiệu quả tài chính của ngân hàng cũng giảm…” - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI