Với chủ đề của năm - “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã và đang tìm ra nhiều cách làm thiết thực để hiện thực hóa.
Khu dân cư 2A - an toàn, an vui
Đến với chung cư Phan Văn Khỏe (P.5, Q.6, TP.HCM), nhiều người ngạc nhiên: sao chung cư dành cho người thu nhập thấp, được xây dựng từ năm 2000, mà lại hết sức an ninh với hệ thống thang máy quét thẻ từ và việc di chuyển giữa các tầng cũng hết sức thuận lợi.
Chung cư có 42 hộ dân với 232 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó có 176 phụ nữ và trẻ em. Việc thay thang máy mới đã giúp cư dân, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai không còn phải hồi hộp mỗi khi lên xuống.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Mai - Chủ tịch Hội LHPN P.5, Q.6 - với trách nhiệm phải đảm bảo “an toàn cho phụ nữ và trẻ em” ở khu chung cư, Hội Phụ nữ phường chọn chung cư 242 Phan Văn Khỏe làm thí điểm với mong muốn chị em phụ nữ ở chung cư được thuận lợi trong di chuyển, tạo môi trường sống đoàn kết, yêu thương và hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Từ đó, Hội đề xuất với Đảng ủy, UBND vận động xã hội hóa lắp đặt thang máy mới cho chung cư và phân công Phó chủ tịch Hội tham gia Ban quản lý.
Hội đã tổ chức năm cuộc họp tại chung cư, trình bày kế hoạch và cách thức vận động kinh phí lắp đặt thang máy. Kế hoạch được đa số cư dân đồng tình nên đã thu được 60 triệu đồng.
|
Những chiếc camera giám sát đã giúp người dân tại khu phố 2, P.5, Q.6 yên tâm hơn trong cuộc sống thường ngày |
Do chung cư không có bảo vệ nên Hội lại vận động lắp thêm bốn camera ở tầng trệt để giám sát an ninh, đồng thời vận động 42 hộ gia đình thành lập group zalo để chuyển tải những nội dung tuyên truyền của Hội, tình hình an ninh trật tự của địa phương và chung cư, các phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, kịp thời thông tin về phòng cháy chữa cháy…
“Nhờ có thang máy quét thẻ từ và camera quan sát nên tình hình an ninh trật tự ở chung cư được bảo đảm. Cư dân, nhất là phụ nữ, trẻ em không còn nơm nớp lo sợ kẻ gian, người lạ tự ý ra vào chung cư như trước đây” - chị Thúy Mai hồ hởi.
Cách chung cư Phan Văn Khỏe không xa, vài tháng gần đây người dân trên nhiều tuyến hẻm tại khu phố (KP) 2, P.5 cũng an tâm với mô hình Khu dân cư 2A - an toàn và an vui - do chi hội KP 2 thực hiện. Chị Nguyễn Thị Thắm - ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.5, Chủ nhiệm câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc KP 2 - cho biết, KP có nhiều tuyến hẻm nhỏ thông nhau, đầu hẻm là các hộ kinh doanh nên nhiều người ở nơi khác cũng đến thuê địa điểm để mở các dịch vụ ăn theo, lưu lượng người lui tới khá lớn, đã có một số vụ trộm cắp vặt và chọc ghẹo nữ sinh xảy ra.
Trước tình hình đó, Hội LHPN phường đã chủ động đăng ký mô hình vận động xã hội hóa lắp đặt camera giám sát an ninh và chọn KP 2 làm điểm theo chủ trương của phường. Thế là chỉ trong vòng một thời gian ngắn KP đã lắp đặt 9 camera ở những khu vực trọng điểm và có màn hình giám sát tại Ban điều hành khu phố. Từ đó, các đối tượng khả nghi hay lảng vảng ở đầu hẻm, trong KP đã giảm hẳn, các em học sinh và chị em mỗi khi đi học, đi làm về muộn cũng yên tâm hơn trước.
Được biết, sau khi thí điểm mô hình 2A ở chung cư Phan Văn Khỏe và KP 2, sắp tới, Hội Phụ nữ P.5, Q.6 sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở ba chung cư và năm chi hội phụ nữ KP còn lại trên địa bàn.
Nhiều cách làm thiết thực để môi trường sống tốt hơn
Những cách làm trên đã được Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao trong đợt kiểm tra thực tế mới đây.
Theo Hội LHPN TP.HCM, để triển khai thực hiện năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội đã tập trung vào ba lĩnh vực: an toàn cho phụ nữ trong gia đình (bao gồm phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ - trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em); an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, môi trường sống, kể cả môi trường mạng; an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.
Tính đến nay, trong lĩnh vực an ninh trật tự, thành phố có tổng cộng 2.990 tổ, nhóm, câu lạc bộ với 42.667 thành viên, trong đó Hội LHPN cấp quận, huyện có 17 loại hình, với 1.894 mô hình (17.433 thành viên) như: mô hình Gia đình hiệp sĩ; câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội; tổ Kim Đồng; câu lạc bộ Đồng cảm, Tiếng chuông báo trộm; câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ…
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, thành phố có 2.775 tổ, nhóm, câu lạc bộ (91.519 thành viên) gồm: câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, nhóm hộ gia đình tự quản tuyến kênh...
Trong lĩnh vực xây dựng gia đình hạnh phúc, thành phố có: câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, dịch vụ Hỗ trợ đám cưới, nhóm tư vấn tiền hôn nhân, câu lạc bộ Gia đình nuôi dạy con tốt, trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình...
Các tổ, nhóm, mô hình nói trên đã trực tiếp và gián tiếp cải thiện môi trường sống, góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đồng thời nâng cao vai trò người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội...
Thí điểm nhiều mô hình để xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Hội LHPN Việt Nam mới đây, đại diện Phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, nhằm xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cải thiện cơ sở hạ tầng thân thiện với phụ nữ và trẻ em; thí điểm hướng dẫn cách phòng ngừa quấy rối trên xe buýt tuyến 53 và 26; thí điểm thành lập 6 câu lạc bộ “nam giới thúc đẩy bình đẳng giới” tại Q.10 và Q.1; thí điểm cải tạo góc phố, khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng mô hình trường học an toàn thân thiện với trẻ em...
|
Hoài An