Nở rộ dịch vụ người giúp việc "ngoại" lương hơn 1000 USD/tháng

29/09/2015 - 15:18

PNO - Theo khảo sát, người nước ngoài sang Việt Nam làm giúp việc với mức lương 18 - 25 triệu đồng.

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng (Hà Nội) cho biết, mặc dù thị trường lao động ASEAN chưa chính thức hội nhập, nhưng hiện tại các khu đô thị cao cấp như Ciputra (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TP. HCM) đã có những gia đình tuyển người Philippines làm giúp việc gia đình với mức lương từ 18 - 25 triệu đồng.

No ro dich vu nguoi giup viec 

Cụ thể, người giúp việc Philippines được tuyển chủ yếu vì am hiểu các thiết bị điện tử trong gia đình cùng với các kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp. Ngoài nội trợ, dọn dẹp, chăm trẻ hoặc người già, giặt giũ và là quần áo..., họ còn có thể làm một số công việc mới như chăm sóc cây cảnh, chăm sóc vật nuôi tốt.

Ngoài ra, người Philippines sử dụng hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và Filipino. Do vậy, các gia đình Việt (hoặc nước ngoài) có điều kiện thường thuê người Philippines bản địa làm công việc nhà cửa kết hợp với dạy tiếng Anh cho con cái của ông bà chủ.

Trong khi đó, người Việt Nam làm giúp việc gia đình chỉ có mức lương dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng ngay tại quê hương. Đối với thị trường nước ngoài, khảo sát một số công ty Xuất khẩu lao động chuyên cung ứng người lao động Việt có nhu cầu sang Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) làm giúp việc cho thấy: Các lao động Việt được trả với mức lương từ 3000 - 3600 MOP/tháng (tương đương từ 8 - 9 triệu đồng/tháng).

Giúp việc gia đình được đánh giá là công việc đàng hoàng, đem lại sinh kế cho người phụ nữ. Về pháp luật, nghề giúp việc gia đình đã được Luật Lao động năm 2012 quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các nghị định và thông tư quy định khá chi tiết về nghề này.

Theo nhiều chuyên gia, nếu được đào tạo với đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp và có vốn ngoại ngữ nhất định, với sự cần cù, chịu khó, các lao động tại Việt Nam hoàn toàn có thể kiếm được mức thu nhập 'khủng', thậm chí ngay tại quê hương.

Trên thực tế, vấn đề đào tạo kỹ năng cũng như nâng cao vốn ngoại ngữ cho lao động Việt Nam đã được đề cập tới rất nhiều, đặc biệt, trước thách thức của việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Theo nhiều nhận định, nếu không kịp thời đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật, ngoại ngữ cho người lao động thì không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, mà thậm chí cả doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam cũng có khả năng phải thuê lao động nước ngoài làm việc, đặc biệt là lao động Philippines. Bởi lẽ, ngoài kỹ năng, kỹ xảo, tay nghề, kỷ luật làm việc, lao động Philippines “ăn đứt” lao động Việt Nam về trình độ tiếng Anh.

Hạ Chi  (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI