Nở rộ 'tín dụng đen' tại Huế

10/08/2018 - 06:32

PNO - Tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chưa bao giờ dịch vụ cho vay không cần tài sản đảm bảo lại nở rộ như hiện nay.

Trên nhiều ngả đường, nhan nhản những mẩu quảng cáo kiểu “vay nhanh - lãi phẳng, thủ tục đơn giản, giao tiền trong ngày, cho vay lãi suất thấp”. 

Lãi suất "cắt cổ"

Trong vai người cần đi vay tiền mua xe máy, lần theo một số điện thoại được dán tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lý Thường Kiệt, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0977 92 96 xx, thì nghe giọng một thanh niên,  mời chúng tôi đến địa chỉ 175 Nguyễn Sinh Cung, P.Vỹ Dạ. Thanh niên này lưu ý, khi đi, cần cầm theo chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe chính chủ. Khi chúng tôi nói đang gấp việc nên muốn trao đổi, thỏa thuận lãi suất qua điện thoại trước, thanh niên này đồng ý.

No ro 'tin dung den' tai Hue
Chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP.Huế

Thanh niên này nói: “Bên em cho vay theo hình thức trả góp. Nếu vay 20 triệu đồng, mỗi ngày góp 600.000 đồng. Góp trong vòng 40 ngày là 24 triệu đồng”. Nghĩa là, với số tiền vay 20 triệu đồng, người vay phải trả tiền lãi 4 triệu đồng trong 40 ngày. Tôi than lãi suất quá cao, năn nỉ giảm xuống, thanh niên này đáp: "Cao gì mà cao, nhiều người đến năn nỉ cũng chưa được vay với giá đó nữa”, rồi cúp máy. 

Lần theo một số điện thoại được dán ở kiệt 163, đường Nguyễn Lộ Trạch, P.Xuân Phú, chúng tôi tiếp tục liên lạc với người cho vay khác. Người này cho hay, nhờ có liên kết với một ngân hàng nên muốn vay bao nhiêu cũng có, lãi suất 1 - 2%/tháng. Khi được hỏi mức vay, người này cho biết tùy theo điều kiện, thu nhập của từng người.

Đặt vấn đề “mức lương công nhân, thu nhập bấp bênh, muốn vay chừng 10 - 20 triệu đồng”, người này nói: “Vay bên mình không cần thủ tục chi nhiều, chỉ cần vợ hoặc chồng có xài sim điện thoại Viettel tối thiểu 6 tháng hoặc Mobifone trên 1 năm là được. Còn nếu muốn vay số tiền lớn hơn, cần phải chứng minh thêm một vài thông tin và có người đến nhà để kiểm tra”. 

Khi gọi vào một số điện thoại khác được dán ngay một trạm xe buýt ở đường Lê Quý Đôn, một người đàn ông nói giọng Bắc nghe máy, đặt ngay câu hỏi: “Làm nghề gì, có hộ khẩu ở TP.Huế không?”. Sau khi nghe chúng tôi đáp không có và công việc bấp bênh nhưng muốn vay 10 triệu đồng, người này ậm ừ rồi nói: “Không có hộ khẩu TP.Huế cũng được. Vậy cầm hộ khẩu nơi đang sống đến gặp mình, nếu xác minh giấy tờ hợp lệ, sẽ làm thủ tục cho vay ngay”. 

Gọi vào số của “dịch vụ” khác, đặt vấn đề vay 10 triệu đồng, các chủ cho vay yêu cầu mỗi ngày phải trả góp 300.000 đồng trong khoảng 40 - 42 ngày, tức số tiền cả gốc lẫn lãi phải đóng là 12 - 12,6 triệu đồng. 

Cho vay nặng lãi dưới mác "Công ty tài chính" 

Một số cán bộ trong ngành ngân hàng giải thích, hiện nay, có hai hình thức vay phổ biến: vay tín chấp và vay thế chấp. Muốn vay tín chấp, người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác; muốn vay thế chấp, người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày gọi là vay “nóng”. Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng.

No ro 'tin dung den' tai Hue
Quảng cáo cho vay tiền tràn ngập các ngả đường của TP.Huế

Trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP.Huế - cho biết, mặc dù cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhưng hình thức cho vay “nóng” này lại đang ngày càng phát triển tại TP.Huế. Vay vốn “tín dụng đen” không cần thế chấp, linh hoạt về thời gian cho vay, số tiền cho vay nên đã đáp ứng được nhu cầu vay của những người bán buôn nhỏ, tiểu thương ở chợ, đối tượng mê đánh bạc, lô đề… 

Để tránh các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã lập những chi nhánh công ty với danh nghĩa hỗ trợ tài chính, mua bán xe, có giấy phép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Đơn cử như Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Tân Tín Đạt tại TP.Huế lập ra hơn 6 chi nhánh ở các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Nguyễn Sinh Cung. Dưới vỏ bọc là hỗ trợ tài chính và mua bán, cho thuê xe, các chi nhánh công ty này lại cho vay “tín dụng đen” với lãi suất "cắt cổ" và sử dụng nhiều đối tượng giang hồ, bảo kê, những người từng có tiền án, tiền sự đến từ Hải Phòng, Nghệ An giúp sức đòi nợ. 

Mới đây, một nhóm đối tượng người Hải Phòng đã vào khách sạn Champa ở số 1/6 đường Văn Cao, đòi nợ 20 tỷ đồng. Do nhiều ngày không gặp được con nợ, đối tượng Lương Văn Hậu (19 tuổi) đã đâm anh Nghiêm Duy Anh Phương (là lễ tân khách sạn Champa) khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu. Gia đình bà Lê Thị Quy (74 tuổi, ngụ tại đường Bà Triệu, P.Phú Hội) cũng bị một nhóm côn đồ khóa trái cửa nhốt trong nhà, buộc bà Quy phải trả món nợ do con bà vay “tín dụng đen” nhưng không trả đúng thời hạn.

"Hiện chúng tôi đã nắm được danh sách 19 đối tượng người Nghệ An, Hải Phòng đang thuê trọ tại các chung cư ở Huế để đòi nợ thuê khi chủ yêu cầu. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các đối tượng này. Qua đây, cũng mong các cơ quan quản lý văn hóa sớm mạnh tay dẹp bỏ các tờ rơi quảng cáo cho vay hiện đang tràn lan từ cột điện đến trạm xe buýt khắp TP.Huế" - trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh nói.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế - nhận định, loại hình cho vay như đã đề cập trên đây thực chất là cho vay nặng lãi, là hoạt động vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm. 

Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 1/1/2017) quy định: lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá giới hạn quy định thì mức lãi suất không có hiệu lực. Khoản 1, 2 điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ: người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự thì tùy mức thu lợi bất chính, mức độ vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc có thể bị phạt tù 3 năm.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI