Nỗ lực phục vụ dân trong đại dịch COVID-19:

Tất bật để tiền, hàng đến kịp tay người dân lúc khó ngặt

28/07/2021 - 11:28

PNO - Ngày 10/7, nằm trong Kế hoạch số 345, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM triển khai hai đường dây nóng (028) 38 272 361 - (028) 38 293 771 giám sát sự phục vụ dân, đồng thời chăm lo cho người dân trong dịch bệnh, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

10 ngày, hơn 1.000 cuộc gọi

“Đường dây nóng mặt trận xin nghe ạ”. Đầu dây bên kia, giọng người đàn ông run run: “Tôi là N.V.P., 46 tuổi, ở P.Hiệp Phú, Q.Tân Phú. Nhiều ngày qua, tôi không dám ra đường xin cơm, sợ bị phạt, phải ở trong phòng, mỗi ngày ăn hai gói mì tôm. Giờ mì hết, tiền hết, xin cô giúp dùm tôi bữa ăn qua ngày”. Ông P. kể, vợ ông mất hơn bốn năm trước, ông bị tai biến nhẹ, nói năng chậm chạp. Trước dịch, ông chạy xe ôm, đủ ăn qua ngày và trả tiền thuê trọ. Từ ngày giãn cách xã hội, ông đi xin cơm từ thiện để ăn.

Một cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đang nhập thông tin từ đường dây nóng lên phần mềm để cán bộ mặt trận tổ quốc cấp phường xác minh thông tin, hỗ trợ
Một cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đang nhập thông tin từ đường dây nóng lên phần mềm để cán bộ mặt trận tổ quốc cấp phường xác minh thông tin, hỗ trợ

Cuộc gọi vừa dứt, bà Cao Thị Thu Duyên - Phó Trưởng ban Tuyên giáo đối ngoại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQ VN) TPHCM, nhanh chóng nhập các thông tin lên phần mềm đã mở sẵn trên máy vi tính, bôi đậm dòng chữ “xác minh gấp”. Hai mươi phút sau, màn hình hiện phản hồi: “Thông tin đúng. Phường gửi cho ông P. một phần quà nhu yếu phẩm, rau củ”. Bà Duyên thở phào. Trong hai mươi phút chờ xử lý trường hợp này, bà tiếp tục cùng một đồng nghiệp nghe và nhập liệu thêm bảy trường hợp, hầu hết đều cần xác minh gấp. 

Bà Duyên và đồng nghiệp tiếp nhận phản ánh của người dân qua đường dây nóng, sau đó dùng phần mềm trực tuyến kết nối với cán bộ MTTQ các cấp. Nhận thông tin, người phụ trách địa bàn sẽ lập tức xác minh; nếu đúng, sẽ cho người đến hỗ trợ. Chỉ trong mười ngày kể từ khi công bố, đường dây nóng của UB MTTQ VN TPHCM đã tiếp  nhận hơn 1.000 cuộc gọi. Khi triển khai, đường dây nóng có chức năng tiếp nhận tất cả các phản ánh, kiến nghị của dân về sự phục vụ của chính quyền. 

Bà Duyên cho hay, có đến 90% cuộc gọi thắc mắc về chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xin cứu đói. Phần lớn các trường hợp này không nằm trong sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, tức gói hỗ trợ 886 tỷ đồng. 

Trong danh sách các trường hợp đã nhận được sự hỗ trợ thông qua đường dây nóng, có bà S., chị U., ông N... Bà N.T.S. - 64 tuổi, ở P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân - thuê nhà trọ sống một mình, làm nghề phụ hồ nhưng thất nghiệp nhiều tháng qua, phải ăn mì gói nấu với rau muống do người trong xóm mang cho. Từ ngày giãn cách xã hội, không còn ai cho rau, mì cũng hết, bị đói hai ngày. Chị U. đang nuôi mẹ 72 tuổi, cha 65 tuổi và ba đứa con nhỏ nhưng hai tháng qua, vợ chồng chị đều thất nghiệp, cần được hỗ trợ gạo. Vợ chồng ông N. đã lớn tuổi, không con cái, đang cách ly tại nhà mà không biết nhờ ai mua dùm thực phẩm… 

Theo Kế hoạch số 345, UB MTTQ VN TP.HCM phân bổ 200-500 triệu đồng cho UB MTTQ VN các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Số tiền này dùng để hỗ trợ khẩn cấp khi người dân cần. Tùy hoàn cảnh, MTTQ các địa phương tiếp tục rà soát, lập danh sách các trường hợp đang gặp khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng, từ đó chi hỗ trợ với mức 50.000 đồng/người/ ngày. Với hơn 100 cuộc gọi mỗi ngày, MTTQ các cấp đã xác minh và hỗ trợ người dân đạt tỷ lệ 85-90% số trường hợp nhờ giúp đỡ. 

Chạy đua với thời gian

Chín giờ ngày 19/7, chiếc container chật vật lách lùi vào cổng trụ sở UB MTTQ VN TPHCM. Từ tỉnh Cà Mau, xe đi trong đêm mang 12 tấn tôm thẻ của người dân, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Cà Mau tặng người dân TPHCM. Xe vừa đỗ, gần mười cán bộ UB MTTQ VN TPHCM cùng nhau chuyển hơn 1.200 thùng xốp xuống sân. Khoảng 10 phút/lần, từng chuyến xe của MTTQ các quận, huyện nhanh chóng chở lượng hàng được phân bổ về địa phương. Những chuyến xe đó tiếp tục quay lại để tiếp nhận rau, củ do chính quyền, người dân tỉnh Lâm Đồng gửi tặng. Xong việc, các cán bộ tiếp tục ra cảng, tiếp nhận nhu yếu phẩm, nông sản từ bốn container do chính quyền, người dân tỉnh Lào Cai gửi tặng.

 

Để có rau xanh đưa đến tay người dân, các cán bộ mặt trận tổ quốc phải thức dậy từ sớm, loại bỏ phần rau hư và rửa sạch
Để có rau xanh đưa đến tay người dân, các cán bộ mặt trận tổ quốc phải thức dậy từ sớm, loại bỏ phần rau hư và rửa sạch

Từ ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, TPHCM đón nhận gần 300.000 tấn lương thực, thực phẩm do các tỉnh, thành trao tặng. Cũng từ ngày giãn cách, chợ truyền thống đóng cửa, cán bộ MTTQ các cấp làm việc bất kể giờ giấc để kịp tiếp nhận sự hỗ trợ, sau đó tổ chức phân bổ để MTTQ cấp cơ sở đưa đến tay người dân.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó chủ tịch UB MTTQ VN TPHCM - cho biết ngay khi tiếp nhận hàng hỗ trợ của các tỉnh bạn, cơ quan này nhanh chóng điều phối về các địa phương để đưa đến các bếp ăn tập thể, bệnh viện dã chiến, người dân trong khu phong tỏa, cách ly... Phương châm của MTTQ là phân bổ sao cho trọn vẹn, kịp thời, hạn chế tối đa việc bỏ sót địa điểm cần phân bổ. Hơn một tháng qua, các cán bộ thuộc hệ thống MTTQ VN TPHCM phải thức dậy từ ba giờ sáng mỗi ngày để tiếp nhận, phân bổ hàng hóa cho kịp thời, không để hư hao. Họ chỉ được nghỉ ngơi lúc nửa đêm. 

Bà Vũ Thị Nguyệt - cán bộ UB MTTQ VN Q.Tân Bình - nói vui trong những ngày này, bữa cơm đúng giờ là thứ xa xỉ của cán bộ MTTQ, nhất là cán bộ cấp phường. Hết trao quà đến nấu cơm cho lực lượng đang trực chốt phong tỏa, cho y, bác sĩ tiêm vắc xin hoặc về địa bàn lấy mẫu xét nghiệm trong dân, họ còn xác minh đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ, tham gia vận động và đi nhận hàng hóa được hỗ trợ, phân bổ từ cấp thành phố. Họ cũng phải ghi chép các phần việc đã làm để thống kê, báo cáo. 

Mấy hôm trước, chị V. - cán bộ MTTQ của một quận - phải đi cách ly tập trung. “Đồng nghiệp đùa, bảo tôi thôi coi như nghỉ dưỡng một thời gian. Nhưng nghỉ gì được, lo lắng lắm. Lúc này mà mặt trận khuyết một nhân sự, đồng nghiệp sẽ phải choàng gánh, rất cực” - chị V. trải lòng. 

Tuyết Dân

 

Mục tiêu cao nhất là chống dịch thành công

Chủ tịch UB MTTQ VN TPHCM Tô Thị Bích Châu đã nhấn mạnh như thế khi chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện trên địa bàn TPHCM trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Về vấn đề các bếp ăn từ thiện bị ảnh hưởng sau khi TP.HCM thực hiện quy định hạn chế các hoạt động từ 18g đến 6g mỗi ngày sẽ được tháo gỡ ra sao, bà Tô Thị Bích Châu nói: “Các bếp ăn từ thiện hoạt động trên địa bàn dĩ nhiên Đảng bộ, chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhân dân đều biết và khi có vấn đề phát sinh thì cần phối hợp với địa phương giải quyết và đều có giải pháp hết. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận sẽ nắm bắt tình hình để điều phối, có thể sẽ phối hợp cùng lực lượng giao thông, công an để làm sao “đội quân” này không dừng lại mà vẫn tiếp tục làm tốt công tác thiện nguyện nhưng vẫn có tổ chức và có quy định đàng hoàng để tránh chuyện chúng ta cứ làm mà không đảm bảo phòng, chống dịch, như vậy là bao nhiêu công sức của chúng ta không hiệu quả…”.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, trong một hai ngày đầu áp dụng quy định hạn chế ra đường, có thể sẽ có vấp váp do thay đổi lịch trình nên các bếp ăn này sẽ tự điều chỉnh lịch phù hợp và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. 

“Tôi tin rằng sau vài ngày tình hình sẽ ổn khi 17g nấu cơm xong thì trong phạm vị mỗi địa phương sẽ do ban chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn điều phối để có được thời gian phù hợp. Khó hơn là ở chỗ từ địa bàn này qua địa bàn khác thì không được nên phải có sự phối hợp giữa hai bên địa bàn. Và như đã nói khi đã muốn làm thì đều sẽ có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải theo quy định hướng đến mục tiêu chung để chống dịch. Mỗi người phải luôn tự hỏi làm việc tốt nhưng cách nào để đảm bảo các nguyên tắc chống dịch, mọi người phải có trách nhiệm với câu hỏi đó trước khi tổ chức hoạt động gì”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM bày tỏ thêm.

Tam Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI