Nỗ lực cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần

20/08/2020 - 21:56

PNO - Đại dịch COVID-19 đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, khiến nhiều người mất việc làm, kinh tế lao dốc, các trường học phải đóng cửa... Tuy nhiên, ít người chú ý đến tác động nghiêm trọng khác của đại dịch, đó là những ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần.

Gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Tổ chức Commonwealth Fund mới đây đã công bố kết quả khảo sát về tình hình chăm sóc sức khỏe tâm thần người dân tại các quốc gia giàu có trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Cuộc khảo sát được thực hiện ở 8.259 người trưởng thành trong giai đoạn từ tháng 3 - 5/2020 tại 10 quốc gia có thu nhập cao, bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển, Na Uy và Anh.

 Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần - Nguồn: CNN
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần - Nguồn: CNN

 Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, không chỉ đứng đầu thế giới về số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19, Mỹ còn là quốc gia mà người dân phải gánh chịu những tác động về sức khỏe tâm thần nặng nề hơn so với nhiều quốc gia khác. Cụ thể, có tới 33% người dân Mỹ cho biết, đã phải trải qua tình trạng căng thẳng, lo lắng hoặc có nỗi buồn lớn không thể tự giải quyết. Các quốc gia có tỷ lệ cao tiếp theo lần lượt là Canada và Anh, với 26% người dân cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Quốc gia có tỷ lệ thấp nhất là Na Uy, với chỉ 10% người trưởng thành có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 Tiến sĩ David Blumenthal - Chủ tịch Commonwealth Fund - nhận định: “Trong khi nước Mỹ phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 tăng cao và nền kinh tế bị tàn phá, người dân tại các quốc gia khác đang sống trong những điều kiện tốt hơn”. 

Theo các chuyên gia, những áp lực tâm lý mà đại dịch COVID-19 mang lại như sự cô lập và xa cách về thể chất, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và tổn thất về kinh tế đã gây ra tác động nặng nề đối với sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ hồi tháng Tư năm nay cho thấy, số người trưởng thành gặp vấn đề về tâm lý đã tăng gấp ba lần so với năm 2018. Cũng trong tháng này, các tin nhắn gửi tới đường dây trợ giúp về thảm họa của chính phủ liên bang tăng gần 1.000%. 

Còn tại Anh, Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cũng thừa nhận, số người gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần đang gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra trong bối cảnh số người tìm tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đã giảm hơn 30% trong thời gian cao điểm của đại dịch. Một số chuyên gia dự đoán, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện có thể tăng 20% so với trước khi xảy ra đại dịch.

Người dân khó tiếp cận dịch vụ

Thực trạng trên đòi hỏi một sự chăm sóc mang tính toàn diện đối với sức khỏe tâm thần của người dân. Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia phát triển, điều này vẫn chưa thể được đáp ứng. Theo Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ, trước khi đại dịch bùng phát, có tới gần 1/4 dân số nước này gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần mỗi năm, nhưng chưa đến một nửa trong số đó nhận được sự chăm sóc cần thiết. 

Người dân Mỹ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều hơn các quốc gia phát triển khác - Nguồn: Commonwealth Fund
Người dân Mỹ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nhiều hơn các quốc gia phát triển khác - Nguồn: Commonwealth Fund

Theo ông Eric Schneider - chuyên gia của Commonwealth Fund - có nhiều lý do khiến nước Mỹ kém hiệu quả hơn so với các quốc gia khác trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần người dân, như không có bảo hiểm toàn dân, thiếu hụt các hoạt động chăm sóc cơ bản đáng tin cậy, các chương trình hỗ trợ xã hội... 

Sự thiếu hụt về đội ngũ y, bác sĩ cũng là một thách thức nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, năm 2012, cứ 100.000 người dân Mỹ, chỉ có 34 chuyên gia tâm lý. Số bác sĩ chuyên khoa tâm thần học thậm chí còn ít hơn. Chỉ có 13 người để phục vụ nhu cầu của 100.000 dân tại Mỹ trong năm 2018.

Các báo cáo mới đây cho thấy, ngay cả khi có nhu cầu, những người trưởng thành ở Mỹ cũng ít có khả năng được chăm sóc sức khỏe tâm thần hơn so với các quốc gia khác. Chỉ 31% người Mỹ trưởng thành cho biết, họ có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tại Anh, tình hình cũng chỉ khá hơn đôi chút, khi 32% số người được hỏi cho biết, có thể nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp.

Theo ông Sean Duggan - người đứng đầu mảng chăm sóc sức khỏe tâm thần của NHS - trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, người dân đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: “Số bác sĩ cấp cứu giảm, số bác sĩ đa khoa cũng giảm. Điều tương tự cũng đang xảy ra với các dịch vụ sức khỏe tâm thần”. 

