Nở rộ buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả dịp cuối năm

04/12/2024 - 17:46

PNO - Theo Bộ Công Thương, cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao, đây cũng là thời điểm vi phạm kinh doanh hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp nhất.

Vào ngày lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động. Do vậy, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được tuồn ra thị trường tiêu thụ nội địa, chủ yếu là hàng thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Lực lượng
Lực lượng QLTT phát hiện 2.000 chai bia nhãn hiệu Heineken không có hóa đơn chứng từ hợp pháp - Ảnh: Tổng cục QLTT

Trong tháng 11/2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở nhiều địa phương đã phát hiện các vụ vi phạm về hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Tại Quảng Trị, ngày 23/11/2024, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Quảng Trị) khám ô tô tải BKS 74C-03x.xx và 74C -13xxx, đã phát hiện và tạm giữ tổng cộng 15 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất (trị giá khoảng 270 triệu đồng). Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Cũng tại Quảng Trị, ngày 27/11/2024, sau khi áp dụng biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh nội dung tin báo về đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Đội CSGT đường bộ tỉnh Quảng Trị dừng và khám xe ô tô tải BKS 74B-0017xx do ông N.Đ.T điều khiển, phát hiện 2.000 chai bia nhãn hiệu Heineken, đóng gói tại Pháp, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Ngày 20/11, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra lưu thông, phát hiện phương tiện vận tải BKS 49H-xx.xxx đang vận chuyển 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ.

Ngày 3/12, Cục nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh đồ uống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, đã phát hiện 3.000 lon nước uống tăng lực mang các dấu hiệu xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu được bảo hộ của Tập đoàn TCP (Thái Lan).

Kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện trên sản phẩm vi phạm thể hiện thông tin sản phẩm được sản xuất tại một cơ sở ở TX Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Lần theo thông tin trên địa chỉ, đoàn kiểm tra tiếp tục phối hợp với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh và các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra chi nhánh Công ty cổ phần chế biến thực phẩm và nước giải khát V.M, phát hiện 2.100 thùng nước tăng lực (tương đương 50.400 lon sản phẩm) nhãn hiệu RedBlue cùng gần 114.000 vỏ lon nước uống tăng lực RedBlue, trên 37.000 vỏ lon nước uống tăng lực mang nhãn hiệu RedBest chưa qua sử dụng. Toàn bộ số hàng hóa này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Theo Tổng cục QLTT, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, nhất là hàng lương thực, thực phẩm, bia, rượu... dẫn đến gia tăng các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả.

Hà Nội, TPHCM là “điểm nóng” của hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ

Kết quả kiểm tra từ Tổng cục QLTT cho thấy, từ ngày 15/12/2023 đến 14/10/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 122 vụ vi phạm về hàng giả, tập trung ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang; 3.961 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hà Nội, TPHCM là 2 địa phương dẫn đầu về số vụ việc (Hà Nội 1.035 vụ, TPHCM 947 vụ).

Đáng chú ý, trong khi hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá giảm so với cùng kỳ thì các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm lại tăng.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI