Nở rộ dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến

15/12/2023 - 12:56

PNO - Do đáp ứng nhanh, phục vụ 24/24, đón đúng nơi, trả đúng chỗ, giá rẻ, nên dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến ngày càng nở rộ và đang là sự lựa chọn của nhiều người. Thế nhưng, loại hình vận tải này là vi phạm quy định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hoạt động công khai 

Chỉ cần lên mạng, mất vài giây thao tác với từ khóa “tìm xe ghép, tiện chuyến” kèm theo địa điểm muốn đến, sẽ thấy hàng loạt hội nhóm xuất hiện với lượng thành viên lên đến vài chục ngàn người, cùng với đó là những quảng cáo mời chào. Loại hình dịch vụ này đang hoạt động công khai. 

Hiện nay, rất dễ dàng để đặt xe ghép, xe tiện chuyến qua mạng xã hội
Hiện nay, rất dễ dàng để đặt xe ghép, xe tiện chuyến qua mạng xã hội

Trong vai khách hàng muốn đặt xe, chúng tôi vào nhóm “Hội tìm xe khách, xe ghép - đi chung” có hơn 50.000 thành viên, nơi cung cấp dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đi từ các tỉnh miền Tây về TPHCM và ngược lại, với đa dạng các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ, 9 chỗ, 16 chỗ. Chủ tài khoản có tên B.M. đăng bài: “Xe 7 chỗ như hình, cần tìm khách tiện chuyến hoặc ghép đi các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Phục vụ 24/7, tận tình, chu đáo, lịch sự, cẩn thận, bằng lái hơn 10 năm. Đưa đón tận nơi, giá cả hợp lý, bao rẻ và uy tín hàng đầu. Liên hệ 0866.930.xxx.”. Trong vai hành khách, chúng tôi gọi điện hỏi giá chuyến đi từ TPHCM về Vĩnh Long. Tài xế hỏi điểm đón, nơi đến và báo giá 200.000 đồng đối với xe 9 chỗ. 

Là khách hàng lâu năm của loại dịch vụ xe ghép, anh Nguyễn Vũ Xuân chia sẻ: “Chỉ cần lên mạng là dễ dàng tìm được một chuyến xe vừa ý. Các bác tài luôn cập nhật thông tin dịch vụ xe ghép mỗi ngày, từ giá cả, khung giờ xuất phát cho đến số điện thoại đặt chuyến. Chỉ cần vài phút thao tác đã có thể đặt được vé về quê, rất tiện lợi. Trước đây, nếu đi xe khách từ TPHCM về Huế tôi phải mua vé giá 500.000 đồng. Còn phải bắt xe ôm từ nhà trọ ra bến xe Miền Đông tốn thêm 100.000 đồng. Nhưng khi đi dịch vụ xe ghép, tôi được đón và trả đúng nơi theo yêu cầu, đỡ mất một khoản tiền”.

Trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), xe ghép, xe tiện chuyến hoạt động công khai. Đối diện cổng một bệnh viện, cứ cách vài phút lại có một chiếc 4 chỗ hoặc 7 chỗ dừng lại để đón hoặc trả khách rồi rời đi. Những xe này đều không có phù hiệu hay biển hiệu kinh doanh theo quy định, đa số chỉ dán số điện thoại để khách hàng liên hệ. 

15 giờ, tan ca, chị Nguyễn Thu Nga (quận 10) nhanh chóng về nhà sửa soạn đồ đạc rồi ra xe về quê. “Đợt này, nhà xe tôi thường đi tạm dừng hoạt động, tôi được anh trai giới thiệu đi xe ghép 7 chỗ. Từ TPHCM về Cần Thơ rồi trở lại TPHCM giá chỉ 400.000 đồng. Đi xe này tiện hơn. Từ phòng trọ ra điểm đón chỉ mất vài phút. Xe cũng không ghé trạm dừng chân nên tiết kiệm được thời gian” - chị Thu Nga cho biết. 

Tài xế Trần Thanh Long (quận 3, TPHCM) đã hơn 5 năm ngồi sau tay lái cho biết, lúc trước anh lái xe chở hàng. Nhưng việc ít, thấy không cầm cự được lâu nên anh bán xe tải để mua xe 7 chỗ và được người quen hướng dẫn sang chạy xe ghép. Mỗi ngày, anh sắp xếp xe chạy vào các giờ cố định rồi cập nhật thời gian, tuyến đường lên các hội, nhóm. “Từ lúc chuyển sang hình thức kinh doanh này, thu nhập ổn định hơn nhờ có lượng khách hàng đều đặn” - anh Long cho biết. 

Cần sớm đưa vào khuôn khổ pháp luật

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: dịch vụ đi xe ghép, xe đi chung đã xuất hiện khá lâu. Nếu không xử lý, dịch vụ này hoàn toàn có thể trở thành vấn nạn của ngành giao thông vận tải. Hiện nay, vì tính tiện lợi “đưa đón tận nơi”, giá rẻ hơn so với taxi truyền thống và taxi công nghệ, nên dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đang là sự lựa chọn của một bộ phận người dân. Nhưng bên cạnh sự tiện lợi, đây vẫn là loại hình dịch vụ “chui” gây thất thu thuế cho Nhà nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một chiếc xe ghép đón khách tại đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM và nhanh chóng di chuyển
Một chiếc xe ghép đón khách tại đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM và nhanh chóng di chuyển

Luật sư Hùng thông tin, việc sử dụng ô tô để vận chuyển hành khách, hàng hóa nhằm sinh lợi thuộc phạm vi của xe kinh doanh, bất kể tần suất hoạt động ít hay nhiều đều nằm trong phạm vi phải đăng ký kinh doanh. Hình thức “xe đi chung”, “xe kết hợp” như đã nêu là hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng lại không có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật là vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, khoản 7, điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-24 triệu đồng đối với tổ chức. 

Luật sư Trần Minh Hùng kiến nghị, để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, việc sớm đưa loại hình dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến vào khuôn khổ pháp luật là điều cần thiết. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có sự tỉnh táo, công tâm hơn khi sử dụng các loại hình dịch vụ vận tải. 

“Người dân nên lựa chọn các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải uy tín, được đăng ký kinh doanh đầy đủ vì sự an toàn tính mạng của bản thân” - luật sư Trần Minh Hùng lưu ý. 

Diệu Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI