Nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ

01/04/2022 - 10:43

PNO - Ngày 21/3, ông Doseba Tua Sinay - Trưởng đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam - phấn khởi khi tham quan phòng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của các thành viên vừa được ra mắt.

Vui khi sản phẩm được bày bán trang trọng

Những ngày qua, 15 thành viên nhóm đan móc Hướng Dương phân công nhau trực bán tại phòng trưng bày. Hằng ngày, bán được món gì, giá bao nhiêu, các chị cẩn thận ghi chép vào sổ. Sau mười ngày ra mắt, chị Trần Thị Lan - Phó Trưởng nhóm Hướng Dương - chủ động đề nghị Hội LHPN Q.4 tạo điều kiện hỗ trợ để các thành viên được học tiếng Anh, ít nhất là để biết chào hỏi, báo giá, cũng như trình bày được công dụng sản phẩm. Chẳng là mấy ngày trước có khách nước ngoài vào cửa hàng hỏi han nhưng chị không thể nói chuyện với khách. Chị Lan không ngờ, một người chỉ biết nội trợ, quanh năm bận rộn chuyện áo cơm như mình cũng có ngày khao khát được học tiếng Anh để phát triển. 

“Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” đã thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn Q.4 trong ngày đầu ra mắt
“Điểm giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp” đã thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn Q.4 trong ngày đầu ra mắt

Chị Lan cho biết, chị yêu thích đan móc len từ nhỏ, nhưng mãi đến năm 2020, khi Hội LHPN Q.4 giới thiệu chương trình “Chọn nghề yêu thích” và động viên chị tham gia một lớp nghề thì chị mới mạnh dạn đăng ký học đan len. “Cũng chỉ nghĩ là học cho vui, nhưng không ngờ đam mê sống dậy khiến tôi nắm bắt nhanh, lại được cô giáo chỉ dạy tận tình. Có sản phẩm, chị em trong nhóm hỗ trợ giới thiệu giúp nhau nên cũng bán được lai rai. Cũng không dám nghĩ có ngày sản phẩm của mình được bày bán ở một nơi tươm tất, trang trọng như thế này” - chị Lan không giấu niềm vui.

Cũng thế, chị Chung Kim Loan tham gia lớp đan len là vì bị “rủ rê, lôi kéo”. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đó là cách “làm vừa lòng” các cô dì bên Hội Phụ nữ. Thế rồi, khi từng sản phẩm thành hình đã khiến chị hứng thú và quên đi những nỗi buồn trong cuộc sống. Từ ngày sản phẩm của mình được trưng bày, chị lại càng cặm cụi làm ra thêm nhiều sản phẩm và cảm giác như sức khỏe mình tốt hơn. 

Ngày 19/3, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm len đan móc thủ công của nhóm Hướng Dương được Hội LHPN Q.4 ra mắt tại 360C Bến Vân Đồn, P.1, Q.4. Hội đã chi gần 100 triệu đồng để cải tạo 25m2 điểm sinh hoạt cộng đồng của phường thành cửa hàng với tường kính, tủ kính, kệ gỗ di động. Sản phẩm được trưng bày ngay ngắn, đẹp mắt theo từng khu vực.

Cố gắng mở rộng không gian cho sản phẩm 

Có mặt trong buổi ra mắt cửa hàng, bà Cổ Tấn Mỹ Dung - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP.HCM - đánh giá cao ý tưởng cũng như nỗ lực thực hiện mô hình của Hội LHPN Q.4. “Tổ chức được một điểm giới thiệu và bán hàng như vậy sẽ hỗ trợ rất tốt cho chị em. Chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình này đến cho các đơn vị”, bà Cổ Tấn Mỹ Dung nói.

Chị Lê Thị Diễm Huỳnh - Chủ tịch Hội LHPN Q.4 - cho biết: “Khi khóa đào tạo nghề đan móc len kết thúc, thấy chị em làm ra sản phẩm, tự giới thiệu và có người đặt mua, chúng tôi rất hy vọng về hiệu quả bước đầu với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Nghĩ vậy nên ngoài trang web https://lenmocthucong.com/, chúng tôi nghĩ đến phương án hỗ trợ các chị một nơi giới thiệu và bày bán sản phẩm để nhiều người biết đến”.

Trước mắt, điểm giới thiệu sẽ do 15 thành viên của nhóm phân công nhau quản lý, bán hàng và hỗ trợ nhau từng bước xây dựng thương hiệu. Sản phẩm hiện tại chủ yếu là móc khóa, đế ly, khăn len, túi đựng điện thoại, túi xách, mũ nón, và sản phẩm tranh giấy xoắn của phụ nữ khuyết tật trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hội LHPN Q.4 sẽ tổ chức những lớp học giúp chị em nâng cao tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời Hội cũng sẽ cố gắng mở rộng không gian, tạo điều kiện để các sản phẩm khởi nghiệp được giới thiệu, bày bán rộng rãi hơn nữa. 

“Đây chính là phòng trưng bày sản phẩm đầu tiên của mô hình can thiệp sinh kế theo nhóm được thực hiện ở vùng đô thị. Chúng tôi hết sức cảm ơn ý tưởng cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Hội LHPN Q.4 trong việc thực hiện mô hình này, bởi nó phù hợp với việc hướng đến hỗ trợ các đối tượng phụ nữ yếu thế trong công tác giảm nghèo bền vững; phù hợp với mục tiêu của chương trình Vùng Q.4 mà Tầm nhìn Thế giới đang tài trợ thực hiện ”.

Ông Doseba Tua Sinay - Trưởng đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI