Vụ “giám đốc Bình” lừa đảo dưới chiêu bài hứa đưa sang Nhật lao động đã được Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh cách đây một năm. Đến nay, các nạn nhân bị lừa vẫn đang khốn đốn vì nợ nần, trong khi cơ quan công an vẫn “đang điều tra vụ việc”.
Về nhà, người ta cứ hỏi “vụ ông Bình”
Rạng sáng, chúng tôi gặp lại anh Nguyễn Hoàng Nam - trú tại xã Hiệp Hòa, H.Đức Hòa, tỉnh Long An - khi anh vừa tan ca tại một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM. Anh Nam nói như phân trần: “Em phải ráng làm để trả số tiền mẹ em vay đưa cho ông Bình hai năm trước. Trả hoài, trả hoài mà chưa hết nợ”.
Anh Nam cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, anh thường xuyên “trốn” ở TP.HCM làm việc, ít khi về thăm quê. Anh sợ mỗi lần về quê, lại thấy vẻ mặt rầu rĩ của mẹ. “Mỗi lần thấy em về, mấy người ở quê lại kéo đến hỏi vụ ông Bình. Biết em ở TP.HCM nên mọi người hay nhờ em ghé chỗ công an ở đường Ba Tháng Hai hỏi về tung tích ông Bình. Nhưng phía công an nói vẫn đang điều tra” - anh Nam kể.
|
Tờ cam kết đưa người sang Nhật Bản làm việc, có chữ ký của ông Bình |
Anh Nam là một trong rất nhiều nạn nhân của “giám đốc Bình” - tức Đoàn Duy Bình, sinh năm 1984, thường trú trên đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Năm 2017, Bình đến H.Đức Hòa, tự xưng là giám đốc một công ty chuyên về xuất khẩu lao động (XKLĐ), muốn giúp người dân ở đây sang Nhật Bản làm việc với mức lương cao để thoát nghèo.
Hàng trăm người ở H.Đức Hòa đã đóng tiền cho Bình. Tháng 10/2017, vì tin tưởng “giám đốc Bình”, anh Nam về xin cha mẹ bán trâu bò, mấy bao lúa, gom đủ 40 triệu đồng đóng cho Bình làm hồ sơ. Mười ngày sau, anh Nam nhờ mẹ vay thêm 45 triệu đồng đóng tiền đặt cọc “chống trốn”. Nửa tháng sau, Bình thông báo đã có visa, yêu cầu đóng thêm 45 triệu đồng, anh Nam tiếp tục nhờ mẹ đi vay nóng.
Đáng nói, thay vì ký hợp đồng XKLĐ, Bình chỉ ký hợp đồng vay tiền không lãi suất. Như trường hợp của anh Nam, Bình cũng ký giấy vay tiền rồi cho đi học tiếng Nhật nhưng cứ hẹn lần lữa, sau đó thì “mất tích”. Khi “mất tích”, Bình giữ luôn tiền và hộ chiếu của mọi người nên anh Nam không thể đi XKLĐ để kiếm tiền trả nợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng ở H.Đức Hòa, đã có vài chục gia đình bị “giám đốc Bình” lừa tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Anh Trần Văn Sang - trú tại xã Hiệp Hòa, H.Đức Hòa - đã vay mượn tổng cộng 143 triệu đồng đưa cho “giám đốc Bình”. Sau khi ông Bình biệt tăm, chủ nợ đến nhà đòi, không còn cách nào khác, anh Sang phải cầm giấy tờ nhà để vay tiền đi Nhật Bản làm việc. Hiện tại, mỗi tháng, anh đều phải gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ.
Năm 2017, khi đang là quản lý của một doanh nghiệp, chị N.T.H. - quê ở H.Đức Hòa - nghe lời “giám đốc Bình” tư vấn sang Nhật Bản XKLĐ, chị H. xin nghỉ việc, vay nóng hàng trăm triệu đồng đưa cho Bình. Bị chủ nợ đến nhà đòi tiền, không còn cách nào khác, chị H. phải xin làm công nhân ở TP.HCM với mức lương bọt bèo để... trả tiền góp.
Mong công an sớm kết thúc điều tra
Theo trình bày của các nạn nhân, năm 2018, khi ông Bình bỏ trốn, nhiều nạn nhân đã truy tìm và bắt quả tang Đoàn Duy Bình đang nhận tiền của người bị lừa tại Q.Tân Phú, TP.HCM với lời hứa cho đi XKLĐ ở Nhật Bản.
|
Có hàng chục nạn nhân ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An bị lừa tiền và không ai biết ông Bình hiện đang ở đâu |
Lúc bấy giờ, có trên 100 người gửi đơn đến Công an Q.Tân Phú, tố cáo Đoàn Duy Bình lừa đảo tổng cộng hàng chục tỷ đồng; trong đó, rất nhiều người là nông dân nghèo ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam bộ. Do vụ việc phức tạp, nạn nhân đông và cư trú ở nhiều tỉnh, thành nên Công an Q.Tân Phú đã chuyển hồ sơ lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an TP.HCM.
Anh Nguyễn Hoàng Nam kể: “Năm 2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu có mời chúng tôi lên lấy lời khai, viết tường trình một lần. Từ đó đến nay, mỗi tháng, tôi đều đến phòng này hỏi thông tin nhưng cán bộ ở đây nói vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra”.
Theo các nạn nhân, vài tháng gần đây, cũng có người liên lạc được với ông Bình qua điện thoại. Khi nạn nhân yêu cầu trả lại tiền, ông Bình nói, tài khoản ngân hàng của ông đã bị cơ quan chức năng phong tỏa để phục vụ điều tra nên không thể rút tiền, còn ông Bình hiện đang ở đâu thì không ai biết.
“Chúng tôi có cử người xuống nhà bố mẹ của Bình ở Đồng Nai để tìm hiểu nhưng bố mẹ Bình cũng không biết ông ta ở đâu, đang làm gì. Tôi lo rằng, nếu cơ quan chức năng cho Bình tại ngoại, rất có thể ông ta sẽ bỏ trốn, tẩu tán tài sản” - một nạn nhân bị Bình lừa tiền, nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Bình có lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime, có trụ sở trên đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp nhưng năm 2015, công ty bị tố cáo lừa đảo nên Bình đóng cửa. Tuy vậy, Bình vẫn dùng “mác” giám đốc đi lừa tiền của mọi người với lời hứa giải quyết cho họ XKLĐ. Từ hồ sơ do nạn nhân cung cấp, nhiều luật sư ở TP.HCM cho rằng, hành vi của Bình có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Năm 2018, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đăng nhiều bài phản ánh về tình trạng hàng trăm người bị ông Đoàn Duy Bình lấy mác là giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime hứa đưa đi XKLĐ ở Nhật Bản và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, trong đó có rất nhiều nạn nhân ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Tháng 9/2018, ông Hoa Thanh Niên - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - cho biết, sẽ cử cán bộ kiểm tra, nắm bắt vụ việc nói trên và có đề xuất hướng phối hợp xử lý. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an TP.HCM cũng xác nhận “đã tiếp nhận vụ việc”. Tuy nhiên, hơn một năm qua, các nạn nhân vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan chức năng. Thông qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, các nạn nhân mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho họ. |
Sơn Vinh