Nở rộ lừa đảo quyên góp, hỗ trợ đồng bào vùng bão, lũ

30/09/2024 - 06:29

PNO - Lợi dụng tình hình thiên tai tại miền Bắc, các đối tượng thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo. Trong đó, phổ biến là sao chép logo, hình ảnh, thông tin của các đơn vị, tổ chức uy tín để tạo ra các fanpage giả mạo, kêu gọi quyên góp giúp đỡ đồng bào, hoặc bán hàng hỗ trợ đồng bào rồi chiếm đoạt tiền.

Đủ chiêu lừa đảo

Mới đây, fanpage “Giao hàng tiết kiệm tuyển dụng” đưa thông tin: “Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm đã tổ chức vận chuyển 10 chuyến xe chở nhu yếu phẩm tới người dân Hà Nội và 4 tỉnh gồm Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn nhằm khắc phục hậu quả thiên tai”. Bài đăng cũng kêu gọi người dân đóng góp để san sẻ những thiệt hại nặng nề mà đồng bào đang phải gánh chịu.

Để thuyết phục người đọc, trang này còn quảng cáo, Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm đang phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị báo đài nhận tiền cứu trợ, đồng thời đăng tải hình ảnh các đoàn xe thư báo của công ty có dán băng rôn kiểu như “Đoàn xe cứu trợ tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang”, “Hàng cứu trợ Hội Chữ thập đỏ”…

Các đối tượng  lập fanpage  giả mạo Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm để kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt
Các đối tượng lập fanpage giả mạo Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm để kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu thì thấy trang này chỉ mới được thành lập vào đầu tháng 9/2024. Liên hệ với Công ty Giao Hàng Tiết Kiệm thì đơn vị này cho biết chỉ có một fanpage duy nhất là “GHTK - Giao Hàng Tiết Kiệm”, các trang còn lại đều là giả mạo. Đồng thời, trang chính chủ chỉ cập nhật thông tin về việc phối hợp với các đơn vị triển khai các chuyến xe cứu trợ tới đồng bào vùng lũ, không có kêu gọi ủng hộ quyên góp.

Ngoài lừa đảo quyên góp, hiện còn đang nổi lên tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt mua hàng cứu trợ vùng lũ. Chị T.H.T. (ngụ TPHCM) kể, chị và nhóm thiện nguyện muốn mua áo phao, áo mưa, mì tôm tặng các tỉnh miền Bắc nhưng nhiều nhà máy sản xuất đều thông báo hết hàng.

Thấy tài khoản Facebook “Thu Huong” rao còn 2.000 áo phao, chị T. nhanh chóng đặt hàng. “Dù cả nhóm đã nhắc nhở nhau phải cẩn thận khi giao dịch nhưng vì hàng quá khan hiếm, chủ tài khoản này nói chỉ bán hỗ trợ cho bà con vùng lũ, không lấy lãi nên cả nhóm đã chuyển khoản đặt cọc 39,5 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản thì chủ tài khoản đã khóa máy” - chị T. chia sẻ.

Từ câu chuyện của chị T., các đối tượng đã vẽ ra một “kịch bản lừa đảo” hoàn hảo hơn là: trở thành nạn nhân bị chiếm đoạt tiền đặt hàng cứu trợ để tiếp tục lừa những người khác. Trên các hội nhóm như “Hội thiện nguyện - cứu trợ bão lũ miền Bắc”, “Chung tay cứu trợ miền Bắc bão Yagi”… xuất hiện một số thông tin cảnh báo lừa đảo. Nhưng theo tìm hiểu, chủ tài khoản được cho là nạn nhân của lừa đảo lại là người đang đi lừa người khác.

Mới đây, chủ tài khoản một Facebook đăng thông tin cảnh báo về việc một người tên N. - chủ tài khoản Facebook “Ng. Ngg” - bị lừa 70 triệu đồng khi mua 1.400 áo phao để ủng hộ bà con vùng lũ, kèm theo hình ảnh hóa đơn đã chuyển 70 triệu đồng mua áo phao, hàng được vận chuyển từ Đà Nẵng ra Thái Nguyên.

Thông tin này nhanh chóng thu hút nhiều lượt chia sẻ, bày tỏ sự thương cảm muốn hỗ trợ một khoản tiền khác để chủ tài khoản “Ng. Ngg” mua áo phao mới. Nhưng tại một số hội nhóm khác như “Hội thanh lý đồ cũ - lớn nhất TPHCM”, “Hội phượt bằng ô tô (chia sẻ kinh nghiệm)” lại có nội dung cảnh báo tài khoản “Ng. Ngg” là lừa đảo, chuyên chiếm đoạt tiền mua hàng của khách trong suốt thời gian qua.

Chỉ nên chuyển tiền vào các tài khoản đóng góp của nhà nước

Ngày 7/9, fanpage của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh cảnh báo về một số đối tượng đã lập ra fanpage có giao diện giống hệt trang chính chủ để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Ngày 11/9, đến lượt fanpage của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) bị đối tượng làm giả để kêu gọi quyên góp ủng hộ các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Để tạo niềm tin cho người đọc, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống. Thậm chí, một số đối tượng còn tạo fanpage giả của Viettel Telecom, có cả dấu tích xanh, kêu gọi người dân vùng lũ soạn tin nhắn theo cú pháp gửi 191 để được dùng internet miễn phí của Viettel.

Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, hễ có thiên tai là sẽ có nạn lừa đảo “ăn theo” thiên tai. Các đối tượng thường dựng lên nhiều kịch bản, thường gặp là tạo ra một số trang Facebook giả mạo, kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tiếp đến là giả danh người gặp nạn trong vùng thiên tai để mượn tiền, hướng dẫn soạn cú pháp tin nhắn gửi đến các đầu số dịch vụ để phát tán mã độc và chiếm tiền trong điện thoại, lừa bán nhu yếu phẩm và phương tiện cứu hộ giá rẻ để chiếm đoạt tiền đặt cọc, kêu gọi quyên góp từ thiện…

Do đó, người dân khi nhận được thông tin trên mạng, cần kiểm chứng lại nội dung kỹ càng. Nên theo dõi các phương tiện truyền thông chính thống để biết tổ chức, địa chỉ tiếp nhận cứu trợ. “Đặc điểm chung của các bài viết lừa đảo là có một số tài khoản để mọi người chuyển khoản.

Để phòng tránh lừa đảo, mọi người có thể dùng phần mềm nTrust để kiểm tra số tài khoản có an toàn trước khi chuyển khoản. Đây là phần mềm hoàn toàn miễn phí do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cung cấp, giúp kiểm tra các tên miền lừa đảo có chứa mã độc, các ứng dụng giả mạo, nhất là các ứng dụng có hành vi thu thập thông tin, dữ liệu của người dùng” - ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - lợi dụng tâm lý cả nước hướng về các tỉnh miền Bắc đang ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nhiều đối tượng lừa đảo đã đăng tải các bài viết trên mạng xã hội kèm những hình ảnh rất đáng thương được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa người dùng chuyển tiền.

Ông Ngô Minh Hiếu cảnh báo, cần cẩn trọng với những nguồn tin chưa chính xác, chỉ nên chuyển tiền vào các tài khoản đóng góp của Nhà nước và của MTTQ. Người dân có thể chung tay ngăn chặn các trang lừa đảo bằng cách khi phát hiện các trang giả mạo nên thực hiện thao tác báo cáo (report) nhằm báo cáo cho Facebook biết được các bài viết vi phạm. Sau khi người dùng báo cáo, máy chủ của Facebook sẽ ghi nhận thông tin, kiểm soát chất lượng và gỡ bỏ thông tin đó khỏi Facebook.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI