Nở rộ dịch vụ đưa người say về nhà

16/07/2019 - 09:00

PNO - Nắm bắt được nhu cầu “cần về nhà khi đã say xỉn”, các dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu phát triển mạnh tại TP.HCM.

Quá chén thì mở app, nhờ người chở về

22g ngày 13/7, sau cuộc nhậu với khách hàng ở đường Tên Lửa, Q.Bình Tân, TP.HCM, ông Nguyễn Minh Khang mở điện thoại truy cập ứng dụng (app) đưa người say về nhà. Khoảng 15 phút sau cú click chuột của ông Khang, một thanh niên xuất hiện, đưa ông Khang cùng chiếc ô tô 4 chỗ về tận nhà. Đổi lại, ông Khang phải trả 330.000 đồng cho quãng đường gần 10km. 

So với taxi, ứng dụng đưa người say rượu về nhà có giá dịch vụ cao hơn. Tuy nhiên, khách hàng sẽ được đưa cả người và xe về nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, ứng dụng trên đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ các “bợm nhậu”. Đặc biệt, trong thời điểm công an tăng cường xử phạt người lái xe vi phạm nồng độ cồn và tiến tới cấm tuyệt đối tài xế uống rượu bia, ứng dụng trên càng có cơ hội để tăng lượng khách hàng. Khách hàng có thể cài app ngay trên điện thoại và sử dụng như ứng dụng gọi xe ôm, taxi “công nghệ”.

Ông Nguyễn Minh Khang nhận xét: “Nếu tự điều khiển xe về nhà khi đã say xỉn, sẽ bị xử phạt đến 17 triệu đồng và sắp tới sẽ là 40 triệu đồng; hơn nữa, còn có thể gây tai nạn. Do đó, mức phí trả cho dịch vụ đưa về nhà so ra quá rẻ”.

No ro dich vu dua nguoi say ve nha
Cảnh sát giao thông chốt chặn kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Minh Thanh

Gần đây, nhiều nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM cũng tổ chức đưa người say về nhà theo yêu cầu, như là một hình thức khuyến mãi cho khách hàng. Ông Đinh Thành - chủ một quán ăn ở Q.Bình Tân - cho biết, trước những quy định mới cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, người kinh doanh phải tìm cách đón đầu để không bị sụt giảm doanh thu.

“Thay vì để khách nhậu xong tự lái xe về, chúng tôi cho khách gửi xe miễn phí để họ đón taxi về, như vậy sẽ an toàn cho khách. Nhiều chủ quán cũng đã nghĩ tới việc đưa khách về tận nhà nhưng chỉ có những nhà hàng quy mô lớn làm được vì chi phí cho đội ngũ nhân viên làm dịch vụ này khá tốn kém” - ông Thành nói.

Khi xuất hiện dịch vụ đưa người say về nhà, có nhiều ý kiến cho rằng, ý tưởng trên sẽ tạo hiệu ứng không tốt là khuyến khích người khác nhậu nhiều hơn. Nhưng theo ông Thành, trong bối cảnh có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc do người say gây ra thì giải pháp trên sẽ phần nào hạn chế được nguy cơ người uống rượu, bia gây tai nạn giao thông.

Rất nhiều người say vẫn lái xe  

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ở TP.HCM đã thực hiện nhiều đợt ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông. Để nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý, lực lượng CSGT đã mật phục ngay sát quán nhậu để xử lý “ma men”.

No ro dich vu dua nguoi say ve nha
Dịch vụ đưa người say về nhà được kỳ vọng sẽ giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do bia, rượu

Theo đó, hai CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về, sẽ báo qua bộ đàm để lực lượng CSGT tuần tra công khai (đứng cách đó khoảng 100-300m) yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. 

Theo số liệu của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC 08), Công an TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm 2019, CSGT TP.HCM đã lập biên bản xử phạt 144.834 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 48 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý 6.828 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 

Đánh giá về mô hình đưa người say về nhà, một cán bộ Đội CSGT Bàn Cờ (thuộc PC 08 Công an TP.HCM) nói: “Dưới góc độ an toàn giao thông, mô hình trên sẽ giảm thiểu các vụ tai nạn do người say rượu gây ra. Nếu mô hình này được ứng dụng, đã không có những vụ tai nạn đáng tiếc như vụ phụ nữ say rượu lái xe BMW tông nhiều người ở ngã tư Hàng Xanh”.

Tuy nhiên, vị cán bộ CSGT này cũng cảnh báo về những phiền toái đến từ các bợm nhậu. Bởi lẽ, ngay cả lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng thường xuyên bị những người này chống đối, lăng mạ nên các tài xế sẽ khó bề thuyết phục bợm nhậu ngồi im trên xe để mình đưa về. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI