Nỗ lực đến tận cùng để duy trì kinh doanh

20/05/2023 - 06:14

PNO - Với “áp lực tích lũy” từ đại dịch, tình trạng lạm phát, suy thoái kinh tế, sức mua giảm cũng như thị trường lao động thiếu hụt, các chủ doanh nghiệp nhỏ tại nhiều nước đang mệt mỏi và kiệt quệ, phải nỗ lực đến tận cùng để có thể duy trì việc kinh doanh.

Căng thẳng vì nợ nần và doanh số kém

Kavita Wongyakasem - chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Bangkok, Thái Lan - đang dùng mobile banking để thanh toán các hóa đơn đến hạn - ẢNH: REUTERS
Kavita Wongyakasem - chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Bangkok, Thái Lan - đang dùng mobile banking để thanh toán các hóa đơn đến hạn - Ảnh: Reuters

Kavita Wongyakasem điều hành một doanh nghiệp (DN) nhỏ ở Bangkok (Thái Lan). Mỗi ngày đối với cô là một cuộc đấu tranh tuyệt vọng để kiếm tiền trang trải chi phí. Giống như nhiều DN khác, công ty của người phụ nữ 48 tuổi này đã bị ảnh hưởng rất lớn khi đại dịch khiến thế giới hạn chế hoạt động.

Là trụ cột của gia đình 5 người, cô cho biết đã phải vay tiền từ những người cho vay tư nhân. Không lâu sau, Kavita rơi vào vòng xoáy nợ nần khi phải vật lộn để thanh toán nhiều khoản chi tiêu hằng tháng trong bối cảnh chi phí tăng cao. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của cô: "Tôi nghĩ về chuyện tiền nong từng phút một. Đôi khi, nó đi vào giấc mơ và khiến tôi giật mình. Có những ngày tôi không muốn thức dậy và đối mặt với thực tế là chúng tôi không có tiền”.

Kavita cho biết mình đang gánh khoản nợ lên đến 236.000 USD. "Dù rất buồn, tôi không thể nói bất cứ điều gì với bất kỳ ai trong gia đình về những căng thẳng mà tôi đang phải đối mặt”, cô nói trong nước mắt. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Thái Lan có tỉ lệ nợ của hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất ở châu Á, với 1/3 người dân đang gánh nợ nần.

Tại New Zealand, đồng giám đốc điều hành của công ty sản xuất bia Behemoth Brewing - Hannah Miller Childs - nói cô đang phải chịu quá nhiều áp lực trong công việc đến mức ám ảnh cả trong giấc ngủ. Sức khỏe tinh thần của cô đã giảm sút từ cuối năm 2022. “Nguồn lao động eo hẹp đến mức chúng tôi khó tìm được người phù hợp. Cuối cùng tôi phải trả nhiều tiền hơn cho những người có trình độ thấp hơn” - cô kể.

Bên kia bờ đại dương, Chuck Casto - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu, truyền thông DN tại Alignable (Mỹ) - cho biết: tình trạng tại Bắc Mỹ “có thể được tóm tắt bằng 2 từ: suy thoái”.

Theo kết quả một khảo sát mới của Alignable trên khoảng 700.000 chủ DN nhỏ ở Mỹ, chỉ 34% chủ DN nhỏ kiếm được bằng hoặc nhiều hơn so với trước đại dịch vào 3 năm trước”. Phân loại theo ngành, tỉ lệ DN phục hồi tệ nhất là ngành vận tải, tổ chức sự kiện, nghệ thuật, bán lẻ, nhà hàng, thẩm mỹ viện và bất động sản.

Ông Casto cho biết, giảm lợi nhuận do lạm phát là mối quan tâm hàng đầu, có đến 48% DN chỉ kiếm được “một nửa hoặc ít hơn lợi nhuận mà họ có được trước COVID-19”.

Tự xoay xở để bám trụ

Đại dịch đã giáng một đòn mạnh cho nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch của Thái Lan. Thanavath Phonvichai - ở Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) - cho biết: “Tỉ lệ nợ hộ gia đình cao nghĩa là chính phủ sẽ không dễ dàng đưa ra các chính sách trong tương lai nhằm kích thích tiêu dùng, bởi mọi người còn đang phải xoay xở để trả nợ và tìm cách vay ngân hàng”.

Đối với Kavita, để có thể trả lương và duy trì hoạt động của công ty, cô buộc phải xoay vòng nợ vay bên ngoài hệ thống ngân hàng. Cô chua xót: "Đó là một cuộc đấu tranh bất tận”.

Báo cáo phúc lợi dành cho chủ DN nhỏ ở New Zealand cho thấy, các chủ DN nước này đang ứng phó tốt hơn so với các nơi khác trên thế giới. Dù vậy, họ vẫn dễ bị tổn thương hơn so với các thành phần khác nói chung.

Giám đốc khối khách hàng của Công ty Xero - ông Rachael Powell - cho biết: "Áp lực gia tăng của tình trạng lạm phát cao, sự thiếu hụt nhân lực, đại dịch COVID-19 và sự không chắc chắn về tương lai đã tạo ra một môi trường làm việc khó khăn trong vài năm qua. Nhiều chủ DN nhỏ phải tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính họ và nhân viên". 

Theo Todd McCracken - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ Mỹ - các DN nên giữ nguồn tiền mặt để có thể vượt qua tình trạng vỡ nợ và cần cân nhắc việc vay vốn ngay bây giờ khi còn có thể. Để thích ứng với khó khăn, một số DN sáng tạo hơn với kế hoạch tuyển dụng, trả lương.

Chẳng hạn cửa hàng bánh Butter& ở San Francisco chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên bằng cách cung cấp quyền chọn cổ phiếu như một cách để giữ chân họ mà không phải trả thêm chi phí duy trì hoạt động. Đồng thời qua đó, sự minh bạch về tài chính của công ty giúp nhân viên cảm thấy được đóng góp nhiều hơn cho DN trong thời điểm khó khăn, sẵn sàng tham gia các giải pháp giúp DN tiết kiệm chi phí. 

 Tấn Vĩ (theo Reuters, Stuff, NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI