Nỗ lực gieo hạt mầm “mê sách” cho học trò

16/04/2024 - 06:06

PNO - Giữa lúc trẻ em dễ bị thu hút bởi game, lướt TikTok, xem ti vi…, nhiều phụ huynh, giáo viên đã nỗ lực để từng bước đưa sách trở thành lựa chọn yêu thích của các em.

Tiết học đặc biệt ở Đường Sách

Một buổi sáng tháng Tư ở TPHCM, học sinh lớp 2/4, Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) không vào lớp để học các phép tính hay tiếng Việt như ngày thường mà “rồng rắn” theo cô giáo Điền Thảo Chân ra đường sách Nguyễn Văn Bình ở gần đó để học tiết học về văn hóa đọc. Vừa tới nơi, nhiều em chọn ngay những cuốn truyện tranh nổi tiếng. Lập tức, cô giáo vừa lật trang bìa cuốn truyện tranh vừa nói: “Các con nhìn nhé, sách này dành cho lứa tuổi 17+, nghĩa là khi nào các con đủ 17 tuổi trở lên mới nên đọc”. Nói rồi, cô hướng dẫn các em cách chọn sách phù hợp và gợi ý một số đầu sách có nội dung hấp dẫn. Sau đó, cô chọn một mẩu chuyện cổ tích ngắn đọc cho học trò nghe. Các bé nghe cô kể chuyện hấp dẫn nên xúm lại ngồi quanh.

“Nếu chọn cách nhàn nhã tôi có thể ngồi trong lớp nói về sách hoặc mở ti vi để các em xem. Nhưng khi trẻ bị “bao vây” giữa ti vi, điện thoại, iPad với hàng loạt trò chơi, lướt TikTok, xem phim… thì tôi muốn đưa việc đọc vào một trong những lựa chọn yêu thích của trẻ” - cô Thảo Chân nói.

Cô cũng cho biết ngoài những buổi đi thực tế như thế này cô còn dành nhiều thời gian trên lớp đọc sách hoặc nói về sách để học trò mê sách hơn. Trong nỗ lực đưa sách trở nên gần gũi với học sinh hơn, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động như: “Góp 1 cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, trưng bày nhiều tủ sách ở sân trường trong tầm nhìn của học sinh, tổ chức nhiều tiết đọc trong lớp…

Cũng thực hiện nhiều hoạt động để học sinh ham đọc sách hơn, ông Ngô Hùng Cường - Hiệu phó Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) - cho biết, trường đã xây dựng thư viện đẹp, tăng cường các đầu sách mới, phát triển câu lạc bộ bạn yêu sách, hằng tháng tổ chức giới thiệu Cuốn sách tôi yêu… Mới đây nhất là chương trình Bác Hồ trong trái tim tôi. Học sinh viết cảm nhận, tập san, vẽ tranh và trưng bày trong tháng Năm nhằm kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Năm tới, trường sẽ đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu, để học sinh tạo thói quen đọc sách.

Theo ông Lê Hồng Thái - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) - hiện chương trình mới đã có thêm nội dung dạy đọc mở rộng, góp phần nâng cao kiến thức, phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Những tiết chuyên đề này giúp giáo viên và học sinh có thời gian kết nối với nhau trong quá trình lựa chọn, tìm hiểu ngữ liệu đọc phù hợp để đồng hành cùng sách.

Giúp trẻ quen đọc sách từ nhỏ

Học sinh Trường tiểu học  Hòa Bình (quận 1) thích thú với tiết học đặc biệt ở Đường sách Nguyễn Văn Bình - ẢNH: N.L.
Học sinh Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1) thích thú với tiết học đặc biệt ở Đường sách Nguyễn Văn Bình - Ảnh: N.L.

Cô Thảo Chân chia sẻ, để trẻ ham đọc sách trước tiên phải để các em thấy được sự thú vị trong đó. Ngoài giáo viên thì phụ huynh cần dành thời gian để cùng con lựa chọn, đọc những đầu sách phù hợp theo từng độ tuổi khi con còn nhỏ. Khi chọn sách cho trẻ nên gợi ý để các con hình thành khả năng chọn lọc. Những câu chuyện có nội dung sinh động, hình ảnh bắt mắt không những cung cấp kiến thức mà còn kích thích trí tưởng tượng của trẻ rất tốt.

Một phụ huynh là chị Phan Thị Hoài Nam (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết luôn ưu tiên việc đọc sách cho con. Mỗi ngày, chị dành thời gian nhất định để đọc sách cho con, tạo thói quen ngay khi bé còn nhỏ. Sau này, khi con đã biết chữ, chị vẫn duy trì thói quen cùng con đọc sách mỗi ngày. Tương tự, theo chị Hà Thu (ngụ quận Tân Phú, TPHCM), con chị vẫn chơi game 3 lần/tuần, nhưng bé tự động đăng ký đọc sách vào tất cả các ngày trong tuần. “Làm được điều này vì tôi đã hình thành thói quen cho con từ nhỏ, dụ con bằng những đầu sách rất hấp dẫn” - chị nói.

“Tăng cường đọc sách sẽ kiến tạo tư duy hệ thống, hình thành khả năng suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc, kích thích trí tưởng tượng nơi trẻ, điều mà các em khó có được qua các clip ngắn phổ biến trên TikTok hay các nền tảng mạng xã hội”.

Bà Ngô Phương Thảo

Bà Ngô Phương Thảo - sáng lập Anbooks, đơn vị xuất bản sách giáo dục và tư vấn phát triển văn hóa đọc - đưa ra 3 lưu ý trong việc xây dựng thói quen đọc, hình thành năng lực đọc hiệu quả cho trẻ.

Thứ nhất, bắt đầu càng sớm càng tốt nhưng không bao giờ là quá muộn. Người mẹ có thể bắt đầu khi con còn trong bụng mẹ bằng cách dành thời gian yên tĩnh để đọc sách; có thể bắt đầu khi trẻ ở những tháng, năm đầu đời bằng phương pháp đọc to, đọc diễn cảm, đóng vai, kể chuyện cho con nghe; đưa sách vào thành những hoạt động chung, giờ chơi chung của cha mẹ, con cái. Nếu chưa làm những điều này, cha mẹ có thể bắt đầu muộn hơn, nhưng không khiến con cảm thấy việc đọc sách là bắt buộc mà phải khiến cho việc đọc sách trở nên thú vị, hào hứng. Dần dần, trẻ tự nhiên hình thành nhu cầu, niềm hứng thú và thái độ trân trọng với việc đọc.

Thứ hai, quá trình hình thành năng lực đọc hiệu quả cho trẻ phụ thuộc vào tính phù hợp của độ tuổi và năng lực tiếp nhận của từng trẻ.

Thứ ba, văn hóa đọc sẽ phát triển bền vững từ trong gia đình, sau đó là nhà trường. Chất lượng của thư viện, nhân viên thư viện, sự hỗ trợ của thầy cô… sẽ quyết định thói quen, trình độ và năng lực đọc của trẻ nói riêng và văn hóa đọc của nhà trường nói chung.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI