Nắm bắt nhu cầu cần tiền mặt của khách hàng, nhiều nơi mở ra các dịch vụ rút tiền thông qua hình thức mua hàng “khống”, đáo hạn thẻ tín dụng. Đây là những giao dịch không hợp lệ, vi phạm pháp luật, nhưng các ngân hàng đang làm ngơ.
Dịch vụ nở rộ như nấm sau mưa
Thông qua hình thức mua hàng “khống”, khách chỉ mất phí 1,2-1,8%/số tiền rút, có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày. Chính vì vậy, số người tìm đến dịch vụ này hiện rất đông và các điểm giao dịch cũng đang nở rộ như nấm sau mưa.
Nếu như trước đây, các giao dịch còn hoạt động kín đáo, bí mật thì nay được quảng cáo rầm rộ, công khai. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ăn uống đều có dịch vụ này.
Ngày 15/5, tại cửa hàng T.H. ở hẻm 46 Nguyễn Công Hoan, P.7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, chúng tôi thấy có hai khách đang ngồi đợi đến lượt rút tiền. Mặc dù đây là một cửa hàng chuyên kinh doanh các loại nhiên liệu như dầu mỡ, dầu đốt nóng, dầu hỏa, than đá, than cốc nhưng khách đến đây không hề mua sản phẩm mà chủ yếu để rút tiền.
|
Cửa hàng T.P. (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) bên ngoài kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng bên trong có dịch vụ nhận rút tiền từ thẻ tín dụng. |
Tại đây, trong vai khách hàng cần rút 5 triệu đồng từ thẻ tín dụng, chúng tôi được nhân viên cửa hàng kiểm tra thông tin thẻ và tư vấn: “Muốn rút tiền mặt, chị phải mua sản phẩm có giá trị tương ứng, mức phí là 1,8%; nếu là thẻ tín dụng nước ngoài, mức phí là 2,2%”. Nhân viên này liền đem thẻ quẹt qua máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) rồi cho đưa chúng tôi một hóa đơn tạm tính có ghi ba thùng nhiên liệu trị giá 5 triệu đồng và số tiền 4.910.000 đồng (đã trừ phí 90.000 đồng).
Theo nhân viên trên, cửa hàng liên kết với rất nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam như Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB Bank, HSBC, Citibank, Standard Chartered, Shinhan Bank và có thể rút được 100% hạn mức tín dụng.
“Cứ 10 người sử dụng thẻ tín dụng thì đã có bảy, tám người rút tiền thông qua các dịch vụ này, có người rút 100 - 200 triệu đồng/ngày” - nhân viên tại đây nói.
Quán cà phê ở số 58 Nguyễn Trường Tộ, Q.4, TP.HCM cũng có dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng. Từ sáng đến 17g, quán này không bán cà phê mà chỉ phục vụ khách đến rút tiền, sau 17g mới bán cà phê. Hiện mức phí rút tiền ở đây khá rẻ, chỉ 1,2%.
Thậm chí, tại một số trung tâm thương mại lớn, phòng công chứng cũng có dịch vụ rút tiền từ thẻ. Trang tingbank.vn cung cấp hàng loạt địa chỉ có dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng như Parkson Hùng Vương (Q.5), điện máy Thiên Hòa (Q.10), Viễn Thông A (Q.11), Văn phòng công chứng Tân Phú (Q.Tân Phú). Hiện tingbank.vn còn cho nhân viên đến phục vụ tận nhà để đáp ứng yêu cầu của khách.
Ngoài rút tiền, các điểm trên đều có dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, tức là khách sẽ được phía dịch vụ cung ứng tiền để trả nợ cho ngân hàng khi tới hạn trả nợ thẻ tín dụng. Hiện mức phí đáo hạn khoảng 2%, tùy nơi.
Khách sẽ phải để lại thẻ tín dụng cho bên dịch vụ như một “tín vật”, khi hạn mức thẻ tín dụng được nạp đầy, họ sẽ rút tiền từ thẻ này, coi như bên dịch vụ sẽ nhận lại tiền cho khách vay từ trước, sau đó họ sẽ trả lại thẻ cho khách.
Theo thông tin từ các điểm trên, hiện số lượng khách có nhu cầu nhờ rút tiền và đáo hạn thẻ tín dụng rất cao. Có nơi, mỗi ngày nhận rút tiền, đáo hạn cho khoảng 20-30 lượt khách.
Quả bom nổ chậm
Theo giám đốc một ngân hàng thương mại, các ngân hàng đều biết thực trạng trên nhưng đành bất lực, không dẹp được do các điểm chấp nhận thanh toán vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, hóa đơn, doanh số bán hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cả chủ thẻ và người quẹt thẻ không được phép rút tiền mặt trong thanh toán hàng hóa bằng thẻ tín dụng. Khi thực hiện hành vi này, cả chủ thẻ và người quẹt thẻ đã vi phạm pháp luật.
Ðây là hành vi giao dịch khống, bị cấm vì có nguy cơ phát sinh rủi ro, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam.
Đã nhiều lần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống, song thực tế, tình trạng này không giảm mà ngày càng bùng phát và công khai.
|
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính ngân hàng - lý do nằm ở chỗ, các ngân hàng không quyết liệt dẹp bỏ. Các ngân hàng đều có nghiệp vụ chọn lọc, giám sát, quy định để đảm bảo an toàn tín dụng, nhưng đã không áp dụng để quản lý thực trạng này.
Hầu hết, những nơi nảy sinh dịch vụ rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng “chui” này đều là những cửa hàng kinh doanh cá thể. Họ được hưởng thuế khoán, dù có bán nhiều cũng chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức đó, nên đã tự do “đẻ” ra nhiều hóa đơn bán hàng, thực chất là rút tiền cũng không sợ nộp thêm thuế.
Nhưng tại sao các ngân hàng không đặt ra câu hỏi “tối đa một bữa ăn, một món hàng tại các điểm kinh doanh này là bao nhiêu”? Không có chuyện một khách hàng nào đó ăn uống, mua sản phẩm nhỏ lẻ lại thanh toán lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/lần.
Đây là một dịch vụ biến tướng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về lâu dài. Có thể ban đầu, các ngân hàng sẽ được lợi ích như cung cấp được máy POS, thu phí quẹt thẻ từ điểm chấp nhận thanh toán, được doanh thu từ việc phát hành thẻ…
Nhưng đây chỉ là lợi ích trước mắt. Nếu ngân hàng không quyết liệt, sợ mất khách, sẽ dẫn đến hàng loạt đổ vỡ vì người nợ thẻ tín dụng không trả nợ được, ngân hàng vướng nợ xấu.
Do các điểm dịch vụ có thể sẽ giữ lại thẻ tín dụng (trường hợp đáo hạn thẻ) hoặc giữ lại chứng minh nhân dân qua đêm để hoàn tất thanh toán nên thẻ tín dụng có nguy cơ bị sao chép thông tin cá nhân, làm thẻ giả để rút tiền, gây thiệt hại cho chủ thẻ và khách hàng.
Để hạn chế tình trạng này, các ngân hàng nên cân nhắc đến việc hạ phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Nhưng quan trọng là, người tiêu dùng phải chủ động điều chỉnh hành vi tiêu dùng của mình, nói không với dịch vụ “chui” để không bị kẻ gian lợi dụng hoặc rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Thanh Hoa