PNO - Không chỉ giữ gìn không gian sạch đẹp và tăng cường mảng xanh trong khuôn viên, mô hình trường học xanh tại TPHCM còn được hiểu là giáo dục cho học sinh ý thức và lối sống thân thiện môi trường.
Mới đây, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) là trường học đầu tiên tại TPHCM xây dựng và đưa vào hoạt động trạm sạc cho học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện. Dựa trên ý tưởng của lãnh đạo nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đã mời đơn vị thiết kế, thi công khu vực trạm sạc xe điện và bàn giao cho nhà trường theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Trạm sạc gồm 24 ổ cắm cho xe sạc điện (mỗi ổ có 2 chấu sạc), cùng lúc có thể sạc cho 48 xe. Đồng thời, có thêm 8 bơm hơi bánh xe cho học sinh khi cần. Trạm sạc cũng có mái che mưa nắng, đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) xây dựng trạm sạc điện để khuyến khích học sinh đi xe điện - Ảnh: P.T
Ông Nguyễn Quang Đạt - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, toàn trường có 2.700 học sinh thì gần 20% đi xe đạp điện, xe máy điện. Việc học sinh sử dụng xe điện là rất đáng khuyến khích, tuy vậy cũng có bất tiện như nhiều em thường xuyên phải dắt bộ vì xe hết điện giữa chừng. Hằng ngày, nhiều học sinh phải tranh thủ xin sạc “ké” tại một số nơi có ổ cắm xung quanh trường như hầm xe, phòng bảo vệ… Những khu vực này vừa hạn chế chỗ sạc, vừa không đảm bảo an toàn cháy nổ. Do đó, trường đưa vào sử dụng trạm sạc điện để hỗ trợ và tạo thuận tiện cho học sinh, từ đó khuyến khích thêm nhiều học sinh sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Học sinh được sử dụng miễn phí công trình này, mọi chi phí phát sinh như tiền điện, kiểm tra bảo dưỡng do nhà trường chi trả.
Trong khi đó, một số trường triển khai chương trình kêu gọi học sinh thu gom pin, phế liệu để đổi quà là son, cây xanh hoặc khẩu trang. Hoạt động này nhằm hạn chế việc thải pin và các chất gây nguy hại ra môi trường, qua đó giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Ở Trường THPT Marie Curie (quận 3), nhà trường lồng ghép việc thu gom pin với hoạt động thực hành môn học. Cô Nguyễn Minh Ngọc - giáo viên vật lý của trường - cho biết: “Về tác hại của pin khi xả thải ra môi trường nếu chỉ truyền đạt chung chung thì rất khó tạo ấn tượng với học sinh. Do đó, tổ vật lý tổ chức chương trình thu gom pin đổi quà đã tạo sức lan tỏa và nhận được sự tham gia hào hứng của các em. Sau đó, giáo viên lọc ra các pin tái chế được để tổ chức cho học sinh lớp Mười một thực hiện thí nghiệm làm pin sạc dự phòng tái chế”. Thí nghiệm này phù hợp với kiến thức môn vật lý các em đang được học. Qua hoạt động thực hành rất thú vị, các em hiểu hơn về ý nghĩa của hoạt động tái chế trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế xả thải ra môi trường.
Làm thường xuyên, tránh kiểu phong trào
Ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) - cũng cho biết trường chú trọng rèn luyện ý thức sống xanh, bảo vệ môi trường cho học sinh từ khi bước vào lớp Một. Các em được giáo dục ý thức tiết kiệm điện, nước, giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên trường và không gian công cộng. Trường tổ chức cho học sinh nhặt rác, làm vệ sinh, tham gia trồng và chăm sóc cây xanh.
Bên cạnh đó, một hoạt động được duy trì thường xuyên là phong trào “kế hoạch nhỏ”, kêu gọi học sinh thu gom giấy vụn, chất thải nhựa, nhôm. Mục tiêu là rèn cho các em tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ngay trong cuộc sống thường ngày. “Để hình thành ý thức sống xanh cho học sinh đòi hỏi phải có các hoạt động thường xuyên, liên tục. Nhà trường cũng lồng ghép vào giờ học kỹ năng sống chuyên đề “Em học sống xanh”, tích hợp vào môn mỹ thuật cho các em tham gia các bài vẽ cổ động về việc bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Để giáo dục ý thức cho học sinh, theo ông Trần Nghĩa Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (quận 6) - cần nhất là phải có cách làm hiệu quả và đi vào chiều sâu, tránh kiểu phong trào. Trước tiên phải xây dựng và duy trì môi trường học tập sạch, xanh cho học sinh. Trường chú trọng trồng cây xanh, thảm cỏ trong trường, trang bị thùng rác, bố trí vị trí tập kết rác thải, kiểm tra nguồn nước, nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhà trường cũng tổ chức các phong trào, công trình trang trí lan can, lớp học, nhà vệ sinh. Học sinh được tự tay chăm chút cho trường, lớp thì sẽ có ý thức giữ gìn hơn.
Học sinh Trường THPT Bình Phú (quận 6) với tranh tái chế làm từ vỏ sò và rác thải - Ảnh: P.T
Tổ sinh học của trường còn thực hiện thành công dự án “Cải thiện nhà vệ sinh học sinh” hằng năm, duy trì thực hiện từ năm học 2019-2020 đến nay và trở thành dự án tiêu biểu của quận. Đặc biệt, trường chú trọng giáo dục cho học sinh về hoạt động tái chế rác thải, công trình thùng rác tái chế, các hoạt động làm sản phẩm tái chế từ vật liệu thải (như chậu hoa, chậu cây, tranh vỏ sò, tranh từ vật liệu rác thải nhựa…). Trường cũng là 1 trong 10 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chọn thí điểm thực hiện mô hình sử dụng rác hữu cơ để tạo phân xanh bón cho cây trồng, giúp hạn chế việc thải rác ra môi trường.
Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết thời gian tới ngành giáo dục chú trọng xây dựng mô hình “Trường học xanh” thông qua các hội thi cấp quận, huyện và thành phố. Trong tháng Mười hai, sở sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh thí điểm sử dụng rác hữu cơ để tạo phân xanh bón cho cây trồng. Đồng thời, tập huấn cho giáo viên, học sinh về nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, đề ra các ý tưởng, sáng tạo về bảo vệ môi trường trong trường học…
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...