|
Bà Trần Thị Đâu phấn khởi với giống lúa trồng thử nghiệm vụ đầu cho năng suất cao |
Khởi đầu không thể tốt hơn
Chiếc máy gặt xình xịch chẻ những đường thẳng tắp vào giữa thửa ruộng, bà Trần Thị Đâu - ấp 8, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh - dường như vẫn còn muốn níu giữ vụ hè thu khi đi men theo bờ ruộng, với tay mân mê những bông lúa dài trĩu hạt. Thửa ruộng 5.000m2 trải dài, vàng ươm.
“Mấy năm nay tôi cũng thử trồng giống lúa ST25, nhưng năm nào cũng vậy, hễ giông gió là hồi hộp, vì giống lúa này thân yếu, dễ ngả, lại nhiều thứ bệnh, nhưng năm nay thấy khả quan. Bông lúa dài hơn 1 tấc, bông nào bông nấy hạt tròn, căng mẩy. Tới ngày thu hoạch mà cây lúa cũng không ngả nghiêng gì” - bà Đâu cố nói to để át âm thanh của chiếc máy gặt đang dội lại từ bên kia thửa ruộng.
Không chỉ được mùa, bà Đâu còn phấn khởi vì canh tác vụ lúa năm nay, bà không tốn kém gì nhiều. Giống lúa thì địa phương hỗ trợ hoàn toàn. Phân cũng được hỗ trợ 38kg, bà chỉ phải mua thêm cho đủ số lượng phân bón cho thửa ruộng và bỏ ra 2 triệu đồng thuê bơm tát nước vào những ngày mưa dầm do ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi.
Cùng tâm trạng của bà Đâu, ông Trương Văn Ơn - ấp 4, xã Qui Đức - hồ hởi thông tin: ban đầu, khi Hội Nông dân xã vận động bà con nông dân địa phương thành lập Tổ hợp tác canh tác giống lúa ST25 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các kỹ sư ở Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Bình Chánh - Bình Tân, thì năng suất dự kiến chỉ khoảng 4,5 tấn/ha.
Nhưng bất ngờ đã xảy ra khi sản lượng thu hoạch của vụ mùa đầu tiên đạt bình quân 5,5 tấn/ha, có hộ đạt hơn 6 tấn/ha. Riêng với hộ ông Ơn, chỉ 1ha ruộng, sau khi chừa lại 1 tấn lúa để ăn, ông còn lời được 20 triệu đồng. Đó là một khởi đầu không thể tốt hơn.
“Có được bước khởi động tốt như vậy, theo tôi, là nhờ bà con nghiêm túc tuân theo khuyến cáo cũng như quy trình canh tác của các kỹ sư” - ông Ơn nói và mở sổ “Nhật ký ruộng đồng”. Trong sổ, ông ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ từ ngày tháng, số lượng lúa gieo sạ, thời điểm bổ sung các loại phân bón, từng loại sâu bệnh xuất hiện được xử lý như thế nào…
Tại xã Qui Đức, ông Ơn nổi tiếng là một nông dân “nặng lòng với cây lúa”. Do đó, không chỉ quyết bám ruộng, ông còn là người tiên phong trong việc học tập kỹ thuật canh tác mới với mong muốn tăng năng suất cây lúa trên mảnh đất không thật sự được thiên nhiên ưu đãi để giữ chân bà con lại với ruộng đồng.
Ông kể, đam mê làm ruộng từ nhỏ nên hơn 40 năm nay, 1ha ruộng của gia đình ông chỉ dành trồng lúa dù năng suất lúa ở TPHCM không được như miền Tây - nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận tiện trong việc tưới tiêu. Cũng theo ông Ơn, việc trồng lúa ở TPHCM gần như nhờ vào nước trời. Trong vụ hè thu vừa rồi, vì ruộng không có nước nên bà con sạ khô. Hạt giống nằm im dưới ruộng chờ mưa xuống mới có cơ hội nảy mầm.
“Xã Qui Đức có cánh đồng phía đông (ấp 4 và ấp 2) khá thuận lợi, vì có hệ thống cống dẫn nước từ kênh vào ruộng, nhưng cũng không dàn trải hết, nên những thửa ruộng sâu phải đợi mưa về. Còn những cánh đồng phía tây, như ấp 3, nằm xa kênh thì hoàn toàn thiếu nước, phải chờ nước mưa. Nếu không tìm cách phát triển nông nghiệp, giữ đất, người dân sẽ bỏ ruộng hoang mà vào nhà máy, xí nghiệp hết” - ông Ơn nói thêm.
Đảng ủy, chính quyền cùng ra đồng với nông dân
|
Toàn bộ cánh đồng lúa ST25 được xới, sạ và thu hoạch đồng loạt |
Ông Dương Công Duy Linh - Phó chủ tịch UBND xã Qui Đức - cho biết, theo định hướng quy hoạch, địa bàn xã hiện còn trên dưới 75% đất nông nghiệp, trong đó, khoảng 170ha là diện tích đất trồng lúa nước (chiếm khoảng 35%). Đứng ngoài cơ cấu chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, nhiều hộ nông dân xã Qui Đức hiện vẫn duy trì trồng lúa, nhưng theo kinh nghiệm truyền thống.
Không muốn người dân canh tác manh mún, đại hội Đảng bộ xã Qui Đức nhiệm kỳ này đã quyết tâm “biến điểm yếu thành ưu điểm, biến đồng ruộng quê nhà thành cánh đồng trồng lúa đặc sản ST25; tiến tới xây dựng thương hiệu Gạo Qui Đức” thành nghị quyết để thực hiện trong suốt nhiệm kỳ.
Thực hiện nghị quyết này, Hội Nông dân xã bước đầu kêu gọi, vận động 16 hộ nông dân vào Tổ hợp tác trồng lúa ST25. Xã cũng đã kết nối với Công ty TNHH Xúc tiến thương mại dịch vụ vận tải Tiến Phát trong việc cung ứng, hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón… và sẽ bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Để thống nhất các tiêu chí sạch, an toàn trước khi xuống giống nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng thương hiệu Gạo Qui Đức bắt đầu từ giống lúa ST25, Đảng ủy xã đã liên kết với các kỹ sư ở Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật để nhờ theo dõi, định hướng cho người dân trồng lúa ST25 theo quy trình và hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học.
“Trong quá trình làm, nông dân phải cập nhật nhật ký đồng ruộng. Hướng sắp tới, chúng tôi sẽ dần xây dựng quy trình theo hướng sản xuất hữu cơ, hạn chế hoàn toàn phân bón để sản phẩm làm ra thật sạch. Trong quá trình canh tác mùa vụ, Đảng ủy, UBND cũng thường xuyên họp với bà con nông dân để định hướng, thay đổi hoặc điều chỉnh cách thức canh tác, sản xuất” - ông Thái Quang Duy - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa ST25 - chia sẻ.
Ghi nhận bước đầu, mô hình trồng lúa ST25 trên địa bàn xã Qui Đức có 16 hộ tham gia với diện tích 14,4ha. Công việc cày, xới, gieo hạt được thực hiện đồng loạt nên việc thu hoạch cũng được thực hiện đồng loạt liên tục trong 3 ngày 24, 25 và 26/9 vừa qua. Năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 77 tấn.
Theo dự kiến ban đầu, Công ty TNHH Xúc tiến thương mại dịch vụ vận tải Tiến Phát sẽ trực tiếp thu mua lúa, nhưng đã có sự cố xảy ra khiến doanh nghiệp không thể thu mua như dự kiến. Trước thực tế đó, Hội Nông dân xã đã đứng ra thu mua toàn bộ số lúa của bà con theo giá thị trường để làm thương hiệu Gạo Qui Đức.
Giá thu mua là 9 triệu đồng/tấn lúa và tổng số tiền tổ hợp tác thu về là 693 triệu đồng. Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Qui Đức - cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, năng suất thu hoạch lúa ST25 bình quân năm 2024 tăng 28%, với lợi nhuận bình quân là 30 triệu đồng/ha. Địa phương hiện đang hoàn thiện logo, thiết kế, bao bì và sẵn sàng đưa thương hiệu Gạo Qui Đức ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Tràn trề niềm tin về mô hình sản xuất mới, lão nông Trương Văn Ơn chia sẻ, mấy năm gần đây, đặc biệt là từ năm ngoái, cả hệ thống chính quyền từ Đảng ủy, UBND đến Hội Nông dân xã Qui Đức đều rất chú trọng phát triển nông nghiệp địa phương. Lãnh đạo địa phương thường trực tiếp ra đồng cùng nông dân để tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu những kiến thức mới về trồng lúa, nhờ đó người nông dân có thêm động lực để “bám ruộng”.
“Rõ ràng mấy năm nay, nông dân Qui Đức cũng tự phát trồng lúa ST25 nhưng với thói quen mua lúa rẻ về làm giống nên năng suất không cao, chất lượng gạo thấp, dẫn đến việc thương lái thu mua giá thấp hơn ở miền Tây, nên bà con nản. Với hướng đi mới này cùng sự đồng hành của chính quyền, tôi hy vọng bà con nông dân ở đây sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với đồng ruộng” - ông Ơn nói.
Nguyệt Minh