Đủ kiểu hỗ trợ gian lận
Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa nhắc nhở sinh viên tuân thủ quy định của trường về việc tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến. Bởi trong học kỳ II, trường đã phát hiện và xử lý kỷ luật khá nhiều sinh viên vi phạm quy định thi gồm: hai trường hợp cảnh cáo, hai trường hợp khiển trách và 78 trường hợp bị đình chỉ thi.
Đáng nói, các sinh viên bị đình chỉ thi là do bị phát hiện vi phạm một trong bốn lỗi, phát hiện thông qua camera và micro: sử dụng tài liệu, nhờ người thi hộ, nhờ người hỗ trợ làm bài thi, làm bài theo nhóm hoặc trao đổi bài. Những trường hợp này, sinh viên đều bị 0 điểm. Còn các sinh viên bị khiển trách do vi phạm lỗi không mở camera và micro khi cán bộ coi thi yêu cầu đến lần thứ hai, bị trừ 25% số điểm bài thi. Những sinh viên để cán bộ coi thi yêu cầu đến lần thứ ba bị kỷ luật cảnh cáo và trừ 50% số điểm bài thi.
|
Các trường đại học đều khẳng định có biện pháp để phát hiện sinh viên gian lận trong khi thi trực tuyến (trong ảnh: Cán bộ Đại học Kinh tế - Luật TPHCM giám sát thi trực tuyến) |
Do dịch bệnh trường học không thể mở cửa nhưng thời gian hoàn thành học phần, tốt nghiệp của sinh viên không thể cứ mãi trì hoãn. Nhiều trường ĐH tại TPHCM tổ chức thi học kỳ, kết thúc học phần, thậm chí đến thi tốt nghiệp, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cũng theo hình thức trực tuyến. Từ đó, không ít sinh viên phát sinh nhu cầu “hỗ trợ” để vượt qua kỳ thi, từ cần người thi hộ, giúp làm tiểu luận… Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của những sinh viên này, nhiều dịch vụ hỗ trợ gian lận thi cử mở ra nhan nhản, từ hỗ trợ làm bài kiểm tra đến làm tiểu luận, thi học phần, luận văn tốt nghiệp… được chào mời công khai trên các trang mạng xã hội.
Một hội nhóm có tên “Giúp đỡ làm tiểu luận, báo cáo, chuyên đề, luận văn” thu hút đến gần 37.000 thành viên. Tại đây, hoạt động trao đổi, giao dịch diễn ra hết sức sôi nổi. Rất nhiều sinh viên vào đây công khai tìm người hỗ trợ thi, có sinh viên cần “hỗ trợ” đến bốn môn học cho một kỳ thi. Các “nhà cung cấp” lập tức nhảy vào các bài đăng này để tiếp thị với khách hàng. Chỉ cần cách giờ thi vài giờ đồng hồ, một số sinh viên lên đây tìm người thi hộ liền lập tức có người nhận ngay.
Nhiều nhóm thi hộ chẳng ngại công khai quảng cáo nhận làm bài tập thuê cho sinh viên mà không cần… đặt cọc trước, thỏa thuận giá cả công khai, trực tiếp trên Facebook. Theo các nhà đào tạo, đây là hoạt động hết sức quan ngại và đáng báo động bởi “người bán” dịch vụ gian lận thi cử chẳng ngại sai trái, nguy hại hơn nữa là “người mua” dịch vụ - những sinh viên cần tích lũy kiến thức - lại có thể công khai sử dụng trò gian lận.
Ngăn chặn được không?
Đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, mặc dù học online nhưng nhà trường vẫn thực hiện kiểm tra đánh giá cuối học phần rất nghiêm túc với những quy định cụ thể về xử lý vi phạm đối với thi tự luận và trắc nghiệm trực tuyến.
|
Thông tin đặt hàng dịch vụ “hỗ trợ thi” của các sinh viên lười học trên mạng xã hội |
Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nha Trang - cho hay, vấn đề thi hộ, nhờ người thi hộ đã được quan tâm ngay khi trường bắt đầu thực hiện đánh giá trực tuyến. Trường yêu cầu dù thi bằng hình thức nào thì giảng viên đều lưu trữ (ghi hình video, bài làm, tiểu luận…) trên hệ thống e-learning để hậu kiểm. Mặt khác, trường khuyến khích giảng viên tổ chức thi vấn đáp trực tuyến, yêu cầu từng sinh viên truy cập vào ứng dụng theo thời gian thiết lập sẵn, bật camera, kiểm tra thẻ sinh viên, ghi video toàn thời gian sinh viên trả lời câu hỏi thi. Trường giao quyền chủ động cho giảng viên bố trí thời gian, thực hiện cho đến khi hết sinh viên trong lớp để hạn chế tối đa việc thi hộ.
Đối với bài thi tự luận trên giấy, sinh viên ĐH Nha Trang phải chụp bài thi và đưa lên hệ thống e-learning. Trường chỉ cho đúng sinh viên truy cập vào hệ thống, đúng thời gian để biết đề thi thông qua user và mật khẩu riêng của mỗi sinh viên. Trường yêu cầu sinh viên phải có hai thiết bị camera để giảng viên giám sát sinh viên làm bài và khu vực sinh viên ngồi làm bài, ghi video toàn bộ thời gian thi. Đặc biệt, giảng viên phải vấn đáp xác thực khoảng 15% sinh viên, lưu ý đến các nhóm sinh viên có yếu tố bất thường mà giảng viên nhận thấy trong quá trình giám sát và chấm thi. Đối với các hình thức khác như cho sinh viên làm tiểu luận nộp trên e-learning thì sau đó giảng viên sẽ chấm và thi vấn đáp để xem có đúng do sinh viên làm hay không…
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết: Nếu chỉ tổ chức một phương thức đánh giá thì rất dễ xảy ra gian lận nên phải có kế hoạch thi kết hợp nhiều cách thức với nhau. Tùy theo đặc thù môn học, trường điều chỉnh cách thi và đề thi. Các môn thi trắc nghiệm, sinh viên làm bài trên hệ thống LMS luôn được giám sát bằng camera và mỗi câu trắc nghiệm chỉ xuất hiện ba phút để làm, không dừng lại quá lâu để có thể gian lận. \
“Đối với những môn dễ gian lận, trường áp dụng nhiều hình thức đánh giá kết hợp với vấn đáp. Những môn thi đề mở hoặc làm tiểu luận sẽ kết hợp thêm nội dung vấn đáp trực tiếp để đánh giá thực chất người học. Có những môn dù thi theo hình thức tự luận hoặc nộp tiểu luận, nhưng vẫn dành khoảng từ 5 - 7 phút để giảng viên vấn đáp trực tiếp sinh viên. Vì vậy, dù sinh viên có nhờ người làm hộ thì giảng viên vẫn có thể phát hiện mức độ hiểu bài, làm bài thực chất của người học”, tiến sĩ Nhân cho hay.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - khẳng định các trường luôn có cách để giám sát. Như tại trường này, giám khảo giám sát suốt thời gian thi, sinh viên buộc phải có mặt suốt giờ thi thì mới được chứng nhận bài làm. Tương tự như thi trực tiếp, sau khi thi xong, giám khảo 1 sẽ thu bài thi và giám khảo 2 sẽ giám sát sinh viên, nếu bất cứ sinh viên nào gian lận thì sẽ bị đình chỉ. Sau khi thi xong, giảng viên chấm thi thấy có dấu hiệu bất thường thì sẽ đem bài đó ra chấm hội đồng để thẩm định lại. Vì thế, sinh viên nếu có ý định gian lận thì chỉ có chuốc thiệt thòi.
Minh Anh