Nỗ lực cứu cháy bất thành vì thiếu công cụ tối thiểu nhất

19/06/2024 - 17:46

PNO - ĐBQH Trần Hoàng Ngân chỉ ra bất cập, người dân tham gia phòng cháy chữa cháy rất tích cực, nhưng không có phương tiện tối thiểu nhất để cứu hộ cứu nạn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần trang bị thêm
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần đầu tư nguồn lực, trang bị thêm phương tiện cứu nạn cứu hộ tại các khu phố để người dân có thể tham gia

Chiều 19/6, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, dự án luật lần này có bổ sung một chương đầy đủ về cứu nạn cứu hộ.

Thông qua nhiều vụ cháy, đặc biệt tại Hà Nội, ông nhận thấy, phần lớn khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ còn thiếu chuyên nghiệp. Trên mạng xã hội, gần đây, ở các hỏa hoạn tại Hà Nội, lực lượng nhân dân rất tích cực. Người dân nhảy lên nóc nhà, đập tường cứu người gặp nạn nhưng không có phương tiện, không có máy cắt để cứu nạn nhân bị kẹt bên trong.

ĐBQH ủng hộ việc sử dụng, huy động lực lượng tại chỗ trong cứu nạn cứu hộ. Bên cạnh đó, phải đầu tư nguồn lực tại các khu phố, trang bị những phương tiện cứu hộ, kể cả ở mức tối giản nhất để người dân có thể tham gia.

Ông cũng lưu ý thêm, hiện nay, tại nhiều TP lớn, các họng cứu hỏa thường bị người dân rào chắn, chiếm dụng, rất nguy hiểm nếu như có cháy nổ xảy ra. Lực lượng chức năng phải cố gắng bảo vệ hành lang an toàn khi lấy nước, không thể chờ tới tai nạn mới thực hiện.

Khâu phòng cháy, theo ĐBQH cũng rất quan trọng. Do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền tới người dân bằng hình thức cẩm nang... Ông dẫn chứng, vừa qua, một số nạn nhân trong những vụ cháy đã sống sót nhờ được tập huấn, hoặc đọc 1 bài báo, xem clip... để biết lấy khăn ướt che bớt mũi, chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Liên quan tới báo cháy, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo luật số điện thoại cứu nạn cứu hộ 112, bên cạnh số 114. Người dân cần thuộc lòng các con số, gọi điện tới 2 số trên khi xảy ra sự cố cháy nổ, vì đây cũng là số về sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cùng với số 114.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng, kỹ năng của người dân khi đối phó với tai nạn, hỏa hoạn còn rất yếu. Thậm chí, trong một số vụ cháy có thể thấy rõ, người nước ngoài phản ứng rất nhanh nhạy, còn người dân ta, hầu hết bủn rủn, hoảng loạn.

Do đó, dự thảo luật phải có các điều khoản giáo dục kỹ năng, ý thức phòng cháy chữa cháy cho người dân. Việc này cần phải làm định kỳ. Hệ thống thông tin tuyên truyền phải được xây dựng thành chuyên đề, thường xuyên cảnh báo vụ cháy, kỹ năng thoát cháy.

Bà chỉ ra, với điều kiện khí hậu nóng, cháy có thể ghé bất cứ đâu. Trong đó, nỗi ám ảnh lớn nhất là các hầm để xe ở chung cư, bệnh viện, chỉ một chiếc xe cháy có thể hóa thành 1 quả bom.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng đề xuất: “Liệu đã đến lúc bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải bảo hiểm cháy nổ hay không. Khi đi học ở nước ngoài, tôi có thuê một phòng nhỏ, nhưng khi ký hợp đồng, chủ nhà yêu cầu bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ”. Trong đó, với những nơi có điều kiện an toàn cháy nổ thấp, bà cho rằng nên nộp mức phí bảo hiểm cao hơn những nơi đảm bảo tiêu chuẩn.

Từ năm 2013, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khi Quốc hội xem xét Luật phòng cháy chữa cháy (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã kiến nghị, các tỉnh thành phố lớn phải có trực thăng cứu cháy, cứu nạn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có loại hình phương tiện này. Bà cho rằng, đây là phương tiện rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu