PNO - Sau khi Đại học Quốc gia TPHCM công bố lịch thi đánh giá năng lực năm 2024, các hội nhóm Facebook chuyên về luyện thi kỳ thi này ngay lập tức trở nên sôi động.
Người bán khóa học, kẻ chia sẻ tài liệu “có phí” với những cam kết chắc nịch như “khóa ôn luyện mục tiêu 900 điểm”, “300.000 đồng tất cả bài giảng, bài tập, đáp án 7 môn”, “khóa ôn luyện chinh phục nguyện vọng 1”... Dưới những bài đăng, khi có câu hỏi về cách thức đạt điểm cao của thí sinh, hàng loạt bình luận tự xưng là học viên của các trung tâm, đã đạt kết quả tốt trước đó, khuyên thí sinh nên “nối gót” theo sau.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2023 diễn ra tại Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: N.T.
Luyện thi với nhiều mức giá khác nhau
Trong vai một học sinh cần tìm khóa học phù hợp, chúng tôi tiếp cận một tài khoản Facebook tên A.T. - người thường xuyên bình luận trong các bài đăng. Khi liên hệ, người này cho biết mình là thầy giáo và nói rằng đang tuyển sinh lớp luyện thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Nếu tham gia khóa học, thí sinh sẽ được học 130 buổi online, mỗi buổi kéo dài từ 60-90 phút, kèm 40 video luyện đề. “Các em sẽ được học về ngôn ngữ, toán tư duy, phân tích số liệu, khoa học, giải quyết vấn đề. Học phí 4 triệu đồng nhưng nếu em đăng ký sớm sẽ được giảm 50%. Chỉ 100 người đầu tiên thôi nha em” - người này nhấn mạnh.
Một trang Facebook khác cũng giới thiệu khóa học trị giá 1,3 triệu đồng/4 tháng học online hoặc 2,5 triệu đồng/4 tháng nếu học trực tiếp tại TPHCM. Thí sinh học mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ. Giáo viên - theo như cam kết - là những người từng đạt điểm thi đánh giá năng lực trên 1.000 điểm. Đồng thời sẽ có 4 sinh viên năm thứ tư lớp cử nhân tài năng ngành hóa học của Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM tham gia trợ giảng, sửa đề phần hóa học. Khi nhắc đến cam kết đầu ra, trang Facebook này không trả lời thẳng mà nói rằng cần kiểm tra kiến thức trước và sau khi học, thi thử để đánh giá tình hình học tập của người học.
Không chỉ có các khóa học, nhiều người còn đăng bài rao bán các tài liệu tự biên soạn hoặc ghi lại từ các khóa học được cho là “có uy tín” với giá chỉ từ 30.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng. Em B.T. - học sinh lớp Mười hai của một trường THPT ở quận 6 - chia sẻ: dù biết có khả năng bị lừa nhưng vì khá áp lực, không biết phải ôn từ đâu nên em vẫn quyết định mua bộ tài liệu tham khảo để tự tin hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM - nhận định: việc xuất hiện các nhóm ôn luyện là có thật và không ngăn cản được vì đó là nhu cầu thực tế của một số thí sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là bên cạnh các nhóm dạy hiệu quả cũng có nhiều nhóm “nói một đằng làm một nẻo”, xây dựng tài liệu hướng dẫn không có chất lượng.
Cần tập trung học tốt ở trường
“Quan điểm của chúng tôi là không tổ chức những khóa luyện thi, buôn bán tài liệu. Các thầy cô tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi không tham gia bất cứ nhóm ôn luyện nào, đây là điều được cam kết và kiểm soát chặt chẽ. Hiện tại, chưa có hệ thống kiểm duyệt những nhóm này, nên người học phải cảnh giác, tham khảo nhiều người để đưa ra lựa chọn phù hợp” - ông Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.
Ông khuyến khích học sinh không tham gia luyện thi mà cần tập trung học tốt kiến thức ở trường phổ thông, nâng cao khả năng tự học, suy nghĩ logic, tư duy, biện luận. Các em có thể lập những nhóm chung để chia sẻ kinh nghiệm, nhờ thầy cô hướng dẫn cách học, từ đó phối hợp và hỗ trợ nhau. Để hình thành năng lực cho mình, học sinh cần bắt đầu bằng năng lực đọc. Ngoài đọc sách giáo khoa thì đọc thêm sách tham khảo, sách hướng dẫn… để tăng khả năng tổng hợp, thu thập số liệu. Đây sẽ là một lợi thế vì bài thi rất dài, cung cấp rất nhiều dữ kiện, số liệu. Ngoài ra, thí sinh cũng cần tập khả năng suy luận.
“Với mọi kiến thức ở trường, các em phải đặt vấn đề về tính hệ thống chứ không chỉ học thuộc lòng. Nếu rèn luyện điều này trong thời gian dài, học sinh sẽ hình thành được thói quen học tập một cách khoa học. Nó không chỉ giúp các em học tốt ở trường, chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực mà cả trong việc học tập suốt đời” - vị giám đốc thông tin.
Tiến sĩ Đỗ Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cũng cảnh báo rất khó biết được chất lượng của các hội nhóm luyện thi trên Facebook, thí sinh nên cẩn trọng để tránh vừa mất tiền vừa mất thời gian. Thay vào đó, các em nên tham khảo, giải đề do Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp. Đặc biệt, thí sinh không nên xem nhẹ kiến thức trong sách giáo khoa, bởi mọi vấn đề thực tế đều dựa trên lý thuyết để giải quyết. Thời gian này, thí sinh nên tập trung ôn kiến thức trọng tâm ở bậc phổ thông. Khi có đề thi mẫu, các em sẽ giải đề để biết cách ra đề, xác định khối lượng kiến thức cần tập trung ôn luyện.
Giúp học sinh làm quen kỳ thi
Ông Đỗ Dương Cung - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) - cho biết, có khoảng 70 - 80% học sinh khối Mười hai của trường tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, việc ôn luyện kiến thức có phần khó khăn bởi độ lệch về thời gian so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu học sinh thi đợt 1 - tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT - trường sẽ cố gắng giảng dạy hoàn tất khoảng 70 - 80% khối lượng kiến thức cho các em.
Tuy nhiên, trường không dành nhiều thời gian ôn luyện mà sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức thi thử, giúp các em làm quen với kỳ thi. Trường không dồn toàn bộ quyết tâm vào kỳ thi đánh giá năng lực mà phải cân bằng với cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi kỳ thi này không phải là hướng đi duy nhất vào đại học, và một số trường đại học tốp đầu sẽ yêu cầu điểm tốt nghiệp THPT rất cao hoặc cần làm những bài thi khác. Do đó, học sinh cần cân bằng thời gian và độ quan trọng giữa cả hai kỳ thi.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...