Các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và cách ly xã hội sẽ khiến năng lực chăm sóc sức khỏe giảm 10 - 30% so với thông thường. Tuy nhiên, điều này sẽ càng khiến vấn đề tâm thần của người dân trở nên trầm trọng hơn và có thể làm gia tăng số ca bệnh nghiêm trọng trong tương lai. 

Nỗ lực cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần

NHS tại Anh mới đây đã công bố kế hoạch ứng phó với COVID-19 cho giai đoạn tiếp theo, trong đó thừa nhận rằng, “nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể tăng lên đáng kể”. Kế hoạch này bao gồm việc mở rộng các dịch vụ cải thiện khả năng tiếp cận với các liệu pháp tâm lý - lộ trình điều trị các tình trạng phổ biến nhất, từ nhẹ đến trung bình. 

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19

Theo đó, nhiều nhân viên y tế đang được đào tạo để điều trị những người bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Gần 3.000 học viên dự kiến sẽ bắt đầu các khóa học về trị liệu tâm lý, trong khi nhiều cựu nhân viên cũng có thể được yêu cầu trở lại tuyến đầu, nhằm chuẩn bị cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần gia tăng đột biến sau đại dịch. NHS kỳ vọng, số lượng bác sĩ và y tá thuộc chuyên ngành sức khỏe tâm thần có thể gia tăng trong vài tháng tới. 

Cũng theo NHS, những bệnh nhân được điều trị bởi các nhóm chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng thường là những người có nhu cầu cao hơn, và do đó, hoạt động chăm sóc họ nên được đánh giá lại một cách cẩn thận. Những người gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm thần cũng cần nhận được sự hỗ trợ và điều trị tốt hơn. Bên cạnh đó, NHS cũng sẽ triển khai các dịch vụ cần thiết để chăm sóc tâm thần cho cả nhân viên y tế, vốn đang phải gánh chịu nhiều áp lực trong việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, theo NHS, các dịch vụ sức khỏe tâm thần sẽ cần có thêm “nhiều sự hỗ trợ và đầu tư chuyên sâu” để có thể tiếp tục giúp đỡ những người có nhu cầu. 

Chính phủ Úc cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần khi vừa cung cấp 12 triệu USD để hỗ trợ người dân bang Victoria (khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh) tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua tư vấn trực tuyến và tư vấn điện thoại. Giới chức Úc đã cam kết chi hơn 500 triệu USD để hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. 

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump hôm 4/8 cũng đã ký sắc lệnh hành pháp mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua điện thoại cho 57 triệu người Mỹ sống ở nông thôn hoặc các khu vực khác vốn thiếu hụt dịch vụ y tế, qua đó giúp cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe người dân, bao gồm cả sức khỏe tâm thần. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng yêu cầu các quan chức nước này báo cáo cụ thể về cách thức cải thiện sức khỏe tâm thần của người dân khu vực nông thôn trong thời gian tới.  

Bên cạnh các cơ quan chính phủ, nhiều tổ chức cũng thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt là của các y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch.  

Hồi cuối tháng Năm, tiến sĩ Cecilia Livesey - Trưởng bộ phận dịch vụ tổng hợp, khoa Tâm thần học tại Trường y Perelman, Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, Mỹ - đã triển khai nền tảng trực tuyến Cobalt, nhằm cung cấp sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần ngay lập tức cho các nhân viên y tế tại địa phương. Tính đến nay, hơn 10.000 lượt người đã sử dụng nền tảng này, trong đó, 60 trường hợp cho biết, đã từng nghĩ đến việc tự tử do quá căng thẳng trong công việc. 

Một dự án khác với tên gọi Emotional PPE cũng đã được triển khai tại bang Massachusetts, nhằm cung cấp cho các nhân viên y tế danh bạ thông tin liên lạc của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần tình nguyện, để họ có thể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời sau quãng thời gian làm việc căng thẳng tại bệnh viện. 

 “Chúng tôi muốn giúp mọi người tự bảo vệ mình từ bên trong trước những tác động của COVID-19. Những sự hỗ trợ chuyên nghiệp sẽ giúp giảm thiểu những tác động tâm lý lên cảm xúc, não bộ và sức khỏe tâm thần của mọi người” - tiến sĩ Ariel Brown, chuyên gia khoa học thần kinh và là nhà đồng sáng lập dự án Emotional PPE chia sẻ. 

Lạc Diệp 
(Nguồn: CNN, Reuters, Commonwealth Fund, BBC, Today.com, Telegraph)


 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI