Nỗ lực ngăn chặn pháo từ biên giới đến “chợ mạng”

30/12/2022 - 06:55

PNO - Giáp tết, tình trạng vận chuyển pháo lậu qua biên giới trở nên hết sức nóng bỏng. Trong nội địa, pháo nổ được đưa lên mạng chào bán công khai dù bị cơ quan chức năng truy quét ráo riết.

Pháo nổ được quảng cáo, rao bán nhan nhản trên các trang mạng - ẢNH: SƠN VINH
Pháo nổ được quảng cáo, rao bán nhan nhản trên các trang mạng - Ảnh: Sơn Vinh

Mang “kho” pháo lên mạng xã hội

Trên nhóm Facebook có tên “Pháo tết 2023”, ngày 27/12, sau khoảng 10 phút, các đối tượng lại đưa hình ảnh hoặc viết bài rao bán pháo. Khác với mọi năm, người bán cho số điện thoại nhưng không mở máy mà yêu cầu khách liên lạc qua Zalo theo số điện thoại trên nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Trên nhóm này, có hàng chục tài khoản rao bán pháo lậu nhưng chỉ để lại duy nhất 1 số điện thoại 079xxxx922 để khách kết bạn Zalo, mua pháo. Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi được chủ máy cho hay, anh ta tên là Phạm Huy, ở TPHCM.

Sau vài câu trao đổi xã giao, Huy gửi cho chúng tôi danh mục 10 loại pháo đang bán, kèm giá tiền mua sỉ và lẻ. Giá pháo hoa 36 viên là 700.000 đồng/bệ nhưng nếu mua sỉ nguyên thùng (18 bệ), giá còn 9 triệu đồng, rẻ hơn giá lẻ 3,6 triệu đồng/thùng. “Bên tôi buôn bán uy tín, không yêu cầu đặt cọc nhưng chỉ nhận đơn hàng từ 2 triệu đồng trở lên để tiện giao” - Huy chốt.

Huy cho biết, nhóm của anh ta là kho sỉ, chuyên cung cấp pháo trong dịp tết. Khách đặt mua hàng, nhân viên của kho sẽ giao tận nhà; mua càng nhiều, giá càng giảm sâu.

Không chỉ rao bán, các đối tượng bán pháo lậu còn live stream (quay và phát trực tiếp) quảng cáo hàng. Trong 1 nhóm kín bán pháo lậu trên Facebook với 8.700 thành viên, tài khoản có tên T.M.L. và T.M.P. liên tục live stream quảng cáo pháo hoa nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan. 
T.M.P. cho biết, khách đặt hàng hay muốn xem kỹ hàng thì liên hệ số điện thoại 070xxxx060 qua Zalo. P. quảng cáo rằng mình đã bán pháo nhiều năm nên làm ăn uy tín, khách nhận hàng mới đưa tiền. Khách có thể mua sỉ hoặc lẻ, chỉ cần chốt đơn thì ngày sau sẽ được giao hàng tận nơi. Nếu mua trúng pháo lép, khách chụp hình lại, sẽ được đổi.

Chỉ cần gõ từ khóa “Pháo tết 2023” trên ô tìm kiếm của Facebook, sẽ hiện ra hàng chục trang, nhóm chuyên bán pháo lậu. Trên các trang, nhóm này, khi khách có yêu cầu, người bán không ngần ngại live stream hình ảnh kho pháo mà mình đang tàng trữ để lấy lòng tin.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM cho biết, trong kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự dịp tết Nguyên đán 2023 mà Ban giám đốc Công an TPHCM triển khai từ tháng 11/2022, có nội dung ngăn chặn, xử lý các đối tượng mua bán pháo lậu. Theo đó, việc xử lý pháo lậu do 3 đơn vị cùng phối hợp thực hiện, gồm Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Phòng An ninh mạng, Phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Ngày 22/12, lực lượng công an của TPHCM đã bắt giữ Nguyễn Văn Điệp - tạm trú ở phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức - khi người này đang tàng trữ 286kg pháo nổ các loại trong phòng trọ. Điệp khai, mua pháo từ một người lạ rồi đăng bài rao bán trên Facebook. Sau đó, Nguyễn Trọng Nghĩa - quê Hà Tĩnh, tạm trú ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức - mua pháo của Điệp rồi tiếp tục bán lại cho Đặng Văn Hoàn và Nguyễn Đình Chúc - cùng ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Khi Chúc và Hoàn bị Công an huyện Kỳ Anh khởi tố, bắt giam, “kho” pháo lậu trên mạng này đã bị phanh phui.

Chặn pháo lậu tuồn qua biên giới 

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, cuối năm, tình hình vận chuyển pháo lậu qua tuyến biên giới Campuchia diễn biến khá phức tạp. Năm 2022, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 7.778 cuộc tuần tra, mật phục với 43.779 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; 3.400 cuộc ngăn chặn, kiểm soát lưu động với 10.200 lượt người tham gia, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Cũng trong năm 2022, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ trên 1,3 tấn pháo lậu. 

Đối tượng vận chuyển pháo lậu bị Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ - ẢNH: LÊ QUÂN
Đối tượng vận chuyển pháo lậu bị Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ - Ảnh: Lê Quân

Đầu tháng 12/2022, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh đã thành lập chuyên án TN-1222P. Sau nhiều ngày theo dõi, khuya 12/12, ban chuyên án đã bắt giữ Lê Văn Sơn - ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh - khi Sơn đang lái ô tô chở 826kg pháo từ bờ sông Vàm Cỏ ra hướng trung tâm xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Sơn khai, đang chở pháo đi giao cho khách hàng ở tỉnh Bình Dương.

Mở rộng điều tra, ban chuyên án đã bắt giữ Nguyễn Khánh Thiện - chủ lô pháo, ở tỉnh Bình Phước và Đào Duy Phương - người mua pháo của Thiện, ở tỉnh Bình Dương. Các đối tượng khai, biết mua bán, vận chuyển pháo lậu là phạm pháp nhưng lại đổ thừa do hoàn cảnh…

Trong hơn 1 tháng qua, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt 84 vụ, 120 đối tượng vận chuyển và tàng trữ pháo nổ. Nổi cộm trong số này là Ngô Sỹ Vinh - ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình làm phụ xe, Vinh câu kết với một số đối tượng ở huyện Diễn Châu và Đô Lương vận chuyển gần 1 tấn pháo hoa các loại từ Lào về cất giấu để bán, kiếm lời trong dịp tết.

Bị truy quét gắt gao, các chủ xe hoặc tài xế ngụy trang tinh vi chỗ cất giấu pháo trên đường vận chuyển. Ngày 23/12, lực lượng chức năng đã kiểm tra xe tải chạy từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), do tài xế Đỗ Minh Tuấn (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng xe có một ngăn bí mật cao 30cm, rộng 2m, dài khoảng 3m, nối từ sau ghế lái đến đuôi xe, bên trong chứa 118 hộp pháo, mỗi hộp 36 quả, tổng trọng lượng 130kg.

Theo thiếu tá Nguyễn Khắc Hào - Phó đồn trưởng đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - mặc dù không nhộn nhịp như những năm trước nhưng khu vực cửa khẩu này vẫn luôn là điểm nóng về buôn lậu. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng thông thường, các đối tượng thường tìm cách tuồn pháo nổ, hàng cấm, ma túy từ Lào, Thái Lan về Việt Nam để tiêu thụ. Ngoài ngụy trang tinh vi, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng các đường ngang, lối mở để vận chuyển pháo nổ vào Việt Nam. Hiện đồn đã được tăng cường lực lượng, luôn duy trì từ 30-40 cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau tết.

Công an TPHCM tăng cường xử lý mua bán pháo nổ

Tại buổi họp báo chiều 28/12, thượng tá Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM - cho biết, trong năm 2022, Công an TPHCM đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, xử lý 224 vụ, 483 đối tượng có liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, Công an TPHCM cũng đã xử lý 27 vụ, 30 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo nổ.

“Sắp tới, Công an TPHCM sẽ triển khai các mặt công tác để bảo vệ tuyệt đối an toàn trong dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời, các đơn vị thuộc Công an TPHCM sẽ tăng cường các biện pháp quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ trong dịp tết dưới mọi hình thức” - thượng tá Nguyễn Ngọc Hà thông tin thêm

 

Nhóm học sinh chế pháo nổ ở tỉnh Nghệ An - ẢNH: PHAN NGỌC
Nhóm học sinh chế pháo nổ ở tỉnh Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Phát hiện thiếu niên, học sinh mua nguyên liệu, tự chế pháo nổ 

Sáng 30/11, Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 4 nam sinh Trường THCS Nam Thanh (huyện Nam Đàn) mang theo 25 cuộn giấy dùng làm thân pháo, 1 cuộn dây dẫn cháy làm ngòi nổ, 1 cuộn băng dính và một số nguyên liệu khác đến trường để chế pháo nổ. Nhóm nam sinh tường trình, do muốn có pháo để đốt nên rủ nhau góp tiền mua các nguyên liệu, linh kiện trên để sản xuất pháo.

Mới đây, Công an huyện Nam Đàn phát hiện em H.T.Q. - 15 tuổi, ở huyện Nam Đàn - mang theo 1 túi đựng chất kaliclorat, 1 túi đựng lưu huỳnh, 1 túi đựng thuốc pháo và 32 cuộn pháo tự chế. Em này cho biết, đã đặt mua nguyên liệu rồi về tự chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội. 

Cách đây không lâu, T.Đ.T. - 17 tuổi, ở TP Vinh - bị công an bắt giữ khi đang mang 16 quả pháo tự chế đi bán cho khách. Khám xét nơi ở, công an phát hiện thêm 9 quả pháo ở nhà T. và 71 quả pháo ở nhà một nam sinh khác cùng xã. T. khai, số pháo này do các em tự chế bằng giấy A3, băng keo, lưu huỳnh, muối và bán với giá 200.000 đồng/quả.

Ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An - cho biết, trong hơn nửa tháng qua, công an xã này đã phát hiện 19 học sinh - chủ yếu là học sinh THCS - tàng trữ, sản xuất pháo nổ. Công an đã thu giữ 9kg pháo nổ thành phẩm, 4kg vật liệu để sản xuất pháo. Ông cho hay, do các em còn nhỏ tuổi nên công an xã chỉ mời phụ huynh lên làm việc, yêu cầu cam kết không tiếp tục chế tạo và dùng pháo nổ: “Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi cũng đã phối hợp với các trường tuyên truyền về tác hại của pháo cho học sinh”.

Bán pháo hoa không tiếng nổ với giá “trên trời”

Theo quy định pháp luật, người dân được phép sử dụng loại pháo hoa không tiếng nổ trong dịp tết. 

Hiện loại pháo này do Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 (Z121) sản xuất, niêm yết giá công khai. Theo đó, giá ống phun nước bạc ngoài trời là 25.000 đồng/ống, ống phun nước bạc trong nhà là 26.000 đồng/ống, ống phun hoa lửa cầm tay loại 200mm là 33.000 đồng/túi 5 ống, ống phun hoa lửa cầm tay loại 150mm là 32.000 đồng/túi. Giá cây hoa lửa là 13.000 đồng/túi 10 cây, cánh hoa xoay 55.000 đồng/cái, thác nước bạc loại 2m là 450.000 đồng/dây, 
con sò đổi màu 85.000 đồng/túi 3 cái, giàn phun viên 308.000 đồng/giàn, giàn phun hoa 330.000 đồng/giàn và vòng xoay hoa lửa 65.000 đồng/cái.

Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, rất nhiều bài rao bán các loại pháo hoa không tiếng nổ với giá từ 600.000-700.000 đồng/giàn, cao gấp 2-3 lần so với giá niêm yết. Trên các sàn thương mại điện tử, cũng có nhiều cửa hàng đăng bán pháo hoa với giá cao hơn 2-3 lần so với giá niêm yết của Z121.


 Phan Ngọc - Sơn Vinh - Lê Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI