Nỗ lực làm “bác sĩ” riêng của vợ

25/01/2022 - 05:44

PNO - “Chúng tôi tin rằng, dù thời đại có hiện đại đến đâu, đàn ông vẫn cần được vợ tôn trọng để có đà phấn đấu làm trụ cột cho gia đình. Người phụ nữ, ngoài đời có giỏi giang bao nhiêu thì về nhà vẫn phải là người tế nhị, dịu dàng để chồng con có thể chia sẻ, gần gũi”. Đó là quan điểm của một cặp đôi sau 45 năm chung sống.

 

Không theo chuẩn “nhà giàu, đẹp trai” 

Cô gái Phạm Thị Hải từ Hải Phòng khăn gói lên Hà Nội. Anh Nguyễn Như Bình đến Hà Nội từ Quảng Ninh.  Chàng trai và cô gái gặp nhau vào năm 1975 tại Trường đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Cô gái đầy nhiệt huyết, xinh xắn ấy dạy tiếng Nga. Còn anh dạy môn Dự báo Kinh tế tại Khoa Kế hoạch. 

Hai người cùng chung hoài bão, mang kiến thức đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Ngày trước, khi yêu nhau các cặp đôi “trí thức” thường rất thơ mộng. Họ hay đi dạo ở công viên, kể cho nhau nghe những câu chuyện ở trường, ở lớp, ở quê nhà… Lần đầu anh cầm tay chị, chị có linh cảm đã gặp một nửa của mình, sự rung động rất tinh tế nhưng cũng thực tế và thế là chị đi theo con tim…

Ngày họ mới cưới nhau
Ngày họ mới cưới nhau

 

Khi chị đưa bạn trai về ra mắt nhà mình, các em chị dường như “không nhiệt liệt tán thành”. Mấy cô em gái của chị nhận xét thẳng thắn về anh rể tương lai, rằng hình thức không tương xứng với chị. 

Chị xinh đẹp, học giỏi, là con cả trong gia đình đã chung vai cùng bố mẹ chăm lo bảy đứa em. Các em bầu chị là “hoa hậu, là ánh sao của gia đình”. Thương và hiểu các em, tuy nhiên, tính chị khẳng khái, quyết đoán và chị có quan điểm riêng của mình về tình yêu, một khi chị đã quyết thì không ai có thể can nổi. Chị không quan niệm chọn chồng theo chuẩn “nhà giàu, đẹp trai”… Chị yêu anh ở những điều đặc biệt mà chị đã nhìn thấy. 

Hai gia đình cùng hẹn nhau làm lễ ăn hỏi tại Hải Phòng. Bố mẹ chị thương gia đình nhà trai ở xa, nên bàn với nhau giảm bớt phức tạp, chuyển lễ ăn hỏi thành lễ cưới. Bà mẹ chồng bất ngờ và cảm động. Bà cũng hối thúc con trai mượn tiền góp thêm với bên nhà gái. 

Đám cưới tại Hà Nội do anh chị tổ chức, có họ hàng nhà chồng, đại diện từ Quảng Ninh lên. Lúc ấy hai bên gia đình đều khó khăn. Áo dài cô dâu mặc mượn của một người bạn. Do kích cỡ hai người khác nhau nên chiếc quần quá ngắn, cô dâu phải nối thêm vải. 

Đám cưới tổ chức đơn giản với vài bao thuốc lá và ít bánh kẹo để tiếp khách. Bạn bè xúm tay giúp làm hai mâm cơm để mời gia đình hai bên và bạn bè thân thiết. Anh chị được trường phân chia cho một phòng sáu mét vuông. Vào những năm 1970-1980, như vậy là rất lý tưởng, là được sự ưu ái của nhà trường. Căn phòng nhỏ tràn sách vở, giáo án của hai vợ chồng trẻ. Nhưng anh chị ngập trong hạnh phúc khi hai tâm hồn tri thức được yêu nhau và sống bên nhau. 

Hai vợ chồng công tác tại Hà Nội nên thi thoảng sắp xếp thời gian, tranh thủ ngày nghỉ phép, lễ tết về thăm hai gia đình nội ngoại. Không làm dâu, nhưng chị được mẹ chồng rất thương và chị cũng sốt sắng đáp lại tình yêu thương ấy. 

“Tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng gánh cả lồng gà mẹ nuôi ở quê mang lên bồi dưỡng cho con dâu. Mẹ chồng như vậy, hỏi sao tôi không xem  như mẹ ruột”, chị tâm sự, rơm rớm nước mắt khi kể về mẹ chồng. 

Tiếp sức cho chồng 

Hai vợ chồng hai bàn tay trắng cùng chung sức xây dựng tổ ấm. “Anh ấy cần cù, chịu khó và định làm gì thì đi tới cùng, không bàn lui, bỏ dở. Đó là một trong những cá tính của anh làm con tim tôi rung động cho tới tận bây giờ…”, chị chia sẻ.

Anh mê học, lấy bằng tiến sĩ tại Đức, anh sang Mỹ nhận học bổng Fulbright, rồi đi Nhật Bản nghiên cứu… Anh tự học ngoại ngữ, nghiên cứu chuyên môn, làm tấm gương vượt khó cho học sinh, cho con cháu. 

Ngoài những giờ lên bục giảng, chị gồng gánh việc nhà và chăm sóc các con để chồng tập trung phát huy khả năng. Chị giảng dạy tiếng Nga, rồi học bằng đại học hai môn tiếng Anh. Chị co kéo, vun vén đồng lương giáo viên để chăm lo chu toàn cho đại gia đình. Khó khăn nhiều nhưng với niềm tin yêu và lạc quan, bà vợ hậu phương vững vàng là chị đã tiếp sức cho anh lên đỉnh cao sự nghiệp. Chị kể: “Ngày ấy, có đêm trời mưa rả rích, nghe bản nhạc Nga buồn buồn, lại một mình ôm con, da diết nhớ chồng, thương chồng. Đó là năm 1984, lúc anh đang học nghiên cứu sinh tại Đức”.  

Sau 45 năm chung sống, họ ngày càng hạnh phúc
Sau 45 năm chung sống, họ ngày càng hạnh phúc

Khi anh ở nhà, những đêm con ốm, con khóc anh là người ẵm con, ru con ngủ. Để bù đắp tháng ngày chị thiếu vắng anh, mỗi khi chị ốm đau, anh chăm vợ ân cần chu đáo. Bất cứ khi nào nghe tin ở đâu có thầy thuốc giỏi anh đều đưa chị đến khám, lấy thuốc. Rồi anh ghi ghi chép chép, sau này tập hợp tài liệu trở thành “chuyên gia” sức khỏe của vợ. Khi anh đi giảng dạy xa nhà, biết chị ốm, buổi tối anh dành thời gian chữa bệnh từ xa, truyền năng lượng tích cực cho chị.

Năm ngoái chị bị chảy máu dạ dày, phải cấp cứu. Thời buổi dịch bệnh, anh không cho các con vào viện chăm mẹ. Chỉ có anh bên chị suốt một tuần trong bệnh viện. Rồi anh học thêm môn khí công dưỡng sinh, nghiên cứu, học hỏi các kiến thức y khoa để đóng vai trò “bác sĩ” riêng của vợ, giúp chị sống khỏe mạnh, thoải mái và hạnh phúc. Nhờ vậy mà chị thoát được các căn bệnh thoái hóa khớp gối, hen phế quản…

Anh chị là một cặp bù trừ cho nhau. Chị là người hay nói, còn anh kiệm lời. Chị là người cởi mở, anh kín đáo, sâu sắc. Dù đi qua những năm tháng thiếu thốn, nhưng nếu thời gian trở lại, họ cũng vẫn chọn công việc dạy học.

Ở tuổi 70, họ thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau, các con trưởng thành, các cháu ngoan ngoãn. Họ có hai con gái, một con trai. Hai con gái đã lập gia đình. Cô con gái đầu  sinh năm 1977, cũng là giáo viên, học hàm tiến sĩ và đã được phong phó giáo sư. 

Khánh Phương

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI