No mà cứ… đói

25/07/2017 - 19:18

PNO - Câu chuyện về người nghèo bao giờ cũng xót xa. Chị Nguyễn Thị No, 46 tuổi, ngụ tại tổ 1, ấp An Biên, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một người không chỉ quá nghèo mà còn gánh nhiều bất hạnh

Trong làn gió phảng phất mùi me chua, nhìn từng đợt lá me bay thảng thốt sau hè nhà chị No, ông Chiến, phó ấp An Biên bất chợt thốt ra: “Nào giờ, tui chưa từng thấy con No nó cười”.

No ma cu… doi
Bé Ly, chị No (ảnh nhỏ) và căn nhà của mấy mẹ con chị No

Nhìn gương mặt quá khắc khổ, ánh mắt đầy nhẫn nhịn, chịu đựng của chị, tôi nghĩ dường như bất hạnh là bạn từ kiếp nào của chị No. Như sợ mình quên điều gì, ông Chiến vội quăng điếu thuốc cháy dở, nhả vội làn khói và chép miệng: “Sáu anh chị em của nó, mỗi người nghèo một kiểu. Nhưng kiểu nghèo của con No là nghèo… thôi rồi. Tên No mà đói quanh năm! No có nhà mà không có đất cắm dùi”. 

Ông Chiến chỉ vào bé gái có đôi mắt buồn như chị No đang nép sau cánh cửa: “Ngày sinh con Ly, chòm xóm hùn nhau cất cho mẹ con nó cái chòi trên đất của bà Ba hàng xóm đây. Rồi chị Hai nó về phụ nuôi đẻ. Bầu bí, rau cỏ sau nhà có gì ăn nấy. Con mới đầy tháng, nó lại đi trèo me thuê, gánh củi mướn kiếm tiền nuôi con. Cả xóm đâu biết chồng nó là ai. Mà nó thì nghễnh ngãng, ngọng nghịu, lại lãng tai, đầu óc lúc nhớ lúc quên nên cũng chẳng nhớ thằng nào trong xóm này là cha con Ly”. 

Không có “cha con Ly”, nên tất tần tật việc nuôi bé Ly khôn lớn dồn hết lên đôi vai của người mẹ không chữ nghĩa, không nghề nghiệp. Ở quê, nhất là vùng biên giới, người giỏi giang tìm kiếm một việc làm ổn định còn khó, huống chi tật nguyền như “má con Ly”. Mấy năm sau, lúc Ly 6 tuổi, thì No lại có chửa. Lần này, ai cũng biết chồng No, nhưng đó lại là kẻ say xỉn tối ngày, rồi chết vì xơ gan cổ trướng. Ba mẹ con No lại lụi hụi đùm túm nhau sống qua ngày. 

Cơn mưa chiều chợt. Mọi người bước vội lên nền đất trước hiên nhà. Ai đó vô tình đụng chiếc giường tre kê tạm trước hè khiến nó rung lên răng rắc. Gió không đi ngang cửa mà luồn phía sau nhà, nơi có mấy gốc me đang ra lá non. Mùi đất ẩm ướt, mùi me chua xộc lên nghe tê tái lòng người. Gió thúc vào vách tôn bao quanh nhà nghe như ai đó đang nghiến răng ken két. 

Tôi nhìn căn nhà tuềnh toàng, trống rỗng. Ngoài cái bàn thờ giữa nhà để chị No thắp nhang mỗi sáng, mỗi chiều như thể đó là cách bổ sung nghị lực để tồn tại và nuôi con, bên trong căn nhà ấy cũng không còn gì đáng kể ra thêm. Nhìn với ra phía sau bếp, nồi niêu, chén bát nằm lẫn lộn trên chiếc giường tre đang cuối mùa sử dụng. Tất cả như minh chứng cho một phận người hẩm hiu, đen bạc…    

Chị Anh Đào - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Nông - cho biết: “Ly vừa học hết lớp Năm, chuẩn bị vô lớp Sáu. So với bạn cùng tuổi, gương mặt của em cứng hơn rất nhiều. Cũng dễ hiểu, mới tuổi lên mười nhưng em đã như người trụ cột trong gia đình. Mẹ bệnh tật, đau yếu triền miên, nên ngoài giờ đến lớp, em phải lên núi hái măng, vác củi rồi tranh thủ tìm cây thuốc nam về nấu cho mẹ uống. Những lúc mẹ bệnh nằm nhà, em chạy ra đồng theo máy cắt lúa rượt ếch, đuổi chuột bắt về làm thức ăn. Tiền chị No có được từ việc bẻ me thuê, bắt cua đồng, cá ruộng, măng rừng đều do một tay em quản lý và chi tiêu hàng ngày. Khi hụt tiền, em lại xắn quần, xuống suối. Bởi vậy, chưa năm nào em được xếp học lực loại giỏi cuối năm”. 

Nắm bàn tay đen đúa, lạnh ngắt của Ly, tôi hỏi: “Con có mơ ước gì không?”, Ly suy nghĩ hồi lâu rồi nhẹ lắc đầu. Cái lắc đầu nhẹ tênh ấy hoặc là không biết ước mơ gì, hoặc là đã mơ ước quá nhiều mà có thấy được gì đâu! 

Thông qua đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, được sự đồng ý tài trợ của Huanvy & Viethouse Foundation, Báo Phụ Nữ TP.HCM đang xúc tiến các thủ tục và sẽ khởi công xây lại cho mẹ con chị No một căn nhà khang trang hơn, trước ngày khai giảng năm học mới 2017-2018. 

Báo Phụ Nữ cũng mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để căn nhà ấy có thêm bàn ghế, tủ giường và các vật dụng sinh hoạt cần thiết. 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI