Nỗ lực giúp người lao động yên tâm ở lại thành phố

18/08/2021 - 07:02

PNO - Hàng chục, hàng trăm ngàn người lao động đến từ nhiều vùng quê hiện đang phải bất đắc dĩ ở lại TPHCM, tiếp tục chống chọi với khó khăn, kiệt quệ. Chính quyền, đoàn thể và người dân ở các địa phương của TPHCM đang nỗ lực giúp họ vượt qua quãng thời gian ngặt nghèo này. Ngoài những gói hỗ trợ của chính quyền thành phố, của những tổ chức, cá nhân thiện nguyện, còn có những khoản miễn giảm tiền thuê nhà từ các chủ nhà trọ... Tất cả vì mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ấm áp “nhà trọ 0 đồng”

Trong hai ngày 16, 17/8, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của TP.Thủ Đức đã trực tiếp đến 32 khu nhà trọ để động viên công nhân, người lao động nhập cư yên tâm ở lại, đồng thời cảm ơn sự chia sẻ của các chủ nhà trọ với người thuê phòng. Những chủ trọ này đã giảm tiền thuê phòng 20-50% suốt mấy tháng qua. Khi thấy dịch bệnh có khả năng kéo dài khiến người lao động thêm khổ, một số chủ trọ quyết định miễn tiền phòng, chỉ thu tiền điện, nước. 

Chị Phạm Thị Thủy Tiên - 43 tuổi, ở khu phố 5, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức - chẳng những miễn tiền phòng trọ mà còn hai lần tặng tiền cho người thuê trọ (1,5 triệu và 1 triệu đồng/phòng). Chị còn kết nối các nhà hảo tâm để có nguồn rau củ, gạo mắm chia cho mọi người. 

Vợ chồng chị Thủy Tiên là giáo viên, tích cóp xây khu trọ hồi năm 2013, giá cho thuê 1,8 triệu đồng/phòng/tháng. Người thuê trọ đa phần là công nhân, phụ hồ, sinh viên đến từ Quảng Ngãi, Quảng Trị. Khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, vợ chồng chị bàn nhau giảm 50% tiền thuê cho những người còn đi làm và miễn hoàn toàn cho những người mất việc. “Dịch kéo dài quá, tôi lo các bạn trụ không nổi. Đọc báo, thấy bà con mình tay bồng tay bế, ngồi xe máy hàng ngàn cây số về quê mà xót. Nhà tôi vẫn còn lo được cơm rau, không đành lòng lấy tiền của các bạn lúc này” - chị Thủy Tiên tâm sự. 

Người lao động tự do ở TP.HCM đã mất việc suốt nhiều tháng qua nên sống chủ yếu bằng thực phẩm do chính quyền và mạnh thường quân cứu trợ ẢNH: SƠN VINH
Người lao động tự do ở TPHCM đã mất việc suốt nhiều tháng qua nên sống chủ yếu bằng thực phẩm do chính quyền và mạnh thường quân cứu trợ Ảnh: Sơn Vinh

Tương tự, dì Lê Thị Đặng - 88 tuổi, ở khu phố 1, P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức - đã miễn tiền thuê cho cả khu trọ từ tháng Năm tới nay. Nghe tôi hỏi chuyện, bà thủng thẳng: “Thất thu gần 100 triệu đồng nhưng không sao đâu con. Tháng Chín, tháng Mười còn dịch thì dì vẫn cho tụi nó hết, dì nói rõ vậy rồi. 16 phòng, giờ mất việc hết thì tiền đâu mà họ đóng? Dì có lương hưu 7 triệu đồng/tháng, vậy là đủ ấm rồi”. 

Do có ca nhiễm COVID-19, khu trọ của dì Đặng bị phong tỏa, chỉ mới được tháo dây hơn tuần nay. Suốt những ngày phong tỏa, dù tuổi cao, dì vẫn chủ động kết nối thông tin để chính quyền địa phương hỗ trợ thực phẩm cho từng phòng. “Dì không để đứa nào đói đâu, tụi con yên tâm ở đây đi” - dì Đặng vừa thông báo như vậy cho cả khu trọ. 

Mong cho nhau được bình an

Trong hai tháng 6 và 7/2021, chị Lê Thị Kim Chi - 49 tuổi, chủ khu nhà trọ 40 phòng ở khu phố 3, P.An Phú, TP.Thủ Đức - đã giảm 500.000 đồng/phòng/tháng (giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng) cho cả khu trọ. Bước vào tháng Tám, chị quyết định miễn toàn bộ tiền nhà trọ hai tháng Tám và Chín. 

Chị Lê Thị Kim Chi (bìa trái) hỗ trợ thực phẩm và động viên vợ chồng chị Cương ở lại TP.HCM
Chị Lê Thị Kim Chi (bìa trái) hỗ trợ thực phẩm và động viên vợ chồng chị Cương ở lại TPHCM

Chị tâm sự: “Thật đau lòng khi thấy bà con mình “tháo chạy” khỏi thành phố. Hẳn là các bạn đã cạn tiền rồi, không cầm cự được nữa. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này, mình chia sớt được phần nào hay phần đó nên quyết định miễn tiền trọ hai tháng. Tôi mua một ít rau củ quả gộp với quà của chính quyền, đoàn thể địa phương cho nên tinh thần các bạn cũng ổn, không tìm cách về quê”. 

Đang lao đao vì dịch COVID-19 như phần đông người làm ăn khác, nhưng anh Hồ Trọng Nghĩa - 40 tuổi, ở khu phố 4, P.Phước Long A, TP.Thủ Đức - đã và đang rút từng đồng tiền tích cóp bấy lâu nay ra chia sẻ cho anh em thuê trọ chỗ mình. Chiều 16/8, anh nhắn: “Tháng này mình miễn tiền nhà nhé. Cả tháng Chín nữa. Chiều mai, mình mua ít gạo và gia vị cho, phòng nào cũng có. Các bạn bình tĩnh cùng nhau chống dịch, chúng ta sẽ sớm ổn thôi. Giờ đánh liều về quê, đường xa nguy hiểm, cộng với nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khổ lắm”. 

Chính vợ chồng anh Nghĩa cũng đang mắc kẹt lại TPHCM. Hai cô con gái của anh chị hiện ở tỉnh Tiền Giang với ông bà ngoại; cách xa mấy tháng trời, các bé cứ nằng nặc đòi gặp cha mẹ, nhưng đành chịu. “Vợ chồng tôi cũng muốn về quê với con, với cha mẹ. Nhưng mình nghĩ, ở quê, năng lực y tế, nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế, mình về quê lúc này có thể làm tăng gánh nặng cho quê mình”. 

Ngoài khu trọ 20 phòng ở P.Phước Long A xây hồi năm 2010 với giá thuê 1,6 triệu đồng/phòng/tháng, anh Nghĩa còn làm chủ một công ty tư vấn du học ở P.12, Q.Bình Thạnh. Công ty mới thành lập được hai năm nay, đúng lúc dịch COVID-19 hoành hành. Anh chia sẻ: “Vợ tôi xưa làm công nhân, hơn một năm nay nghỉ, mở quán ốc bán được mấy tháng thì phải dẹp. Công ty thì tháng nào cũng phải trả tiền thuê mặt bằng 20 triệu đồng. Đang dịch mà chủ còn đòi tăng thêm 5 triệu đồng nên tôi trả mặt bằng hồi đầu tháng Tám. Trước kia, lo làm ăn nên tôi thuê người quản lý khu trọ, gần đây mới dọn về ở. Có dịp gần gũi, nghe anh em tâm sự, mới hiểu cái khó, cái khổ của người lao động xa quê. Thương, rất thương. Mình còn sức khỏe là mừng rồi, tiền thì sau này mình kiếm. Hiện tại, tôi chỉ mong bình an cho tất cả, cố gắng giúp nhau hết mức có thể, chừng nào hết dịch rồi tính”. 

 

Bên cạnh thăm hỏi, trong ngày 16/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Thủ Đức cũng biểu dương chị Phạm Thị Thủy Tiên về những đóng góp thiết thực vì người lao động trong thời gian dịch bệnh
Bên cạnh thăm hỏi, trong ngày 16/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Thủ Đức cũng biểu dương chị Phạm Thị Thủy Tiên về những đóng góp thiết thực vì người lao động trong thời gian dịch bệnh

Tổ chức đưa đón người dân về quê an toàn, chu đáo

Chiều 16/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành công điện của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu không để người dân tự ý rời nơi đang thực hiện giãn cách xã hội về quê; trường hợp tự ý về quê, đã qua tỉnh khác thì các tỉnh phải tiếp nhận, quản lý, đảm bảo an toàn. Các tỉnh, thành phố lên phương án với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người nhất thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo, lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ.

 

Không để người dân về quê tự phát

Ông Ngô Ngọc Lý - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam P.An Lạc, Q.Bình Tân - cho biết qua thống kê sơ bộ, toàn phường có khoảng 13.000 hộ dân gặp khó khăn trong đại dịch. Chính quyền, đoàn thể phường đã vận động các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ họ. Hiện các tổ trưởng dân phố đang vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ.

Ngày 16/8, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân - đã đến tận phòng trọ ở đường Nguyễn Thị Tú của vợ chồng Trần Thanh Luận - Lê Thị Quỳnh (quê tỉnh Quảng Trị) để thăm hỏi, tặng quà. Trước đó một ngày, vợ chồng anh Luận cùng hàng chục đồng hương mất việc làm ở Q.Bình Tân và H.Bình Chánh rủ nhau về quê bằng xe máy. Khi đoàn người đến ngã tư Bà Điểm (H.Hóc Môn), lực lượng chức năng chặn lại, vận động quay trở về phòng trọ. 

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, khi vận động họ quay lại phòng trọ, UBND P.Bình Hưng Hòa B lập danh sách, chờ tổ chức được chuyến xe nghĩa tình thì sẽ thông báo, tránh trường hợp về tự phát. UBND phường cũng lập danh sách để người thuê trọ đăng ký tiêm vắc-xin, cung cấp địa chỉ trung tâm an sinh của phường để họ đến nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu khi có nhu cầu.

 

Mẫn Nhi - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI