PNO - Mỗi khi xảy ra sự việc đau lòng do vấn đề tâm lý của học sinh, dư luận lại nóng lên chuyện tư vấn tâm lý học đường. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Năm học mới sắp bắt đầu, những khó khăn của công tác này vẫn còn đó. Làm thế nào để có thể lấp đầy “lỗ hổng’’ đáng lo ngại này?
Tháng 9/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục của Trường đại học Sư phạm TPHCM đã thực hiện nghiên cứu sức khỏe tinh thần trên 6.575 học sinh (HS) từ 12-16 tuổi tại TPHCM. Kết quả của nghiên cứu đáng báo động: HS lo âu ở mức độ “nặng” và “rất nặng” chiếm tỉ lệ cao (21,13%) so với trầm cảm (10%) và stress (11,7%). Báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam năm 2021 cũng cho thấy có đến 21,7% trẻ vị thành niên ở Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên chỉ có 8,4% trong số đó được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý. Từ đó có thể kéo theo những nguy cơ về rối loạn hành vi như nghiện game, internet, lạm dụng chất gây nghiện; tự hủy hoại bản thân; nảy sinh ý định tự tử… hoặc ảnh hưởng gián tiếp đến các mối quan hệ trong môi trường học đường.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân trong một buổi tư vấn tâm lý ở trường - Ảnh do nhà trường cung cấp
Tiến sĩ tâm lý học Giang Thiên Vũ - thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục - cho biết, những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của HS là áp lực học tập, thi cử; hoang mang về sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì nhưng thiếu sự đồng hành, hỗ trợ từ cha mẹ, thầy cô; không được định hướng về nghề nghiệp và lựa chọn tổ hợp bậc học THPT một cách phù hợp. Trong đó, áp lực về bài vở, ôn tập, các kỳ thi hoặc nội dung và phương pháp học tập là 1 trong 7 yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến mức độ stress, lo âu, trầm cảm của HS. Thực tiễn xã hội cũng đã cho thấy rất nhiều trẻ vị thành niên hiện nay vì không thể tự xử lý được các vấn đề này mà đã đi đến những hành động tiêu cực, làm hại bản thân.
Do đó, ngoài việc thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường, đảm bảo cán bộ tư vấn có chuyên môn và kinh nghiệm, nhà trường cũng phải thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về các vấn đề như quản lý cảm xúc, ứng phó với áp lực thi cử, các kỹ năng giải quyết vấn đề trong học tập… giúp các em tự trang bị được kiến thức và kỹ năng xử lý khi đối diện với các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM - cũng nhận định xã hội phát triển đã kéo theo nhiều vấn đề trong tâm lý HS. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường còn rất mỏng. Một số trường đã chuẩn bị được phòng tư vấn tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản. Nhưng rất nhiều trường đang phải sử dụng giáo viên dạy những môn khác để kiêm nhiệm. Những người này có thể chưa có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm công tác tư vấn chuyên nghiệp. “Việc tư vấn cần đặc biệt thận trọng bởi nếu đưa ra lời khuyên hoặc hướng giải quyết không phù hợp thì sửa chữa sẽ rất khó, thậm chí khiến tinh thần các cháu thêm sa sút và gặp nhiều bất lợi” - tiến sĩ Đinh Phương Duy nhấn mạnh.
Giáo viên phải vừa dạy, vừa tư vấn
Thực tế, các trường học có chú trọng đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn và hiệu quả chưa cao do thiếu nhân sự và kinh phí. Ông Đỗ Dương Cung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) - cho biết, trường đã bố trí phòng tư vấn từ lâu nhưng vì không có định biên cho chuyên viên tư vấn nên phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm. Mọi vấn đề tư vấn đều phải đảm bảo nguyên tắc riêng tư, nhưng nếu nghiêm trọng thì giáo viên sẽ báo cáo để nhà trường nắm rõ.
Được cử đi học bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tâm lý 6 tháng tại Trường đại học Sư phạm TPHCM, cô Đinh Thị Quỳnh Liên - dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - đã kiêm nhiệm công tác này được 5 năm. Ngoài thời gian dạy, cô trực tại phòng tư vấn 3 buổi/tuần. HS cũng có thể liên hệ với cô qua số điện thoại hoặc Zalo, Facebook. Tuy nhiên, vì chỉ nắm được kiến thức cơ bản nên cô đôi khi không thể đưa ra hướng giải quyết cho HS. Cô phải thường xuyên hỏi thăm, kết bạn với nhiều thầy cô có chuyên môn để học hỏi thêm hoặc làm trung gian cho HS liên hệ. “Vì kiêm nhiệm nên nhiều khi HS cần sự hỗ trợ ngay tức thời thì tôi lại đang trong tiết dạy. Đến lúc liên hệ lại thì cảm xúc của các em đã qua hoặc đã tự tìm cách giải quyết. Giá như có một người chuyên tâm cho công tác tư vấn thì sẽ tốt hơn”, cô chia sẻ.
Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) bố trí đến 3 giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý học đường. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, các thầy cô sẽ luân phiên ca trực để tối đa thời gian hỗ trợ HS. Phần lớn những em “nổi loạn” đều do tác động của việc cha mẹ ly thân, ly hôn hoặc không nhận được sự quan tâm. Do đó, thầy cô thường phải chủ đồng quan sát và đề xuất hỗ trợ các em.
Còn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) thì có hẳn 1 chuyên gia tư vấn tâm lý từ 5 năm nay nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh. Bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Sở dĩ trường không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm là vì sợ các em ngại chia sẻ những bức xúc, thậm chí là về thầy cô, cha mẹ với những người đang trực tiếp dạy mình. Tuy nhiên, vì không đủ kinh phí nên trường chỉ có thể hợp đồng với chuyên gia 3 buổi/tuần, thời gian còn lại phải thông qua hộp thư hoặc các dạng thức khác”.
Từ thực trạng trên, tiến sĩ Đinh Phương Duy đề xuất các trường có thể liên kết để ký hợp đồng với các chuyên viên tư vấn tâm lý. Ví dụ, các trường THPT trong một quận hợp tác để thuê chuyên viên lần lượt trực vào các ngày trong tuần để giảm chi phí. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn trực tuyến qua điện thoại, qua các nền tảng mạng xã hội để kịp thời giải quyết vấn đề cho các em. Ngoài ra, Trường đại học Sư phạm TPHCM, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường đại học Mở TPHCM… cũng đã mở ra các chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn tâm lý, các thầy cô có thể tham gia.
Gỡ khó từ khâu đào tạo
Trước đây, Trường đại học Sư phạm TPHCM và một số trường đào tạo chuyên ngành tâm lý để phục vụ cho hoạt động sư phạm là chủ yếu, còn hạn chế về khía cạnh chuyên viên tư vấn. Hiện nay, việc Trường đại học Sư phạm TPHCM mở ra ngành tâm lý học giáo dục và nhiều cuốn sách tâm lý học đường được biên soạn… đã cho thấy sự chuyển hướng từ đào tạo tâm lý nói chung sang đào tạo chuyên gia tư vấn tâm lý học đường một cách chuyên nghiệp.
Tuy vậy, không ít người học tâm lý học giáo dục sau đó không làm chuyên viên tư vấn tâm lý học đường mà trở thành nhà tư vấn, hỗ trợ kỹ năng sống hoặc làm việc cho các đơn vị, tổ chức khác. Nguồn nhân sự cứ thế thiếu hụt trong thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục và trường đại học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu ngành học đến với nhiều thí sinh hơn; thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi chuyên môn để nâng cao kỹ năng tham vấn của các thầy cô và người tham vấn.
Tiến sĩ Đinh Phương Duy
Tại hội thảo tham vấn chính sách về hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tổ chức vào đầu tháng Tám, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Trong đó chú trọng các vấn đề về nguồn lực triển khai, nội dung hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, đề xuất vị trí việc làm tư vấn HS... Bên cạnh đó, tham mưu ban hành các văn bản, quy định về công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục HS, có sự phối hợp triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ HS tại các cơ sở giáo dục.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.