“Nỏ thần” chống lại Trung Quốc ở Biển Đông là pháp lý

21/08/2020 - 07:33

PNO - Theo giáo sư - tiến sĩ - luật sư Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, Chủ tịch hội đồng Công ty Luật VNJUST, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế - Trung Quốc có thể từng có những cuộc viễn chinh, viễn thám, nhưng cũng không nói lên được rằng các quần đảo đó là của họ. Tất cả những lần đặt chân sau này của Trung Quốc lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều bằng vũ lực. Trung Quốc cậy mình có tiềm lực để lấp liếm đi, nhưng thế giới biết rõ họ có chính nghĩa hay không.

 

Giáo sư
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bá Diến

Trung Quốc muốn chiếm trọn lợi ích của nhiều nước

*Phóng viên: Thưa giáo sư, Trung Quốc nuôi dã tâm độc chiếm Biển Đông có phải vì vai trò mang tính toàn cầu của vùng biển này?

-Giáo sư Nguyễn Bá Diến: Biển Đông là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Biển Đông còn có vị trí địa chiến lược toàn cầu, là kho tài nguyên thiên nhiên vô giá, đặc biệt là tài nguyên sinh vật, khí đốt và khoáng sản. Biển Đông cũng là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới (trên 90% lượng vận tải của thế giới thực hiện bằng đường biển, 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông). Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà với cả các nước trong khu vực ASEAN. 

Trung Quốc hiểu rất rõ rằng, chiếm được Biển Đông là khống chế được các nước trong khu vực cũng như thế giới. Chính vì vị trí chiến lược toàn cầu đó nên Biển Đông không thể là của riêng ai. Biển Đông không phải của riêng Việt Nam, lợi ích ở Biển Đông cũng không chỉ riêng Việt Nam hay của 10 nước ASEAN mà là lợi ích của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, để giữ được yên bình ở Biển Đông trước quyết tâm độc chiếm của Trung Quốc thì không chỉ Việt Nam, không chỉ 10 quốc gia ASEAN mà cả thế giới cần phải chung tay, trong đó có Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Nga… và cả các quốc gia châu Âu cũng như mọi quốc gia trên hành tinh này. Mỗi nước, mỗi phía đều phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và an toàn của Biển Đông, trong đó có an ninh hàng hải và an ninh hàng không.
* Ông đánh giá như thế nào về những hành động của Mỹ ở Biển Đông trong thời gian qua?

- Mỹ đã có những động thái thể hiện tiềm lực của họ về kinh tế, quốc phòng, về cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” của mình. Có thể thấy, Mỹ đủ điều kiện nhất trong các quốc gia để có thể ngăn chặn âm mưu và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong việc ngăn chặn dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hành động của Mỹ bước đầu đã có những tác động, từ việc thực hiện các cuộc tuần tra, việc cử các tàu đi vào khu vực 12 hải lý của các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đến các hoạt động bay trên Biển Đông. 

Báo cáo phân tích số 143 (Trung Quốc: Yêu sách ở Biển Đông) công bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã vạch rõ những sai trái, phi pháp, phản khoa học trong các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là một văn bản ngoại giao nhưng mang tính pháp lý rất cao, phân tích rất rõ tính chất phi lý, phi pháp trong yêu sách của Trung Quốc, đặc biệt là yêu sách “đường lưỡi bò”, dưới góc độ luật pháp quốc tế. Các chính quyền từ thời Tổng thống Obama đến nay, từ Tổng thống Trump cho đến phó tổng thống, rồi Bộ Ngoại giao, đến các nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều kịch liệt phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Từ năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật phi pháp ở vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AP
Từ năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật phi pháp ở vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AP

* Có thể thấy rõ, Trung Quốc vừa thách thức dư luận quốc tế, vừa thách thức cả những hành động của Mỹ, Úc ở Biển Đông…

- Những hành động của Mỹ rất mạnh mẽ nhưng chưa thể mang lại hiệu quả thực sự. Ví dụ, hoạt động tuần tra rất có ý nghĩa nhưng chỉ hiệu quả trong một giai đoạn, một thời điểm nào đó, bất chợt chứ không thường kỳ. Điều cần thiết đối với Biển Đông hiện nay là hiệu quả lâu dài.

Mỹ cũng cần khẩn trương gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việc gia nhập UNCLOS 1982 không chỉ làm tăng thêm giá trị và sức mạnh, hiệu lực và hiệu quả của bộ luật độc nhất vô nhị từ xưa đến nay của loài người (UNCLOS) mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cũng như uy tín và vị thế quốc tế cho chính nước Mỹ.

ASEAN cần đoàn kết hơn 

* Không thể không thừa nhận giá trị của những hành động mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong việc ngăn chặn dã tâm của Trung Quốc. Nhưng cũng không thể và không nên trông chờ quá nhiều vào họ?

- Trước dã tâm của Trung Quốc là “cướp” và kiểm soát Biển Đông, ASEAN có trách nhiệm rất lớn. Trong những năm qua, ASEAN đã thể hiện những thành công, nhưng cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết; đặc biệt, từ năm 2010, sự đoàn kết trong nội khối ASEAN bị thách thức rất lớn. ASEAN cần khẩn trương cải cách cơ chế thông qua những vấn đề quan trọng, đặc biệt là cơ chế dựa trên nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. 

Trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng, nhà chứa máy bay để các loại máy bay chiến đấu hạng nặng, máy bay ném bom H-6K cũng như các loại máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cất và hạ cánh - ẢNH: CHINAMIL
Trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng, nhà chứa máy bay để các loại máy bay chiến đấu hạng nặng, máy bay ném bom H-6K cũng như các loại máy bay cảnh báo sớm KJ-500 cất và hạ cánh - ẢNH: CHINAMIL

Thời gian qua, có những quyết định của ASEAN đã bị trói buộc vào nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Và trong 10 năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng nguyên tắc này, lôi kéo một vài nước trong ASEAN, để các nước đó không thông qua các nghị quyết, đặc biệt là nghị quyết về Biển Đông. ASEAN phải coi vấn đề an ninh chính trị là trụ cột, trong đó Biển Đông phải được coi là vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong rất nhiều vấn đề của ASEAN, dù có quốc gia trong khối không có biển. 

Biển Đông phải luôn được đặt trên bàn nghị sự của ASEAN, vì Biển Đông là lợi ích sống còn của cả ASEAN. ASEAN cũng cần xây dựng những liên minh về biển, ví dụ ASEAN với Mỹ, ASEAN với Nhật, với Ấn Độ, với Úc… để ngăn chặn hành vi và dã tâm của Trung Quốc.

* Đó là với ASEAN. Còn với Việt Nam, theo ông, chúng ta cần có những hành động nào?

- Hiện nay, Việt Nam đang giữ trọng trách là Chủ tịch ASEAN, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đó là cơ hội và cũng là trách nhiệm nặng nề. Nhưng, kể cả khi không có những cơ hội đó, chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải thể hiện nghiêm túc quyền cũng như trách nhiệm của mình đối với các vấn đề về Biển Đông. Chúng ta đã bị “bắt nạt”, chèn ép quá lâu, chúng ta không thể nhân nhượng nữa. Chúng ta cần kiên quyết, mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Để làm phá sản mọi mưu đồ thâm độc, mọi hành vi hết sức tinh vi của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam phải áp dụng tổng thể các giải pháp, như cách mà Trung Quốc đã và đang áp dụng hiện nay. 

Trong các giải pháp tổng thể của ta, phải đồng thời làm các việc: không ngừng nâng cao năng lực, ý chí chính trị các cấp; xây dựng và làm trong sạch hệ thống chính trị; nâng cao tiềm lực quốc phòng an ninh; khẩn trương xây dựng một nền kinh tế mạnh và vững chắc, từng bước thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc về kinh tế… Trong đó, cần đặc biệt chú trọng mặt trận pháp lý.

Việc áp dụng các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền tài phán quốc gia trên biển phù hợp với Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982… là hết sức văn minh, thể hiện tính chính danh, chính nghĩa của Việt Nam. Do đó, việc sử dụng giải pháp pháp lý, với Việt Nam, là “nỏ thần” chống lại dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông.
* Cảm ơn giáo sư. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI