PNO - Lọt vào danh sách 100 điều thú vị của TPHCM là niềm tự hào, vinh dự của các công trình, địa điểm ăn uống, lưu trú ở thành phố. Nhưng từ niềm vui ban đầu, những “điều thú vị” cũng cần nỗ lực, hoàn thiện hơn để xứng với bình chọn từ người dân, du khách.
Danh sách TPHCM - 100 điều thú vị được công bố trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch TPHCM lần thứ ba (4 - 10/12/2023), nhằm ghi nhận, tôn vinh những công trình tiêu biểu; các đơn vị trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú đạt chất lượng, mang nét riêng của thành phố. Từ danh sách này, khách du lịch đến TPHCM có được cẩm nang gợi ý, giúp hành trình khám phá thuận lợi hơn. Ngoài ra, người dân cũng có “kênh” để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về các điểm đến thú vị của thành phố.
Đường sách TPHCM là điểm đến được yêu thích nhờ không gian xanh mát, thân thiện - ảnh: Thành Lâm
Trong 10 điểm mua sắm thú vị có Đường sách TPHCM - con đường xanh mát với 2 hàng me thơ mộng, nhiều gian hàng bán sách, sách cũ, đồ lưu niệm, quán cà phê, không gian vui chơi cho trẻ em… Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM - cho biết: “Tôi rất vui và tự hào. Vui vì nhận được một giải thưởng xứng đáng, công nhận nỗ lực, sự tiến bộ của cả một tập thể qua quá trình dài cố gắng không ngừng. Còn về niềm tự hào, sâu xa hơn là bởi trước đây, con đường này không có hồn, còn nhếch nhác, mất vệ sinh. Khi thế giới sách và văn hóa đọc đến, nơi đây trở thành điểm sáng văn hóa, làm thay đổi bộ mặt của một con đường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thành phố nói riêng và trải nghiệm của du khách đến TPHCM nói chung”.
Danh sách 100 điều thú vị của TPHCM vinh danh nhiều công trình, điểm đến là biểu tượng của thành phố nhưng trong đó cũng có không ít nơi/hoạt động mới chỉ xuất hiện vài năm qua. Trong nhóm 10 điểm mua sắm thú vị có phố đồ cổ Lê Công Kiều, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây… Nhóm 10 điểm giải trí, chương trình giải trí thú vị có À ố show, nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, Nhà hát TPHCM, phố đi bộ Bùi Viện… 10 sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao thú vị vinh danh đường hoa Nguyễn Huệ, các giải chạy marathon tại TPHCM (ngày và đêm), Hội hoa xuân ở TPHCM, Ngày hội khinh khí cầu TPHCM…
Niềm vui đi cùng trách nhiệm
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - nói bà thực sự vui mừng khi bảo tàng được vinh danh. “Đến với bảo tàng, khách vừa được tham quan áo dài vừa được thuê áo dài để mặc chụp hình. Du khách rất thích vì có nhiều loại áo dài mà có thể cả đời họ chưa được thử bao giờ. Ngoài ra còn có những món ăn quê, trò chơi quê được tổ chức giữa không gian xanh mát. Chúng trở thành một cụm dịch vụ mà không phải bảo tàng nào cũng có. Ngày 10/12 tới đây, chúng tôi tổ chức đêm ngoại thành, diễn đờn ca tài tử trên mặt hồ. Khách vừa nghe hát vừa có thể ăn khoai luộc, bắp luộc, các món chè do người dân địa phương trổ tài chế biến” - bà Huỳnh Ngọc Vân nói.
Không “ngủ quên trong chiến thắng”, ông Lê Hoàng nói hiện nay, một phần của Đường sách TPHCM (phía giáp với đường Hai Bà Trưng) không do đơn vị trực tiếp quản lý nên vẫn còn hoạt động buôn bán, giữ xe khá lộn xộn, gây mất mỹ quan chung. “Đường sách cũng chưa tạo ra được những hoạt động đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của trẻ em. Trước đây có chương trình Happy Reading Tour nhưng vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu đọc, vui chơi của các em. Khi được vinh danh, Đường sách TPHCM càng cần nâng chất lượng hoạt động, phục vụ tốt hơn để được các gia đình, người dân chọn làm điểm đến yêu thích” - ông Lê Hoàng cho biết.
Bảo tàng Áo dài thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian - ảnh: Thành Lâm
Trong số 100 điều thú vị, bên cạnh những công trình, địa điểm được đề cử, không ít nơi tự ứng cử để người dân, khách du lịch bình chọn, như phố đồ cổ Lê Công Kiều. Trong phần nội dung gửi đến để mọi người bỏ phiếu, phố đồ cổ Lê Công Kiều tự hào nằm ở khu vực gần chợ Bến Thành, đường Hàm Nghi với nét trầm mặc, yên tĩnh gần như biệt lập. Người bán hàng tâm thế nhàn nhã, thích nói chuyện về thú sưu tầm đồ cổ, giới thiệu câu chuyện văn hóa xung quanh từng món đồ. Nhưng so với trước, phố đồ cổ Lê Công Kiều giờ ít sôi động hơn, vì có nhiều điểm khác ở thành phố cũng hình thành “đường đồ cổ”, “chợ đồ cổ”, “cà phê đồ cổ”…
Danh sách 100 điều thú vị của TPHCM một mặt ghi nhận, tôn vinh nhưng mặt khác, sự tự hào luôn đi cùng trách nhiệm. Không ít lần phố đi bộ Bùi Viện bị phản ứng vì nhân viên một số quán ăn mặc phản cảm, phố đi bộ Nguyễn Huệ bị phàn nàn về nạn bán hàng rong, thành cầu Ba Son bị sơn vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị… Vì vậy, điều cần là mỗi “điều thú vị” đều ý thức được việc phải hoàn thiện, giữ gìn hình ảnh, nâng cao chất lượng để danh sách này sẽ càng có giá trị, ý nghĩa, góp phần lớn vào quảng bá du lịch, văn hóa của thành phố.