Liệu cuộc đua phim trực tuyến có bản quyền này có triệt tiêu được tình trạng phim lậu tràn lan trên các trang mạng hay không?
Chưa đầy một năm trở lại đây, thị trường xem phim trực tuyến có bản quyền theo yêu cầu lôi cuốn sự tham gia của nhiều đơn vị cung cấp như Film+ (trực thuộc Galaxy), Danet (trực thuộc BHD), iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ). Trước đó khán giả muốn xem phim theo yêu cầu (Video on demand-VOD) cũng có thể tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet như FPT (FPT Play HD), Viettel (NextTV), VNPT-Media (MyTV) với các gói dịch vụ VOD kèm theo hàng trăm kênh truyền hình với mức phí trên dưới 100.000 đồng/tháng.
Riêng với các phim mới chiếu rạp muốn xem thì phải thuê với giá vài chục ngàn trong thời gian quy định. Hình thức thanh toán linh hoạt, dễ dàng: thẻ tín dụng quốc tế, ATM, thẻ cào điện thoại…
|
Kho phim trực tuyến Danet với nhiều gói dịch vụ |
Nhìn chung, mỗi đơn vị cung cấp đều có thế mạnh riêng để đáp ứng nhu cầu người xem như kho iflix có các bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình nổi tiếng trong nước và quốc tế cùng các TV show ăn khách nhất hiện nay của Hollywood, châu Á và VN; Netflix có nhiều phim lẻ hoặc phim truyền hình Mỹ đang “hot”; Film+ cũng mạnh về phim Mỹ, phim lẻ châu Á nhưng ít phim bộ châu Á; Danet ngược lại có nhiều phim châu Á, nhưng ít phim hoặc chương trình truyền hình thực tế Mỹ.
Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ xem phim VOD là chất lượng bản phim đẹp, ít bị quảng cáo làm phiền, không sợ bị lộ thông tin cá nhân, có thể tiếp cận những phim nghệ thuật không được nhập về VN. Chẳng hạn như cuối tháng Hai qua, Danet tung ra một loạt các phim kén khách, gây tiếng vang trên thế giới như The birth of the nation, American Honey, Christine, Nocturnal Animals…
Sự nở rộ các kho phim trực tuyến có bản quyền ít nhiều góp phần tạo ra những tín hiệu tích cực trong nhận thức khán giả về chuyện bản quyền. Trao đổi tại buổi tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ trong điện ảnh do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức ngày 13/4 nhân dịp ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2017, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Phó tổng giám đốc BHD cho biết: “Sau năm tháng Danet hoạt động, có nhiều đối tác bắt đầu quan tâm hơn về những nội dung có bản quyền, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác thêm với nhiều trang web khác ngoài những đơn vị đã có như VTVCab, MyTV…”. Điều mà bà hào hứng hơn cả là dịch vụ VOD giúp cho các nhà làm phim Việt có thêm doanh thu ngoài rạp và những phim nghệ thuật có được đầu ra.
|
Xem phim trực tuyến đang là nhu cầu rất lớn của người dùng |
Tuy thị trường VOD đang phát triển ồ ạt nhưng không có nghĩa là tình trạng vi phạm bản quyền trong phim ảnh bị kéo giảm. Các trang web chiếu phim lậu cập nhật kho phim rất nhanh, chẳng hạn như những phim mới ra rạp thời gian qua như Kong: đảo đầu lâu, Người sói: Trận chiến cuối cùng, Săn lùng báu vật cổ… chưa đầy một tháng sau khi chiếu rạp đã có trên mạng. Trong khi đó, theo ông Châu Quang Phước, quản lý truyền thông của Danet, “Bốn studio của Mỹ là Paramount, Fox, NBC và Disney mà BHD ký kết có quy định sau khi phim đã chiếu ở rạp ba tháng mới được phát hành trên hệ thống VOD. Hiện Danet có khoảng 600 giờ phim lẻ, mỗi tháng cập nhật từ 10 giờ - 20 giờ phim”.
Quả thật với tốc độ như vậy, các đơn vị làm ăn chân chính khó cạnh tranh lại với các trang web lậu. Theo bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) tại VN, hiện có khoảng 60 trang web có tỷ lệ vi phạm lớn. Chia sẻ về giải pháp của MPAA để ngăn chặn tình trạng này, bà Phan Cẩm Tú cho biết: “MPAA đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng như Bộ Thông tin - Truyền thông để nhờ khuyến cáo các đơn vị dừng quảng cáo trên các trang web vi phạm, ngoài ra chúng tôi còn tiến tới làm việc với các kênh thanh toán để ngăn chặn việc thanh toán trên các trang lậu”.
|
Dần dà, người dùng đã bắt đầu dùng phim trực tuyến có bản quyền |
Danh sách “thủ phạm” cũng đã có, nhưng cho đến nay theo thừa nhận của những người trong cuộc, việc xử lý rất nhiêu khê, tỷ lệ thành công rất thấp. Luật sư Trần Mạnh Hùng, Giám đốc BMVN International LLC, hãng luật chuyên về sở hữu trí tuệ, thành viên của hãng luật đa quốc gia Baker & McKenzie lý giải: “Khó khăn nhất là thuyết phục cơ quan có thẩm quyền chấp nhận các vụ liên quan đến bản quyền. Dưới góc nhìn luật sư, các trang web vi phạm có server ở nước ngoài chỉ cho người dùng xem phim, nghĩa là người dùng có lưu trữ tạm thời và như vậy là đang lan truyền nội dung vi phạm, nhưng cơ quan chức năng khó chấp nhận lý lẽ đó.
Khó khăn nữa với vấn đề bản quyền phim trực tuyến là khó có cơ sở pháp lý để thực thi khi mà Bộ luật Hình sự mới quy định nếu copy với quy mô thương mại thì có thể bị xử lý hình sự, nhưng như thế nào là quy mô thương mại thì luật chưa làm rõ. Việc đeo đuổi, tạo bằng chứng cũng rất nhiêu khê vì môi trường mạng thay đổi liên tục, bản thân đơn vị đã cố tình vi phạm thì rất cao tay, thay đổi website liên tục”. Kết quả là các trang web phim lậu vẫn ung dung tồn tại, làm đau đầu các nhà làm phim lẫn những đơn vị cung cấp phim theo đường “chính thống”. Sau một vài lần ra tay của các cơ quan chức năng, cũng có vài trang đóng cửa nhưng sau đó mở lại trang khác.
Xem ra cuộc chiến giữa các chủ sở hữu với nạn phim lậu vẫn còn dài và điều này chỉ có thể thay đổi khi nhận thức của con người thay đổi, bởi theo luật sư Trần Mạnh Hùng, “luật pháp chỉ là con chữ, giáo dục mới quan trọng, vì chỉ khi được dạy dỗ phải tôn trọng sự sáng tạo thì bản thân mới có ý thức tôn trọng sự sáng tạo của người khác”.
Hương Nhu