PNO - Các thành viên trong những gia đình nhỏ ấy đang cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn sau mùa dịch, đồng thời tiếp tục duy trì việc chia sẻ với những người khó khăn hơn mình.
1. Một ngày giữa tháng Sáu, như thường lệ, cụ bà Phan Thị Chiều, 80 tuổi, ở khu phố Phước Hiệp, P.Trường Thạnh, Q.9, quẩy đôi quang gánh chất đầy rau lang, rau muống, đi dọc đường Lã Xuân Oai rồi quẹo vào đường Ích Thạnh. Đi cả buổi, áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẫn chưa bán được mớ rau nào nên bà đành đi ngược trở lại. Khi bà vừa qua trụ sở ban điều hành khu phố Phước Hiệp thì chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Chi hội phó chi hội Phụ nữ khu phố - chạy theo níu lại: “Cụ ơi, vô đây ăn với con tô bánh canh, con nấu thịt bằm dễ ăn lắm”. Cụ ái ngại: “Rau còn y nguyên, bà đâu dám nghỉ...”. Chị Tuyết nheo mắt trấn an: “Tụi con mua hết cho, cụ đừng lo!”.
Cụ Chiều sống cùng con gái và cháu ngoại, người làm bảo mẫu, người làm lao công. Như phần đông người lao động giữa mùa dịch, công việc, thu nhập trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Thương con cháu, cụ Chiều tận dụng mảnh đất sau nhà trồng rau lang, rau muống, cải ngọt, mướp… rồi tự gánh đi bán từ mấy tháng nay, nhưng cũng ế. Vì lẽ đó, chị Tuyết hay ghé nhà, mang cho cụ hộp bún xào, tô cháo, tô bánh canh, gạo, mắm, rồi hỏi mua rau giúp cụ. Dù bản thân cũng đang khó khăn nhưng những sẻ chia kiểu này vẫn được chị Tuyết lặng lẽ duy trì như chẳng có điều gì xảy ra. Con gái út thất nghiệp từ sau Tết, chồng bệnh thiếu máu não, còn chị bị hở van tim hai lá, nhưng: “Nhằm nhò gì so với những cảnh đời đang lao đao quanh mình” - chị nói. Cho nên, có cân thịt, túi gạo, chị lại chia sẻ với những người khó hơn mình.
Trong thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19, vợ chồng chị Tuyết vẫn cố gắng duy trì nấu các bữa ăn chia sẻ với người nghèo
Hơn 20 năm trước, vợ chồng chị Tuyết dành dụm được ít tiền mua mảnh đất cất nhà. Thấy những cảnh đời bi đát như bà Nguyễn Thị Sáu bị tai biến ngồi một chỗ; bà Lê Thị Tám đau khớp nặng, có hai con trai thì một bị khiếm thị, một bị tâm thần; chị Dương Thị Lại bị ung thư nhưng không nơi nương tựa... chị Tuyết xót xa. Không dư dả để giúp tiền nên chị bàn với chồng giúp những phận đời khó khăn một vài bữa sáng. Vậy là từ đầu năm 2018, mỗi tháng hai lần vào mồng Một và ngày rằm, vợ chồng chị lại thức dậy từ 2g sáng để nấu nướng. Đến gần 6g, thức ăn đã nấu xong, anh chị đưa lên xe chở ra trụ sở ban điều hành khu phố để phục vụ người nghèo. Những tháng đầu, mỗi đợt họ nấu gần 100 suất ăn và chỉ phát trong vòng 10 phút. Áy náy với những bà con tới sau không có phần, vợ chồng họ lại gói ghém để tăng số lượng lên 150 - 200 suất. Thấy chị thực lòng làm việc thiện nên nhiều người đã cùng chung tay góp sức, số lượng suất ăn nhờ vậy đã tăng lên 300 suất/lần. Ngoài ra, vợ chồng chị Tuyết còn tham gia bếp ăn dinh dưỡng của Hội LHPN P.Trường Thạnh để giúp đỡ 45 cụ già neo đơn, đau bệnh trên địa bàn được tổ chức hằng quý.
Trước đây chị Tuyết làm nghề may. Gần đây, dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ, chị bỏ nghề may chuyển sang làm bánh bò, bánh da lợn, rau câu... Nguồn thu dù giảm nhiều, nhưng vợ chồng họ vẫn duy trì chuyện nấu nướng giúp bà con nghèo. Chị Tuyết nói: “Khéo co thì ấm, dịch bệnh có làm mình khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà mình ngưng việc làm khiến mình cảm thấy hạnh phúc".
2. Trong hội thi cán bộ Hội giỏi do Hội LHPN Q.2 tổ chức gần đây, tôi gặp chị Phạm Thị Hậu, 37 tuổi, ở khu phố 3, P.An Phú. Chị bảo, sự kiện đi thi là bất ngờ với chị, bởi gần 20 năm làm dâu, chị chỉ quẩn quanh từ nhà ra chợ, chăm sóc mẹ chồng đau bệnh nằm một chỗ và con gái chậm phát triển trí tuệ.
Sinh ra trong gia đình có chín anh chị em ở Bến Tre, từ nhỏ Hậu đã biết cấy lúa, bẻ dừa. Học hết lớp Sáu, Hậu lên Sài Gòn xin vô quán rửa chén, bưng bê rồi lấy chồng và mở một sạp tạp hóa nhỏ trước cửa nhà. Anh Hân chồng chị làm công nhân xưởng đóng tàu. Nhà thấp, mưa hay triều cường là nước tràn vào như cái ao.
Chị Hậu kề cận chăm sóc mẹ chồng
Đến năm 2015, trong lúc đi khảo sát đời sống chị em, bà Nguyễn Thị Giát - Phó ban điều hành khu phố 3, P.An Phú - bần thần trước gia cảnh của chị Hậu, nên đã đề xuất phường hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà, nâng nền, chống dột cho gia đình chị. Đến năm 2018, Hội LHPN P.An Phú lại giới thiệu chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư bàn ghế, tủ lạnh, tủ đông, mở rộng quy mô tiệm tạp hóa và bán thêm vài món ăn vào buổi tối. Chị Hậu tâm tình: “Tôi không ngờ cuộc đời mình lại có bước ngoặt lớn đến vậy. Các cô, các chị bên Hội ghé nhà hoài, khích lệ tôi nói chuyện, riết rồi cái mặc cảm, tự ti mình nghèo, mình ít học cũng biến đi đâu mất”.
Nhận được nhiều sự giúp đỡ của Hội nên chị Hậu nghĩ cũng đã đến lúc san sẻ cái mình có thể. Vậy là gần hai năm nay, cứ mồng Một và ngày rằm hằng tháng, vợ chồng chị lại nấu 500 phần ăn chay để trước cửa tiệm của mình trên đường Mai Chí Thọ để tặng mọi người. Trân trọng tấm lòng của chị Hậu, cán bộ hội viên phụ nữ và các Mạnh Thường Quân đã cùng góp tiền, góp sức.
Tuần trước gặp lại tôi, chị Hậu phấn khởi cho biết, việc kinh doanh sau thời gian dài dịch bệnh nay đang dần hồi phục, tiệm tạp hóa đông khách trở lại và mỗi tối chị cũng bán được vài nồi lẩu xí quách. Chồng chị cũng thôi làm công nhân để phụ vợ bán hàng và chăm sóc mẹ già.