Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không được cho vay đảo nợ, tức là không cho vay khoản mới để trả nợ khoản vay cũ tại chính ngân hàng đó hoặc tại ngân hàng khác.
Tuy nhiên, hiện nhiều nhân viên tín dụng đang tìm cách mua lại khoản nợ của người vay từ ngân hàng khác để chạy đua doanh số cuối năm, tăng dư nợ cho vay. Theo các chuyên gia, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay lẫn các ngân hàng.
|
Các dịch vụ đảo nợ ngân hàng đua nhau lôi kéo khách |
Đủ hình thức đảo nợ
Hiện có rất nhiều hình thức đảo nợ. Thường gặp nhất là đảo nợ trong cùng một ngân hàng (NH). Hai năm trước, ông Trần Văn Vinh - chủ cơ sở kinh doanh hạt nhựa tại đường Lò Gốm, Q.6, TP.HCM - vay của NH A. 1 tỷ đồng để mua máy móc và nguyên vật liệu đầu vào. Theo hợp đồng, thời hạn vay là 12 tháng (từ ngày 20/12/2017 đến 20/12/2018).
Tuy nhiên, do làm ăn không thuận lợi, ông Vinh mất khả năng chi trả. Mới đây, ông Vinh được một nhân viên tín dụng tư vấn có thể đảo nợ bằng cách vay tiền từ dịch vụ bên ngoài đem đáo hạn tại NH, sau đó tái vay. Theo ông Vinh, lãi suất chỗ vay tiền từ dịch vụ bên ngoài được tính bằng ngày, nếu vay 1 tỷ đồng thì mỗi ngày phải trả lãi là 3 triệu đồng.
Tùy vào thời gian hồ sơ đáo hạn hoàn thành mà tính tiền lãi (thời gian từ 3 - 10 ngày). Ngay sau khi có 1 tỷ đồng, ông Vinh đem số tiền này trả nợ NH, sau đó làm hồ sơ xin tái vay để tiếp tục kinh doanh.
Một hình thức đảo nợ khác là chuyển khoản vay từ NH này sang NH khác có lãi suất thấp hơn. Hiện hình thức này được khá đông người vay áp dụng. Không chỉ người vay chủ động đảo nợ mà ngay cả nhân viên tín dụng cũng tìm cách thuyết phục người vay đảo nợ để bản thân đủ chỉ tiêu được giao, NH biết chuyện cũng làm ngơ vì được tăng dư nợ cho vay.
Chị Nguyễn Thị Bích - ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM - vay tại NH E. 600 triệu đồng, lãi suất 12%/năm. Nghe nhân viên tín dụng khuyên nên chuyển sang vay tại NH P. để hưởng lãi suất chỉ 7,5%/năm, thấy giảm lãi được 2 triệu đồng/tháng, chị liền đồng ý.
Nhân viên NH này giới thiệu cho chị Bích một điểm cho vay tại Q.1 để viết giấy vay nợ 600 triệu đồng, lãi suất 2 triệu đồng/ngày, với điều kiện là chị Bích phải giao bản phô-tô gốc về tài sản mà chị đã thế chấp tại NH E. Đồng thời, nhân viên này cũng mở hồ sơ vay cho chị Bích tại NH P. với tài sản thế chấp là tài sản mà chị Bích đã thế chấp tại NH E.
“Ngay sau khi vay được 600 triệu đồng bên ngoài, chúng tôi cùng người cho vay và nhân viên NH P. đến giải ngân tại NH E. để lấy lại tài sản. Sau đó, tôi đem giấy tờ tài sản này tiếp tục công chứng để đem thế chấp vay tại NH P. Khi NH P. đồng ý hồ sơ và giải ngân, tôi đem số tiền này trả lại điểm cho vay bên ngoài và lấy lại bản giấy tờ nhà phô-tô. Thời hạn hoàn thành tất cả hồ sơ là 3 ngày” - chị Bích cho hay.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Để bảo đảm doanh số cho vay, các NH cũng làm ngơ để nhân viên tín dụng lôi kéo khách hàng của NH khác về vay vốn tại NH mình với lãi suất thấp hơn 1 - 2%. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính NH - việc đảo nợ sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp đang làm ăn không hiệu quả, mất khả năng chi trả nợ nhưng NH vẫn nhắm mắt cho tái vay thì có thể dẫn đến nợ xấu. Sẽ rất nguy hiểm nếu đây chỉ là phương thức làm đẹp hồ sơ, nhằm che giấu tình trạng nợ xấu. Càng để lâu, khoản nợ xấu bị vỡ và gây thiệt hại cho NH.
Riêng về phía khách hàng, phương pháp đảo nợ này cũng chứa nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về lãi suất: ngay cả nhân viên NH cũng không rõ thời hạn chuyển hồ sơ vay từ NH cũ sang NH mới là bao lâu; nếu gặp trục trặc như không công chứng được, hồ sơ vay mới bị NH làm khó, quy trình vay sẽ kéo dài 5 - 10 ngày.
Nếu chứng từ liên quan đến thu nhập, sổ sách ghi chép, báo cáo tài chính, hóa đơn đầu vào, đầu ra không rõ ràng… thì phía NH thường xét duyệt hồ sơ vay rất chậm, thậm chí không cho vay. Thời gian kéo dài càng lâu thì chính khách hàng là người chịu thiệt vì tiền lãi tại các điểm dịch vụ đảo nợ thường rất cao.
Rủi ro thứ hai là người vay có thể mất tài sản nếu thiếu kiến thức về pháp luật, bởi hiện có tình trạng dụ dỗ người vay lập hợp đồng ủy quyền cho người khác đứng vay để đảo nợ NH. Ông Hiếu kể, vào năm 2016, anh N.T.K. - ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM - có vay tại NH V. 2 tỷ đồng nhưng do làm ăn thua lỗ, không thanh toán đúng hạn nên anh K. rơi vào danh sách nợ xấu.
Trong lúc túng quẫn, anh K. nghe theo tư vấn của nhân viên tín dụng là có thể nhờ bạn bè, người thân đến phòng công chứng làm giấy ủy quyền thay anh K. thế chấp ngôi nhà ở Q.Bình Tân để vay vốn, lấy số tiền đó đem trả nợ NH V.
Anh K. đã nhờ người thân là bà L.K.C. (cùng ngụ tại Q.Bình Tân) đứng tên. Sau khi có giấy ủy quyền cùng sổ đỏ, bà C. đem vay số tiền 2 tỷ đồng tại NH A. giúp anh K. Hằng tháng, anh K. đưa tiền lãi cùng một phần tiền gốc để bà C. thanh toán cho NH.
Thế nhưng, đến thời điểm tất toán, anh K. mới biết, bà C. đã lén đứng ra vay bổ sung 1 tỷ đồng nữa, đồng thời đã chiếm dụng số tiền anh K. nhờ bà C. trả NH hằng tháng. Hiện NH đang làm thủ tục bán phát mãi ngôi nhà của anh K. để thu hồi nợ.
Thanh Hoa