Nợ phát sinh khi ly thân có được coi là nợ chung?

29/07/2018 - 09:00

PNO - Quá trình hôn nhân gặp sóng gió khiến chúng tôi ly thân một thời gian. Công việc của tôi bấp bênh, phải nuôi con nên đã vay mượn số tiền trong thời gian đó. Vậy khi ly hôn chồng tôi có trách nhiệm không?

Hỏi: Tôi và chồng cũ của tôi đã ly thân. Sau đó chồng tôi bỏ đi. Trong khoảng thời gian ly thân tôi có vay 200 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng để có tiền nuôi con tôi ăn học. Hiện tại chồng cũ tôi quay về và yêu cầu ly hôn. Tôi có thể buộc chồng cũ tôi cùng có trách nhiệm trả nợ không?

(Đồng Nai)

Trả lời:

Xin chào bạn Hà,

Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề về trách nhiệm liên đới của vợ chồng khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Theo khoản 1 điều 27 luật Hôn nhân và gia đình có quy định “Vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 điều 30”, khoản 1 điều 30 luật Hôn nhân và gia đình quy định “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.

No phat sinh khi ly than co duoc coi la no chung?
Hình minh họa

Nhu cầu thiết yếu của gia đình đó là các nhu cầu về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình (khoản 20 điều 3 luật Hôn nhân và gia đình). Như vậy trong trường hợp giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình chỉ do một bên thực hiện, phía bên kia dù không biết hoặc biết nhưng không đồng ý vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đối với trường hợp của bạn, nếu bạn vay tiền nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình thì chồng cũ bạn dù không biết vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới cùng bạn thực hiện việc chi trả khoản nợ.

No phat sinh khi ly than co duoc coi la no chung?
Hình minh họa

Luật Hôn nhân gia đình không quy định rõ người nào có nghĩa vụ chứng minh giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nhưng để bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ chồng, quyền lợi với bên thứ ba thì bạn phải chứng minh được hành vi của bạn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Chồng cũ bạn cũng có quyền chứng minh ngược lại. Tòa án sẽ dựa vào tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bên để đưa ra phán quyết.

Mong rằng những giải đáp nêu trên có thể phần nào tháo gỡ khó khăn và giúp bạn tìm được hướng xử lý tốt nhất cho trường hợp của bản thân.

Luật sư Trần Đăng Sĩ
(Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI