Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, không khó nhận ra điểm nhấn mà Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI - 2019 (diễn ra từ ngày 23/11 đến 27/11 tại TP.Vũng Tàu) muốn hướng đến là cụm từ “hội nhập”, thể hiện qua việc lựa chọn mười sáu tác phẩm phim truyện điện ảnh - hạng mục quan trọng nhất của liên hoan phim - dự thi.
Cũ mà mới
Sau một kỳ vắng bóng ở Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2017, điện ảnh nhà nước đã nhập cuộc trở lại đường đua Bông sen vàng với bốn phim Thạch Thảo, Nơi ta không thuộc về, Hợp đồng bán mình và Truyền thuyết về Quán Tiên, giúp LHP năm nay không bị đơn điệu như kỳ LHP trước.
|
Cảnh phim Truyền thuyết về quán tiên |
Cùng với bốn phim này, mười hai phim còn lại Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Song lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Thưa mẹ con đi, cho thấy dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt trong hai năm qua trên nhiều mặt: chủ động hội nhập, đổi mới góc tiếp cận, đa dạng hóa dòng phim…
Với phim Nhà nước đặt hàng, đề tài khai thác không còn luẩn quẩn ở yếu tố chiến tranh - hậu chiến (Nơi ta không thuộc về, Truyền thuyết về Quán Tiên) mà còn trải ra những vấn đề hiện đại như chuyện tình chân dài - đại gia (Hợp đồng bán mình), thanh xuân học đường (Thạch Thảo). Điều này phần nào phản ánh tư duy tiến bộ và sự chuyển mình trong cách làm phim đặt hàng.
Góc nhìn về chiến tranh trong Nơi ta không thuộc về và Truyền thuyết về Quán Tiên dưới con mắt của hai đạo diễn thế hệ 8X là Đặng Thái Huyền và Đinh Tuấn Vũ có khốc liệt nhưng không khô khan, mà lạc quan, lãng mạn thông qua việc khắc họa hình ảnh trẻ trung yêu đời của những cô gái dân công, thanh niên xung phong. Phim Hợp đồng bán mình cố gắng “mềm hóa” tính chính luận bằng những yếu tố mang tính giải trí, như chọn diễn viên trẻ đẹp, ăn mặc gợi cảm, thêm thắt những màn đánh đấm, đua xe tốc độ cao.
Thạch Thảo không bị rơi vào lối mòn mô tả đời sống miền núi khó khăn, nghèo khổ, mà chọn góc nhìn tươi sáng, trong trẻo thông qua việc xây dựng dàn nhân vật, tình tiết hiện đại.
|
Phim Hai Phượng đánh dấu nỗ lực hội nhập của điện ảnh Việt Nam với thế giới |
Trong khi phim nhà nước cố gắng “hội nhập” với dòng phim tư nhân để xóa cái mác “cúng cụ”, thì ở các phim tư nhân, mức độ “hội nhập” được nhìn thấy ở nỗ lực tiệm cận chuẩn quốc tế, nhất là khâu kỹ thuật. Những màn hành động trong Hai Phượng hay Người bất tử quyết liệt, chân thật, đẹp mắt không thua gì phim nước ngoài. Việc Hai Phượng cùng với Lật mặt: Nhà có khách được phát hành ở nước ngoài cho thấy phim Việt đã tiến thêm một bước trong quá trình hội nhập thị trường quốc tế. Những thành quả này có được nhờ trình độ nhân sự trong nước đã có nhiều tiến bộ, thêm vào đó là sự “đổ bộ” của nguồn chất xám Việt kiều - nước ngoài.
Thách thức phía trước
Diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực điện ảnh vừa trải qua nhiều “sự cố” lớn, từ việc phim Vợ ba bị lên án vì sử dụng trẻ em mười ba tuổi đóng “cảnh nóng”, phim Ròm đoạt giải cao tại LHP Busan trong khi chưa được cấp phép đi thi, phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò trên bản đồ bị lọt lưới ra rạp, có lẽ chưa bao giờ hai chữ “hội nhập” trở thành cụm từ mang nhiều ý nghĩa, tính thời sự tại một kỳ LHP như LHP Việt Nam năm nay.
Hội nhập thể hiện khát khao vươn lên của điện ảnh Việt, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở về việc giữ gìn bản sắc, chất dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Mười sáu phim truyện điện ảnh dự thi phần lớn mới chỉ vẽ nên một bức tranh phim Việt rặt màu thị trường, thiếu hẳn những tiếng nói riêng, góc nhìn mới lạ - thứ tạo nên cá tính của một nền điện ảnh trên bước đường hội nhập. Làm phim hướng đến doanh thu là chuyện bình thường, nhưng một nền điện ảnh mà chỉ có những tác phẩm chiều theo thị hiếu số đông, rập khuôn công thức để ăn khách là chuyện bất bình thường.
Trailer phim Lật mặt: Nhà có khách
Với hai nội dung của hội thảo tại LHP lần này là Bối cảnh quay phim tại Việt Nam, Nâng cao chất lượng phim Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ước muốn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Điện ảnh đưa vị thế điện ảnh Việt lên tầm thế giới càng lộ rõ. Tham vọng này chẳng có gì sai, những cuộc hội thảo chuyên môn như thế này cũng rất cần thiết, chỉ có điều những ý kiến trong hội thảo rồi sẽ đi về đâu, bởi đây không phải lần đầu những chủ đề trên được đề cập.
Sự thành bại của một LHP phụ thuộc chất lượng tổ chức và chất lượng tác phẩm. LHP Việt Nam lần thứ XXI chưa diễn ra nên chưa bàn đến chất lượng tổ chức, nhưng xét về chất lượng phim thì LHP năm nay có lẽ đang gặp khó, bởi hiếm có tác phẩm nổi trội làm hài lòng khán giả lẫn giới chuyên môn như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay Em chưa 18 - những phim chiến thắng các kỳ LHP trước.
Hương Nhu