Nỗ lực phục vụ dân trong đại dịch COVID-19: Không để người dân đợi chờ

27/07/2021 - 06:47

PNO - Mặc dù thay đổi phương thức làm việc, đến nay, các phòng, ban, bộ phận vẫn giải quyết kịp thời, trôi chảy các thủ tục hành chính cho dân...

Sáng 10/7, bà N.T.L. - tạm trú ở P.4, Q.11, làm nghề bán vé số - được một cán bộ ở UBND phường gọi điện thoại báo sẽ đến nhà và hơn mười phút sau, trong bộ quần áo bảo hộ, cán bộ này đã đến trao tận tay 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ của UBND TPHCM dành cho những người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Cấp thiết lắm người ta mới đến”

Đầu tháng 7/2021, bà N.T.T. - ở P.5, Q.11 - đến trụ sở UBND Q.11 để xác nhận, chứng thực các giấy tờ nhằm thế chấp nhà vay ngân hàng do trước đó, bà đã vay nóng một khoản tiền lớn, lãi suất hơn 20 triệu đồng/tháng. Bà T. nhớ lại, lúc đó, qua báo chí, bà biết có một cán bộ của UBND Q.11 mắc COVID-19, tất cả các trường hợp F1 được cách ly ngay tại trụ sở cơ quan nhưng bộ phận làm thủ tục hành chính nằm cách biệt vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.

Cán bộ UBND Q.11 mang tiền hỗ trợ đến tận nhà trao cho người dân
Cán bộ UBND Q.11 mang tiền hỗ trợ đến tận nhà trao cho người dân

Bà T. cho hay, khi đến bộ phận làm thủ tục hành chính bà được một cán bộ hỏi mục đích, sau đó hướng dẫn bà khai báo y tế. Khi bước vào khu vực tiếp dân, bà thấy bốn cán bộ mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, găng tay. “Thấy tôi ái ngại, một cán bộ giải thích vì sao phải trang bị như vậy rồi động viên tôi an tâm trình bày nguyện vọng” - bà T. nhớ lại.

Ông Đinh Chí Thịnh - Chánh văn phòng HĐND và UBND Q.11 - cho hay UBND quận không để dịch bệnh ảnh hưởng tiến độ giải quyết các yêu cầu của công dân: “Dịch bệnh thế này, không ai mong muốn phải ra khỏi nhà. Cấp thiết lắm người ta mới đến”. Để đảm bảo an toàn và tạo sự yên tâm cho cả người dân lẫn cán bộ tiếp dân, ngoài trang bị dụng cụ bảo hộ, UBND quận còn điều phối số lượng người dân vào giao dịch, mỗi lần không quá 5 người.

Ngày 3/6, UBND TPHCM ban hành Công văn số 4230 quy định: Các cơ quan hành chính chủ động lựa chọn thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách để tiếp nhận trực tiếp, còn lại giải quyết qua giao dịch trực tuyến, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công; bố trí người dân đến giao dịch trực tiếp một cách hợp lý, tránh tập trung đông người. 

Tại Q.11, UBND quận bố trí không quá 50%, có lúc chỉ 1/3 cán bộ làm việc tại trụ sở, đơn vị; từng phòng, ban xây dựng phương án làm việc tại nhà, hướng dẫn người dân giao dịch trực tuyến, bố trí cán bộ sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ và giải quyết yêu cầu của dân.

Theo ông Đinh Chí Thịnh, từ đầu, quận dự báo cũng sẽ có không ít trường hợp người dân đến giao dịch các thủ tục hành chính không cấp bách. Do đó, ngay từ ngoài cổng trụ sở, UBND đã dán một thông báo có mã code. Người dân nào “lỡ” đến, chỉ cần quét mã code sẽ đăng nhập được cổng thông tin dịch vụ công Một cửa điện tử của thành phố và tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến. Ông Đinh Chí Thịnh cho biết, mặc dù thay đổi phương thức làm việc, đến nay, các phòng, ban, bộ phận vẫn giải quyết kịp thời, trôi chảy các thủ tục hành chính cho dân.

Người dân đến UBND Q.11 giao dịch hành chính thuộc lĩnh vực không cấp bách, được hướng dẫn để có thể nộp hồ sơ trực tuyến lên “một cửa điện tử” thông qua thông báo có mã code ngay trước trụ sở ủy ban
Người dân đến UBND Q.11 giao dịch hành chính thuộc lĩnh vực không cấp bách, được hướng dẫn để có thể nộp hồ sơ trực tuyến lên “một cửa điện tử” thông qua thông báo có mã code ngay trước trụ sở ủy ban

Đại diện UBND Q.3 cũng khẳng định, khi làm việc tại nhà, cán bộ thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo tiến độ và kết quả xử lý công việc. UBND quận cũng đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trực tuyến và trả kết quả đến tận nhà dân qua dịch vụ bưu chính. Qua phiếu đánh giá của người dân, 99,99% hài lòng đối với giải quyết thủ tục nộp hồ sơ của quận; khi nhận hồ sơ, 92,82% hài lòng vì giải quyết đúng hạn, 7,18% hài lòng vì đã giải quyết sớm.

Đến tận nhà trao tiền hỗ trợ

Sáng 10/7, bà N.T.L. - tạm trú P.4, Q.11, làm nghề bán vé số - được một cán bộ ở UBND phường gọi điện thoại báo sẽ đến nhà. Hơn mười phút sau, trong bộ quần áo bảo hộ, cán bộ này đã đến trao tận tay 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ của UBND TPHCM dành cho những người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bà L. kể, bà bán vé số hơn mười năm. Năm ngoái, bà đã nhận hỗ trợ; lần này, bà nhận tiếp 1,5 triệu đồng. Từ hôm UBND TPHCM yêu cầu tạm ngưng bán vé số, gia đình bà sống đắp đổi qua ngày bằng rau, gạo do người này người kia cho. “Nhà hết mắm, dầu mà trong túi không còn đồng nào. May người ta cho tôi tiền kịp thời” - bà L. xúc động. 

Bà L. nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM. Ngay khi được yêu cầu triển khai gói hỗ trợ, 16/16 phường của Q.11 nhanh chóng thông báo đến người dân, thu thập giấy tờ để kiểm tra, đối chiếu. Để đảm bảo giãn cách, UBND các phường của Q.11 không chi trả đại trà. Tùy phường, trừ các trường hợp có thể chi trả qua tài khoản ngân hàng, cán bộ luân phiên mang tiền hỗ trợ đến trao tận tay cho người dân hoặc bố trí khu vực chi trả rộng thoáng, thông báo người dân theo từng khung giờ và giới hạn số lượng đến nhận. 

Ông Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Q.11 - cho biết phòng ưu tiên tập trung cho công tác rà soát, kiểm duyệt; trường hợp nào đã được duyệt, cán bộ được phân công ưu tiên giải quyết ngay cho dân. Đến nay, 7.823 người bán hàng rong, bán vé số lưu động, thu gom rác… đã được nhận kinh phí hỗ trợ. Hiện phòng tiếp tục cập nhật danh sách đợt hai để kịp thời hỗ trợ, đồng thời tiếp tục rà soát các đối tượng khác theo quy định để chi trả trong thời gian sớm nhất.

Tại TP.Thủ Đức, đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, UBND các phường cũng nỗ lực triển khai cho khu phố thống kê, lập danh sách chi tiết để xét duyệt và chi hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tính đến ngày 19/7, đã có 24.810 người lao động tư do trên địa bàn TP.Thủ Đức được chi hỗ trợ (đạt 100%). Trong đó, có 1.029 người bán vé số cũng được xác minh, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 1.8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 19/7, Q.3 cũng đã chi tiền hỗ trợ cho 7.265 người dân với số tiền hơn 11,5 tỷ đồng. Cán bộ các phường mang kinh phí hỗ trợ đến trao tận tay những người trong khu cách ly, phong tỏa, đi lại khó khăn. Vì nhiều lý do, có nhiều trường hợp đã không đủ điều kiện để được xét duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết 09. Chính quyền các cấp đã mở rộng đường dây nóng để tiếp nhận mọi yêu cầu hỗ trợ từ người dân, các đơn vị, đồng thời tích cực vận động nguồn thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho nhóm nằm ngoài danh sách được nhận tiền từ gói hỗ trợ.

Cách đây vài hôm, chị Th. - ở trọ tại P.13, Q.3 - gọi điện đến đường dây nóng của phường xin được cứu xét. Chị Th. bán hàng rong, do mới chuyển về P.13 tạm trú nên không nhận được tiền hỗ trợ. Vợ chồng chị không còn tiền để mua sữa cho đứa con trai chưa đầy hai tuổi. “Sau cuộc gọi, đúng năm phút sau, một cán bộ gọi lại, hỏi con tôi uống loại sữa gì. Năm phút sau nữa, tôi được gọi ra trước nhà nhận sữa cho con” - chị Th. kể. Truy lại địa chỉ mà vợ chồng chị Th. tạm trú trước đây, cán bộ P.13 đã nhờ xác minh thông tin, đưa vào danh sách nhận hỗ trợ,  đồng thời đưa chị vào danh sách “chờ” để xét duyệt hỗ trợ của P.13. 

“Hiện tôi đã báo với UBND phường xin được rút khỏi danh sách chờ, vì nơi ở cũ đã kiểm tra, xác minh và đưa tôi vào diện được nhận gói hỗ trợ của UBND thành phố. Chuyện hộp sữa được trao tận tay hôm ấy, suốt đời này chắc tôi không bao giờ quên”. chị Th. chia sẻ.

Tuyết Dân
(Còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI