Nỗ lực để trò vùng cao có bữa ăn đủ chất

04/01/2024 - 06:24

PNO - Học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được nhà nước hỗ trợ tiền bán trú 720.000 đồng/tháng. Các em còn được hỗ trợ tiền nhà ở và 15kg gạo/tháng. Dù vậy, thực tế vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn khác nên nhà trường, địa phương phải nỗ lực tìm nhiều cách để học sinh bán trú có bữa ăn đủ chất.

Nhiều cái khó ở vùng cao

Hiện tỉnh Nghệ An có hơn 500 điểm trường ở bậc mầm non tập trung ở những vùng sâu và vùng khó khăn. Để học trò có được bữa cơm ngon, đủ chất dinh dưỡng, các giáo viên phải nỗ lực huy động kinh phí, trồng thêm rau… Cô Nguyễn Thị Xoan - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) - cho biết các cô giáo phải trồng thêm rau để bổ sung vào bữa ăn cho các em, vận động luân phiên mỗi ngày có 2 phụ huynh tới trường đi chợ, nấu bữa trưa cho các em để tiết kiệm chi phí.

Các em học sinh dân tộc Mã Liềng, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) luôn được nhà trường, phụ huynh nỗ lực chăm sóc từng bữa ăn - Ảnh: Thuận Hóa
Các em học sinh dân tộc Mã Liềng, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) luôn được nhà trường, phụ huynh nỗ lực chăm sóc từng bữa ăn - Ảnh: Thuận Hóa

Trường mầm non Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) có gần 300 học sinh nhưng có tới 30 em bị suy dinh dưỡng. Nhà trường đã vận động giáo viên trong trường ủng hộ kinh phí, nhận việc làm thêm vào ngày nghỉ để gây quỹ tổ chức bữa cháo yêu thương cho các em. Bà Trần Thị Cúc - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin: “Chúng tôi mới chỉ nấu cháo miễn phí cho các em 3 buổi mỗi tuần. Giá trị những suất ăn không lớn, nhưng phần nào giúp các em cải thiện về cân nặng, chiều cao”.

Tại tỉnh Quảng Bình, việc thực hiện bữa cơm bán trú cũng có nhiều khó khăn, nhất là ở 2 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa. Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Lâm Hóa huyện Tuyên Hóa đang thực hiện bữa cơm bán trú cho 109 học sinh chủ yếu là con em đồng bào Mã Liềng. Trong đó có 83 em học sinh dân tộc ở các bản - từ lớp Năm đến lớp Chín - ăn, ở lại tại điểm trường trung tâm (ăn ngày 3 bữa); 26 em học sinh dân tộc - từ lớp Một đến lớp Bốn - ở điểm trường bản Kè (ăn sáng và ăn trưa, tối các em về nhà).

“Tất cả phụ huynh đều phó thác con em mình cho thầy cô” - ông Nguyễn Hữu Tâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ. Nhà trường phải kêu gọi các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ học sinh bán trú nước mắm, gia vị, dầu mỡ, chăn chiếu, quạt điện, nồi, chảo, bếp gas… để bữa ăn, sinh hoạt của các em tốt hơn. 

Ông Phạm Viết Phúc - Quyền trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết: Theo Nghị định 81 của Chính phủ, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền bán trú 720.000 đồng/tháng. Với số tiền này, nhiều trường đã phải xoay xở nhiều cách để bữa ăn của học sinh đầy đủ chất dinh dưỡng. “720.000 đồng nếu chỉ ăn thôi thì dễ, nhưng thực chất số tiền đó còn phải chi ra rất nhiều khoản như tiền gas, tiền gia vị, tiền dầu gội, xà phòng… cho các em nên tính ra mỗi bữa ăn các em chỉ còn khoảng 10.000 đồng. Ở nhiều trường, phụ huynh phải tặng củi cho nhà trường để nấu ăn, nấu nước tắm cho học sinh để giảm bớt chi phí tiền gas” - ông Phúc nói.

Cách làm nhân văn, sáng tạo

Yên Bái được coi là điểm sáng của giáo dục vùng cao. Sau khi thực hiện sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp, tỉnh hiện có 51 trường PTDTBT, 28 trường có học sinh bán trú. Số học sinh bán trú được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là hơn 17.600 em. Ngoài chính sách của Trung ương, riêng tỉnh Yên Bái còn có thêm những chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục: hỗ trợ tiền ăn trưa cho một số đối tượng, hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn, hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú…

Bữa trưa của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) - Ảnh: M.T.
Bữa trưa của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) - Ảnh: M.T.

Chẳng hạn như Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ mỗi học sinh bán trú ăn trưa tại trường 150.000 đồng/tháng, chia đều cho các ngày học trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Năm. Nghị định số 116/2016 của HĐND tỉnh hỗ trợ học sinh bán trú 720.000 đồng/tháng. Như vậy, trung bình tiền ăn bữa sáng của các em là 3.500 đồng, bữa trưa 9.400 đồng vừa bữa chiều 11.100 đồng.

Năm học 2023-2024, huyện Trạm Tấu có trên 1.300 học sinh được hưởng chính sách theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh, trong đó có 940 em học sinh tiểu học, THCS là 379 em; tổng kinh phí hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học - THCS Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) - cho biết: toàn trường có 424 học sinh, trong đó 231 em được hưởng chế độ bán trú của Nhà nước và gần 200 em được hưởng chế độ theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh. Từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, tỉ lệ các em đến trường cao hơn rất nhiều, thường xuyên đạt trên 98%. Đặc biệt, tình trạng học sinh đi học buổi sáng, về nhà ăn trưa và nghỉ luôn buổi chiều đã không còn nữa.

Tại tỉnh Lào Cai, năm 2021, xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) về đích nông thôn mới. Khoảng 130 học sinh không còn được hưởng chính sách của Nhà nước, chỉ còn được hỗ trợ 298.000 đồng/tháng theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, khiến việc duy trì sĩ số của Trường PTDTBT tiểu học và THCS A Mú Sung gặp nhiều khó khăn. Cũng năm học này, trường đón toàn bộ học sinh lớp Ba về học bán trú tại trường để việc học môn tin học, ngoại ngữ chương trình mới được đảm bảo chất lượng. Khó khăn chồng khó khăn, nhà trường đã biến vườn trường thành nông trại. Trẻ em miền núi thạo các công việc nhà nông từ bé nên các học sinh lớn trong trường phụ trách vườn rau, chăn nuôi đàn heo, đàn gà dưới sự hướng dẫn của các thầy cô - để bổ sung thực phẩm vào bữa ăn bán trú.

Học sinh khối Tám, Chín còn chăm sóc đồi chè rộng 3ha. Hiệu trưởng nhà trường Vi Hoài Thanh cho biết đồi chè này do xã và một số hộ giao cho thầy và trò quản lý để có thêm tiền mua dụng cụ học tập và đồ ăn, đồ dùng bán trú. Nông trại của trường đủ “chia” cho mỗi lớp 1 luống rau, 1 chuồng gà, 1 chuồng heo. Ngoài tự cung cấp rau xanh, thực phẩm, mô hình này còn là nơi thực hành thú vị về nông nghiệp đối với các em; giúp trường duy trì tỉ lệ chuyên cần 97 - 98%, đạt tốp đầu toàn huyện.

Ở A Mú Sung, phần lớn các em sau khi học hết lớp Chín là ở nhà làm kinh tế gia đình nên những kỹ thuật canh tác nông nghiệp các em được thực hành tại trường sẽ có ý nghĩa rất lớn - giúp các em khắc phục thói quen du canh, trồng trọt tự do của các thế hệ trước. 

Ông Nguyễn Hữu Tâm - Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học và THCS Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) - chia sẻ: Ở miền núi, vật giá cao hơn rất nhiều so với đồng bằng do chi phí vận chuyển, đường đi khó khăn. Chẳng hạn giá thịt heo là 100.000 đồng/kg, có khi lên 130.000-150.000 đồng/kg, khiến khẩu phần thịt trong mỗi bữa ăn của các cháu phải giảm vì nhà trường không có nguồn kinh phí để bù. Nhờ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, các em đồng bào dân tộc mới đến trường, duy trì sĩ số. Song với mức hỗ trợ hiện tại, trừ các khoản tiền gas, điện, nước…, tiền ăn 2 bữa chính trưa và tối là 28.000 đồng/học sinh, bữa ăn sáng khoảng 6.000 đồng/học sinh. Với vật giá thay đổi chóng vánh như hiện nay, cùng với giá thực phẩm miền núi luôn cao hơn mặt bằng chung do khó khăn vận chuyển; Nhà nước cần hỗ trợ thêm tiền ăn 5.000 đồng mỗi học sinh để bữa ăn của các cháu được đủ đầy hơn. 

Phan Ngọc - Thuận Hóa - Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI