Nở rộ dịch vụ giao hàng không tiếp xúc

27/03/2020 - 15:10

PNO - Hiểu tâm lý e ngại của khách hàng khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người lạ, đồng thời nhằm bảo vệ tài xế trong quá trình giao hàng, nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc.

Giao - nhận không chạm

Sợ dịch Covid-19, chị Hoàng Lan (nhân viên văn phòng, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần đây thường đặt hàng online giao tận nơi, từ thức ăn đến thực phẩm, hàng tiêu dùng… Thế nhưng lúc nhận hàng, chị cũng băn khoăn: “Tài xế chạy khắp nơi, tiếp xúc nhiều người, nguy cơ nhiễm dịch cũng rất cao”. Thế là mỗi lần nhận hàng, chị trang bị như ninja: mặc áo trùm kín người, đeo khẩu trang, mắt kiếng, bao tay cho an toàn.

Giờ đây, cụm từ “tiếp xúc” dường như trở thành nỗi e ngại của chị em công sở. Có thể mua hàng mà không chạm, không tiếp xúc với người giao được không? Chị Mai Hương (ngụ chung cư Everrich, Q.11, TP.HCM) mới đây khoe, chị và tài xế hẹn trước địa điểm giao hàng, tài xế đặt hàng đúng vị trí ấy rồi lấy tiền (được đặt dưới hàng), chị Hương chỉ việc đến lấy hàng (sau khi tài xế tự lấy tiền) mà không cần tiếp xúc. 

Việc giao hàng gián tiếp này đang được nhiều doanh nghiệp giao nhận, bán hàng triển khai rộng rãi. Hãng xe công nghệ Grab cho biết, từ ngày 20/3, đơn vị này đã triển khai hình thức giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) dành cho dịch vụ GrabFood, nhằm giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa đối tác tài xế với khách hàng.

Cụ thể, khi đặt món qua GrabFood, khách hàng có thêm tùy chọn điểm giao món là trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân của tòa nhà hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc nhận món và dễ dàng thông báo cho tài xế thông qua cuộc gọi miễn phí hoặc tin nhắn trên ứng dụng GrabChat. Tài xế sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc GrabChat và đứng chờ khách ở khoảng cách 2-3m. Trường hợp địa điểm của khách hàng không có vị trí thuận tiện cho việc nhận món, tài xế sẽ đặt thức ăn trên túi GrabFood và lùi về sau khoảng 2-3m để đảm bảo an toàn theo yêu cầu của khách. 

Hãng này cũng khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử hoặc qua thẻ tín dụng, để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với tài xế. Đối với thanh toán tiền mặt, khách hàng có thể gửi lại phong bì tiền tại điểm bàn giao món ăn. Tất cả tài xế phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi giao nhận đơn hàng.

Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Lazada cũng triển khai dịch vụ nhận hàng tự động qua tủ khóa thông minh. Theo đó, người mua có thể lựa chọn hàng hóa và nhập địa chỉ nhận hàng. Sau khi có thông tin về địa chỉ nhận hàng, Lazada sẽ gợi ý các tủ khóa thông minh iLogic SmartBox gần nhất để người mua lựa chọn.

Khách hàng có thể lựa chọn thanh toán trước qua thẻ ngân hàng hoặc qua ví điện tử. Khi hàng về tủ, nền tảng này sẽ gửi thông báo đến khách hàng qua hai phương thức: gửi tin nhắn đến số điện thoại đã đăng ký, kèm theo mã OTP hoặc gửi mã QR đến địa chỉ email đã đăng ký. Người mua có thể dùng mã OTP hoặc mã QR để mở tủ khóa thông minh và nhận hàng. 

Nhận hàng từ tủ khóa thông minh, khách hàng sẽ không tiếp xúc với người giao hàng
Nhận hàng từ tủ khóa thông minh, khách hàng sẽ không tiếp xúc với người giao hàng

Ngoài tủ khóa thông minh, người dùng có thể nhận hàng tại các điểm lấy hàng (Collection point) là cửa hàng tiện lợi, cửa hàng quần áo, quầy thuốc... Các điểm này đều hiển thị trên bản đồ giúp người dùng dễ dàng lựa chọn nơi lấy hàng gần nhà hoặc nơi làm việc.

Ngay từ đầu tháng 2/2020, AhaMove ra mắt dịch vụ mua hộ phi lợi nhuận (không thu phí chiết khấu của tài xế chạy dịch vụ) như một tiện ích với hy vọng hỗ trợ người dùng trong mùa dịch bệnh. Theo đó, tài xế AhaMove sẽ mua hộ khách hàng một số đồ dùng thiết yếu như nước rửa tay, cồn sát khuẩn. Công ty này cũng yêu cầu nhân viên giao hàng phải đeo khẩu trang và găng tay trong quá trình giao hàng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Mặc dù chưa có thay đổi trong chính sách giao hàng, nhiều hãng xe công nghệ như Be, GoViet cũng đã triển khai nhiều phương thức bảo vệ an toàn cho tài xế và khách hàng trong mùa dịch Covid-19. Chẳng hạn như Be đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt: bắt buộc tài xế đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và vệ sinh phương tiện mỗi ngày. Tài xế không đeo khẩu trang sẽ bị chế tài, cao nhất là khóa tài khoản hoạt động.

Hiện tại, Be tiếp tục tài trợ 100% chi phí làm màng ngăn giữa hai hàng ghế ô tô để hạn chế tiếp xúc và phát tán dịch tiết đường hô hấp, phun khử trùng toàn bộ phương tiện. Đồng thời, tài xế được tặng bộ sản phẩm xịt khử trùng xe và được hướng dẫn cách tự thực hiện tại nhà. Với bộ sản phẩm này, tài xế có thể sử dụng cho khoảng 200 lần sát khuẩn xe. 

Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng vừa triển khai phương thức giao hàng hạn chế tiếp xúc để đảm bảo an toàn. Đơn vị này yêu cầu tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước, sau mỗi lần giao, nhận hàng hóa. Khi trao đổi hàng hóa, giấy tờ, ký nhận với khách hàng, Viettel Post khuyến cáo nhân viên bán hàng đeo găng tay y tế và không được tự ý thực hiện các động tác như cầm, nắm, bắt tay, chạm vào khách hàng.

Khi giao hàng tận nhà, tài xế được yêu cầu đứng xa khách hàng và rửa tay thường xuyên

Trong quá trình trao đổi hàng hóa, nhân viên bán hàng phải đứng cách xa khách hàng 1m; chỉ tiếp cận gần khách hàng khi tiếp nhận bưu phẩm hoặc thực hiện các thao tác nghiệp vụ. Hàng hóa sau tiếp nhận từ khách hàng phải cho vào sọt hàng hóa riêng để cách ly tại bưu cục. Sau mỗi khâu, nhân viên đều phải rửa tay bằng xà phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xu hướng thế giới

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “An toàn cho tài xế và khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của Grab. Giao hàng gián tiếp là một biện pháp thiết thực và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và các tài xế GrabFood trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp". Trước Việt Nam, hình thức giao hàng Contactless Delivery đã được hãng xe công nghệ này triển khai thành công ở Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines. Đây cũng là phương thức được nhiều hãng giao đồ ăn ở Trung Quốc sử dụng trong thời gian vừa qua.

Mô hình “giao hàng không tiếp xúc” đã được các công ty Trung Quốc như Ele.me, Meituan Dianping sử dụng trong mùa dịch Covid-19. Tại đây, người dùng lựa chọn điểm giao hàng, tránh giao tiếp trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng. Coupang, gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc cũng triển khai dịch vụ giao hàng “untact”, trong đó nhân viên đặt hàng trước cửa để giảm tiếp xúc với khách hàng.

Instacart, công ty chuyên giao thực phẩm của Mỹ, cũng vừa ra mắt tính năng mới mang tên “Leave at My Door Delivery” (giao hàng tại cửa). Khi lựa chọn hình thức này, gói hàng sẽ được đặt ở cửa nhà khách hàng trong thời gian hẹn trước thay vì nhận trực tiếp. Instacart cho biết đã thử nghiệm tính năng này trong vài tháng gần đây và quyết định triển khai cho toàn bộ khách hàng vì nhu cầu gia tăng.

Start-up giao đồ ăn theo yêu cầu Postmates cũng giới thiệu dịch vụ tương tự. Dịch vụ giao hàng thực phẩm FreshDirect thông báo trên website về việc “nhân viên giao hàng sẽ mang đơn hàng tới tận cửa nhưng không vào nhà trong thời điểm này”.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khẳng định hiện chưa có bằng chứng cho thấy dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan thông qua việc giao nhận hàng hóa. “Từ kinh nghiệm của chúng tôi với các chủng khác của vi-rút corona, chúng tôi biết rằng loại vi-rút này không thể tồn tại lâu trên một số đồ vật, ví dụ như thư từ hay kiện hàng” - WHO khẳng định. 

Thiên Thiên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI