Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực

20/12/2024 - 06:17

PNO - Tranh thủ việc thí sinh lo lắng vì kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM lần đầu diễn ra theo chương trình mới, nhiều lớp ôn luyện kỳ thi được quảng bá rầm rộ để thu hút thí sinh tham gia.

Hơn 11 triệu đồng giảm còn gần 7 triệu đồng

Mỗi ngày, trên các hội nhóm Facebook chuyên về kỳ thi đánh giá năng lực, cứ vài tiếng lại có một bài viết ẩn danh hỏi địa chỉ luyện thi. Dưới bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu là nhân sự hoặc từng học ở những trung tâm và đạt kết quả rất tốt. Thí sinh chỉ cần phản hồi bình luận liền có người chủ động liên hệ giới thiệu các khóa học.

Trong vai một học sinh lớp Mười hai tại TP Thủ Đức, TPHCM, chúng tôi để lại thông tin liên hệ trên Facebook của một trung tâm. Khoảng 1 giờ sau, một nhân viên gọi điện và nhiệt tình tư vấn. Theo đó, khóa luyện thi bao gồm 3 giai đoạn: nền tảng, tổng ôn và luyện đề. Phần nền tảng là dạy kiến thức cơ bản lớp Mười hai có trong đề thi.

Phần tổng ôn sẽ hệ thống kiến thức từ lớp Mười đến lớp Mười hai. 2 phần này do thí sinh chủ động học qua video. Cuối tháng Mười hai, trung tâm bắt đầu phần luyện đề qua live stream. Thí sinh sẽ tương tác trực tuyến với giáo viên trong vòng 30 buổi, mỗi buổi kéo dài 90-120 phút.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024

“Nếu em đã nắm chắc kiến thức lớp Mười hai thì chọn gói tăng tốc, gồm tổng ôn và luyện đề. Học phí gốc là 7.200.000 đồng, nhưng hôm nay trung tâm có chương trình ưu đãi ngày vàng nên được giảm còn 4.320.000 đồng. Hoặc em chọn gói toàn diện gồm 3 phần thì đang được giảm từ 11.500.000 đồng xuống còn 6.900.000 đồng” - người này nhấn mạnh.

Để tăng áp lực ôn luyện cho thí sinh, một trung tâm khác chạy nhiều quảng cáo với dòng chữ: “Thí sinh phải thi tất cả môn tiếng Việt, tiếng Anh, toán, lý, hóa, sinh, địa, sử, giáo dục kinh tế và pháp luật”. Nếu đăng ký khóa học, thí sinh sẽ được học trực tuyến với giáo viên và học với trợ giảng qua tin nhắn, cuộc gọi.

Nhân viên của trung tâm cho hay: “Đây là khóa luyện đề cấp tốc trong 3,5 tháng. Từ tháng Mười hai đến tháng Hai năm sau, em sẽ xây dựng chiến lược làm bài, gồm cách phân bố thời gian, thi phần nào trước, mẹo làm bài và tâm lý phòng thi. Nếu yếu lý thuyết, em sẽ được tặng thêm video bổ sung kiến thức. Tháng Ba và tháng Tư là giai đoạn luyện đề bứt tốc, khắc phục các lỗi sai, điểm yếu trong quá trình luyện đề. Hiện khóa này học phí là 3.200.000 đồng”.

Ngoài các trung tâm, không ít cá nhân cũng giới thiệu lớp luyện đề với giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/khóa. Số khác bán các tài liệu, đề thi mẫu tràn lan trên mạng với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Phải tin vào bản thân

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, đơn vị không tổ chức khóa luyện thi, buôn bán tài liệu. Thầy cô tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi không tham gia bất cứ nhóm ôn luyện nào. Đây là điều được cam kết và kiểm soát chặt chẽ.

Hiện tại, chưa có hệ thống kiểm duyệt, thẩm định những nhóm ôn luyện này nên người học phải cảnh giác, tham khảo nhiều người để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Ông khuyên thí sinh không nên tham gia các khóa ôn luyện mà chủ động học tập một cách khoa học. Bởi lẽ, bài thi nhằm đánh giá năng lực học đại học của thí sinh, gồm năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, toán học, tư duy logic, khoa học, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Những năng lực này không thể có trong một sớm, một chiều mà hình thành trong suốt quá trình thí sinh học THPT.

“Với mọi kiến thức ở trường, thí sinh phải đặt vấn đề về tính hệ thống, tìm tòi và hiểu sâu bản chất chứ không chỉ học thuộc lòng. Nếu rèn luyện điều này trong thời gian dài, thí sinh sẽ hình thành được thói quen học tập một cách khoa học.

Các em cũng có một nguồn thông tin rất đáng tin cậy là thầy cô ở trường THPT; đồng thời phải phối hợp, trao đổi với bạn bè để tìm ra cách học tốt nhất. Điều quan trọng là thí sinh phải tin tưởng vào bản thân, tránh chuyện tin vào một người hoặc một trung tâm mà cách dạy của họ không đúng định hướng ra đề” - ông nhấn mạnh.

Ông Hồ Ngọc Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) - cho biết, đa số học sinh của trường đều tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vì đó là một cơ hội để vào đại học. Nội dung kỳ thi và chương trình học trên lớp tương đối giống nhau, chỉ khác ở kỹ năng làm bài.

Do đó, gần ngày kỳ thi diễn ra, trường sẽ tổ chức những buổi dạy phương pháp làm bài theo từng môn, học sinh có nhu cầu có thể chủ động tham gia. Giáo viên của trường nghiên cứu kỹ để dạy học sinh, tập trung chủ yếu vào 3 môn: tiếng Việt, tiếng Anh và toán.

“Theo cấu trúc của đề thi minh họa, đề năm 2025 sẽ có những câu hỏi mà kiến thức thuộc các môn thí sinh không học ở trường. Tuy nhiên, những câu hỏi đó dựa trên dữ liệu cho sẵn để suy luận logic và giải chứ không nặng về chuyên môn. Do đó, học sinh học tốt ở trường và có kỹ năng làm bài thì sẽ làm tốt, không nhất thiết phải ôn luyện tại các trung tâm” - vị phó hiệu trưởng khuyên.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI