Nợ trong nhà

26/04/2020 - 05:36

PNO - Đã ba năm, anh chị vẫn chưa trả tiền, vợ chồng em vẫn phải sống chung, chăm sóc ba má, vẫn nghe anh chị than phiền chăm lo không tới nơi tới chốn.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 43 tuổi, đã lập gia đình gần hai chục năm nhưng chưa có nhà riêng, vẫn sống chung nhà với cha mẹ chồng. Không phải do vợ chồng em làm ăn chậm lụt hay tiêu xài hoang phí mà không mua được nhà riêng. Vợ chồng em cũng cố gắng dành dụm một khoản tiền, cách đây mấy năm đủ để mua một căn chung cư nhỏ.

Lúc đó em đã rất vui. Nói thật lòng cha mẹ chồng không phải người khó tính nhưng nhà cửa chật hẹp, ở chung sao tránh khỏi điều tiếng nặng nhẹ. Nhất là khi ba chồng phải điều trị bệnh thận mãn tính, những lúc anh chị hai về nhà thấy ba không khỏe, cứ hỏi sao không ai chăm sóc cho ba. Em cũng cố gắng hết sức rồi.

Lúc em đang đi coi nhà tính mua thì anh chị hai bàn vợ chồng em cho anh chị vay khoản tiền đó để sửa nhà đón ba má về ở với anh chị. Tính là ba má về bên đó thì nhà này vợ chồng em ở cũng coi như nhà riêng, sau một năm anh chị trả tiền rồi lúc đó có muốn mua chung cư cũng không sao.

Chồng em nghe lời, đưa tất cả số tiền dành dụm mà không viết giấy cũng không giao ước gì. Anh chị sửa nhà thật, đón ba má về ở một thời gian thật, nhưng rồi lại lục đục trong nhà anh chị, ba má không muốn ở bên đó nữa, lại quay về nhà ở với vợ chồng em. 

Từ đó tới nay đã ba năm, anh chị vẫn chưa trả tiền, vợ chồng em vẫn phải sống chung, chăm sóc ba má, vẫn nghe anh chị than phiền chăm lo không tới nơi tới chốn. Hỏi tiền mấy lần, anh chị đều nói chưa trả được vì làm ăn khó khăn. Em bị kẹt nợ trong nhà, không biết làm sao giải quyết, xin chị cho em lời khuyên.

Hồng Mận (TP.HCM)

Em Hồng Mận thân mến,

Chuyện đời chẳng bao giờ như mình tính, phải không em? Hy vọng qua chuyện này, em rút được kinh nghiệm cho mình: tiền bạc là tiền bạc, cho dù là giữa những người thân, chuyện vay mượn cũng phải phân minh rõ ràng, nếu không mình sẽ vừa mất tiền vừa mất luôn tình cảm anh chị em. Khi nghe chuyện của em, hẳn ai cũng nghĩ tại sao trong đây không thấy ý kiến của ba má đâu cả? Cho dù ba bệnh thì vẫn còn má, thu xếp cho ba má ở với em hay ở với anh chị, đầu tiên phải hỏi ý ba má.

Ba má quyết định thế nào, ít nhiều gì cũng sẽ có liên quan đến việc sửa nhà anh chị, đến việc em cho mượn tiền và cuối cùng, đến việc trả tiền cho em để em lo nhà cửa. Nếu chỉ có anh chị em thu xếp với nhau, mai kia nếu em mua được nhà riêng, lúc đó có phải là việc chăm sóc ba má dễ bị rơi vào cảnh đùn đẩy không. 

Vậy nên, lúc khó khăn này, vợ chồng em hãy kể cho ba má nghe và hỏi ý kiến ba má đầu tiên. Tiếng nói của người lớn trong nhà sẽ có trọng lượng hơn, khi em cần đến. Đừng coi đây chỉ là việc mượn nợ riêng giữa vợ chồng em và anh chị hai. Đây cũng là dịp để vợ chồng em biết ý ba má thế nào, sau này có tính việc gì em cũng biết liệu đường, rồi hỏi ý ba má cũng dễ hơn.

Tiếp nữa, chuyện mượn tiền cách đây ba năm, nay vẫn có thể lập giấy mượn lại một cách đàng hoàng. Có thể anh chị chưa có tiền trả ngay cho em nhưng để hai bên yên tâm và có kế hoạch của mình, em cùng chồng cứ nói chuyện thẳng thắn với anh chị, xem thử bao lâu nữa anh chị có thể trả lại tiền cho em. Giấy mượn nợ có thể em phải chủ động viết trước, anh chị coi lại nếu thống nhất thì hai bên ký vào.

Làm vậy, anh chị cũng ý thức trách nhiệm rõ hơn trong việc trả nợ cho em, mà em cũng yên tâm không sợ “đêm dài lắm mộng”, có thể từ từ tính kế hoạch của mình. Mọi chuyện cần tiến hành từng bước, bình tĩnh, để được việc mà không sứt mẻ tình cảm gia đình, giữ quan hệ hòa hiếu trong nhà.

Chúc em thành công. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

An Nguyên (Q.5, TP.HCM): Thà muộn còn hơn không

Tôi cũng đã từng đi qua những ngày như bạn. Thời điểm đó, tôi chán chường, cáu kỉnh và gây gổ với chồng suốt. Tôi thường xuyên cảm thấy đời sống của mình chẳng có gì vui, tù túng đến bế tắc. Lúc đó, tôi được ba mẹ cho 3 tỷ đồng tiền bán đất. Đang tính ra riêng thì chị chồng tôi làm ăn thất bại, vỡ nợ và bỏ trốn.

Mẹ chồng tôi khóc lóc van nài tôi cho mượn tiền để “cứu” chị không bị khởi tố. Tôi xiêu lòng. Tiền tính mua nhà cho chị mượn, tôi tiếp tục ở nhà chồng và tiếp tục buôn bán. Mà chồng tôi vốn hiền lành nên chẳng có phản ứng gì. Vậy là xong. 

Bảy năm qua. Tôi vẫn chưa nhận được tiền chị gửi lại nên phải tạm quên để sống qua ngày. Tôi vẫn không dám ra riêng, vì không có tiền và cũng vì sợ rằng nếu ra riêng thì mất luôn cái nhà này, phải ráng mà gồng gánh, biết đâu ba mẹ sẽ để lại căn nhà này cho mình trừ nợ. 

Tôi phải tập xem như mình chơi chứng khoán, thua lỗ hết số tiền kia rồi và giờ đang ở ké ba mẹ chồng. Bữa nào tôi cũng thiền một giờ đồng hồ để nhẹ lòng hơn. Và tôi tập để không gây áp lực với chồng mình. Nhưng về phía chị chồng, tôi âm thầm đề nghị chị lập giấy mượn nợ và mẹ chồng phải làm chứng.

Việc đó đã gây nên một trận to tiếng nhà chồng tôi nhưng không thể nào khác. Từ tháng Sáu năm nay, theo thỏa thuận, chị bắt đầu trả dần cho tôi qua tài khoản số tiền nợ. Bạn có thể tham khảo cách của tôi trước khi quyết định hướng giải quyết triệt để. Thà muộn còn hơn không.

Thu Diễm (Bến Tre): Đã đến lúc mọi chuyện phải rõ ràng

Hơn 40 tuổi, có vẻ như chị đang mắc cạn trong chính cuộc sống của mình và không lối thoát. Bây giờ, chị cần bình tĩnh giải quyết để từng bước thoát khỏi mớ rối rắm đó. 

Thứ nhất là chuyện cha mẹ chồng. Theo tôi, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đâu phải của riêng ai. Nên chồng chị phải rõ ràng trong việc này, nếu mình chăm cha mẹ thì trách nhiệm của anh chị hai đối với cha mẹ là gì.

Tiếp theo là khoản nợ của anh chị. Tôi rất hiểu cảm giác khó chịu trước những người không biết giữ lời hứa. Cảm giác tiền mình dành dụm bấy lâu nay bị người ta dùng và chưa biết có đòi lại được hay không quả ấm ức làm sao.

Nên ngay bây giờ, chị hãy lập giấy nợ, trong đó có cam kết trả rõ ràng và kèm thêm điều kiện, nếu quá thời hạn hẹn trả mà không trả, các khoản sẽ được tính theo lãi suất ngân hàng hiện áp dụng. Đừng tiếp tục nhân nhượng rồi ôm ấm ức, chị nhé!

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • shu 27-04-2020 14:33:56

    Vậy rút kinh nghiệm ở đây là mình có tiền thì đừng có khoe, thiên hạ ai cũng khổ, cũng có cớ mượn tiền. Chồng mình thì mình quản, cho khỏi bép xép cái mồm. Họ hàng nhà ai nấy lo. Thời nay Thạch Sanh thì ít mà Lí Thông thì nhiều, người ta thà đi tù chứ không trả nợ nhen.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI