Nô lệ xe máy

17/01/2019 - 06:00

PNO - Lâu nay, khi bàn về giải pháp chống kẹt xe hay hạn chế tai nạn giao thông ở TP.HCM, xe máy vẫn như một thành trì kiên cố không gì lay chuyển nổi.

Phần lớn người dân không muốn bỏ xe máy vì nó quá thuận tiện, chi phí lại rẻ. Song, nếu nói đến các yếu tố bất lợi thì xe máy không chỉ gây ra phiền phức mà còn tiềm ẩn những hậu quả khó lường.

Phiền phức mà ai cũng phải chịu đựng khi sử dụng xe máy đó là mỗi ngày phải dắt xe vào nhà, phải phập phồng lo trộm cướp. Đặc biệt, xe máy để trong nhà, nếu xảy ra chập cháy sẽ hết sức nguy hiểm. Trên thực tế, tại TP.HCM, đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ chết người xuất phát từ xe máy. Mới nhất là vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) làm nhiều người thương vong.

No le xe may
 

Tôi có người bạn ở Q.Gò Vấp, nhà chật hẹp nhưng buổi tối, phải tống 4-5 chiếc xe máy vào phòng khách nên không còn lối đi. Anh tâm sự: “Nghèo quá phải chấp nhận đi xe máy, chứ khá khá thì đi ô tô cho sướng”.

Có tiền thì đi ô tô cho sướng! Nhiều người tôi quen cũng từng có suy nghĩ như thế và thực hiện như thế. Nhưng khi có ô tô rồi, không ít người vẫn phải sử dụng xe máy vì đường phố luôn tắc nghẽn, mỗi lần chạy ô tô giống như cực hình. Nó như cái vòng luẩn quẩn, dù phiền phức, dù nguy hiểm nhưng vẫn phải chọn xe máy.

Chừng nào còn nhiều người đi xe máy, chừng đó tình trạng vi phạm luật giao thông còn phổ biến. Một người quen của tôi làm trong ngành giao thông vận tải tuyên bố một câu xanh rờn như thế. Ông dẫn chứng, chỉ cần buổi tối, đến các nhà hàng tiệc cưới hay các quán nhậu, sẽ bắt gặp rất đông người uống rượu bia nhưng vẫn chạy xe máy ra về và cảnh tượng này không biết đến bao giờ mới kết thúc.

Trong một lần trò chuyện với tôi về bài toán phát triển giao thông công cộng ở TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh - nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, ngay cả những sinh viên đi xe buýt thường xuyên, đến ngày thi, họ lại sử dụng xe máy vì sợ trễ giờ. Không đảm bảo giờ giấc và thiếu luồng tuyến thuận tiện là hai nguyên nhân khiến cho xe buýt - phương tiện được trợ giá để khuyến khích người dân giảm dùng xe máy - cũng loay hoay hoài không “lớn” nổi.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi nạn kẹt xe bùng phát hay tình trạng tai nạn giao thông xảy ra nhiều, câu chuyện có nên hạn chế xe máy hay không lại được xới lên. Xong rồi, cũng như mọi năm, các hội thảo cũng thường kết thúc theo mô-típ: bàn - bí - bực - bỏ.

Có lẽ, để giảm kẹt xe hay hạn chế thương vong do tai nạn giao thông ở TP.HCM, chẳng có con đường nào sáng sủa hơn là phải hạn chế sử dụng xe máy. Nhưng đó phải là lựa chọn tự nguyện của người dân nhằm thoát khỏi sự nô lệ với loại phương tiện lạc hậu chứ không phải là từ bỏ phương tiện này để thành nô lệ cho phương tiện khác.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI