Nợ tiền trồng rừng thay thế: Doanh nghiệp chây ỳ, cơ quan quản lý thiếu cương quyết

20/05/2021 - 06:02

PNO - Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt 112 phương án nộp tiền trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện các dự án. Tổng diện tích đất rừng được chuyển đổi mục đích là hơn 1.556ha, tương ứng với tổng số tiền phải nộp để trồng rừng thay thế là trên 121 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng số tiền trồng rừng thay thế đã được các chủ dự án nộp vào quỹ đến cuối tháng 12/2020 là 105,166 tỷ đồng, số tiền còn nợ là 16,1 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền nợ 13,8 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền và Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền là hai chủ dự án còn nợ tiền trồng rừng thay thế lớn nhất và kéo dài. Trong năm năm qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi thông báo đòi nợ rất nhiều lần. Gần đây, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền mới hoàn tất số tiền nợ hơn 13 tỷ đồng, còn Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền đến giữa tháng 5/2021 vẫn còn nợ gần 8 tỷ đồng.

Lý giải về việc chậm trễ nợ tiền trồng rừng, đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền cho biết, nhà máy thực hiện quyết toán chi phí đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động năm 2009. Việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bắt đầu từ năm 2016 nên đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí vốn. Những năm gần đây, tình trạng hạn hán kéo dài nên sản lượng điện đạt thấp, dẫn tới việc nợ đọng tiền trồng rừng thay thế. Phía công ty đang cố gắng hoàn thành nộp số tiền nợ trong quý II/2021.
 

Một góc Nhà máy Thủy điện Bình Điền
Một góc Nhà máy Thủy điện Bình Điền

Theo kết luận số 335/KL-TTCP ngày 4/3/2021 của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2014-2018, tổng số tiền phải nộp để trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là 62,2 tỷ đồng, số đã nộp là hơn 32,5 tỷ đồng, số chưa nộp là gần 30 tỷ đồng. Diện tích rừng thay thế phải trồng theo kế hoạch đến năm 2018 khoảng 406,5ha, tương ứng với số tiền đã bố trí là hơn 28 tỷ đồng. Diện tích rừng đã trồng là hơn 169ha, tương ứng với số tiền đã giải ngân là hơn 4,7 tỷ đồng; 23,3 tỷ đồng còn lại sẽ giải ngân theo tiến độ trồng, chăm sóc.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, có năm trường hợp nợ tiền trồng rừng thay thế, trong đó có hai trường hợp nợ dây dưa, kéo dài là Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền và Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền. 

Để xảy ra các vi phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch và Phó chủ tịch phụ trách tỉnh Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ. “Đối với hai trường hợp Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền và Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền nợ tiền trồng rừng thay thế với số tiền lớn, để dây dưa, kéo dài, UBND tỉnh phải cưỡng chế thu hồi về ngân sách, cần thiết có biện pháp chấm dứt hoạt động dự án” - Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2016 đến nay, chủ đầu tư các thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đã tự tổ chức trồng hơn 267ha rừng thay thế theo hồ sơ thiết kế và dự toán đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt, nhưng đến nay sở này vẫn chưa đánh giá kết quả, báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế theo yêu cầu. Loại cây mà các chủ dự án trồng chủ yếu là tràm úc và gáo.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị có đi kiểm tra việc tự trồng rừng thay thế của các chủ dự án nhưng chưa thể đưa ra đánh giá. Để kết luận trồng cây có thành rừng hay không thì phải đợi đến tháng 6/2021, tức là xong chu kỳ trồng rừng sáu năm, hội đồng thẩm định mới quyết định. 

Trong khi đó, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế lại cho rằng, theo quy định của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát việc tự trồng rừng thay thế của các chủ dự án để tham mưu cho tỉnh xem có tiếp tục cho phép chủ dự án thực hiện trồng rừng hay không. Nếu đợi sáu năm mới có đánh giá, chủ dự án có thể làm đối phó để không thực hiện nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Trong thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động thăm dò, khai thác cát sỏi; quản lý đầu tư về xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 10/5 mới đây, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải cưỡng chế thu hồi tiền về ngân sách đối với những trường hợp nợ tiền trồng rừng thay thế với số tiền lớn nhưng để dây dưa, kéo dài… 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI